Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.
4.1. Đề xuất một số ý kiến về Điều lệ mẫu
Việc ban hành ĐLM để nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp đưa ra một khuôn mẫu chung về tổ chức và hoạt động của các CTNY là điều cần thiết xuất phát từ các lý do sau:
- Về phía cơ quan quản lý: tạo sự thống nhất trong quản lý của Nhà nước. Đối với một TTCK hàng trăm và hàng ngàn công ty, hàng vạn cổ đông và hàng tỷ tiền vốn thì cần thiết phải có một quy định sườn cứng cho các công ty với mục đích cao nhất là để Nhà nước có thể quản lý thị trường một cách tốt nhất nhằm bảo vệ nền kinh tế đất nước, bảo vệ cổ đông. Vì vậy, ĐLM cần có hệ thống các quy định chuẩn chứ không nên coi ĐLM chỉ mang tính “khuyến khích áp dụng” hoặc“ mô hình tham khảo”. Bên cạnh đó, với những vấn đề mà Luật để ngỏ cho doanh nghiệp thì phải để cho doanh nghiệp tự quyết định, không thể khiên cưỡng bắt doanh nghiệp phải tuân thủ bởi nếu không ĐLM sẽ trở thành mô hình cứng nhắc và không phù hợp với mọi doanh nghiệp. Hơn nữa, nó cũng sẽ khó được thực thi một cách triệt để vì “đạo luật” của Công ty đã không được xây dựng trên cơ sở tự chủ của doanh nghiệp và sự đồng thuận của các thành viên. [56]
- Về phía các doanh nghiệp: Thứ nhất, không phải mọi doanh nghiệp đều có đội ngũ các luật sư, chuyên gia pháp lý tài năng để xây dựng một bộ khung pháp lý chuẩn bao quát các vấn đề cho tổ chức và hoạt động doanh nghiệp. Thứ hai, không thể để các doanh nghiệp tự bơi trong hệ thống pháp luật chằng chịt vốn đã nhiều rắc rối và phức tạp. Do vậy, cần phải có những quy định mang tính dẫn đường cho doanh nghiệp. Ngoài ra, với một đất nước mà lịch sử pháp lý kinh doanh còn non trẻ, vốn coi trọng giao tiếp hơn văn bản giấy tờ, trên con đường hội nhập quốc tế, cần phải buộc và học cách soạn thảo các nguyên tắc, quy tắc pháp lý và tôn trọng Điều lệ – những quy tắc do chính mình viết ra.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần thống nhất với nhau một nguyên tắc rằng ĐLM chỉ nên quy định những nội dung tối thiểu nhưng cơ bản và mang tính nguyên tắc liên quan đến tổ chức và hoạt động mà CTNY phải tuân theo trong Điều lệ của mình. Đồng thời, các CTNY có quyền đưa thêm các vấn đề khác phù hợp với tính chất đặc điểm của cổ đông công ty, truyền thống công ty, điều kiện của từng công ty… mà không bị pháp luật cấm.
Quyết định số 15 về ĐLM được ban hành trên cơ sở kế thừa Quyết định 07, cập nhật những nội dung mới nhất của LDN 2005, LCK và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mặc dù đã có những sửa đổi cần thiết và kịp thời nhằm thay thế một văn bản trước đó song ngay từ lúc ra đời và trong quá trình thực hiện cho đến thời điểm này, ĐLM 15 có nhiều điểm bất cập cả về mặt cơ cấu, chính sách – kỹ thuật pháp lý và nội dung.
Xuất phát từ ý nghĩa trên của việc ban hành ĐLM, tác giả mạnh dạn đưa ra một số đề xuất cụ thể sau đây về việc hoàn thiện ĐLM cho các CTNY ở Việt Nam:
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:
===>>> Luận Văn Thạc Sĩ Luật Học
4.1.1. Kiến nghị hoàn thiện về cơ cấu ĐLM Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
Cần nghiên cứu sắp xếp để ĐLM có cơ cấu hợp lý trong từng chương, từng mục. Ở mỗi mục, các điều được đặt trong mối tương quan và logich với nhau, cấu trúc chặt chẽ. Nội dung của quy định phải phù hợp với tiêu đề của điều luật, tránh đến mức tối thiểu việc ôm đồm quá nhiều ý tứ trong mỗi điều luật hay nhồi nhét các vấn đề không ăn nhập và không cần thiết. Với những quy định mà Luật đã rõ ràng thì cần bám sát và sử dụng, không nên xáo trộn và thay đổi lộn xộn, tùy hứng như rất nhiều điều trong ĐLM đã làm.
Điều 5 của ĐLM xem xét tách CĐSL thành một điều luật riêng nhằm tránh sự quá tải của điều luật khi cùng một lúc quy định nhiều nội dung lớn. Mặt khác, trong trường hợp mà danh sách CĐSL kéo dài, ví như các CTNY là các ngân hàng với hàng nghìn tỷ đồng trở lên thì tiêu chí và danh sách CĐSL có thể đến cả chục trang, sẽ tạo cảm giác phân tán cho người theo dõi. Và xét về phương diện khoa học, điều luật như vậy là chưa hợp lý.
Chuyển nội dung Điều 15 – về các đại diện được ủy quyền – vào phần cuối quy định về quyền và nghĩa vụ của cổ đông vì đây là một quyền cụ thể của cổ đông cần được chi tiết. Hơn nữa, quyền này cũng không thuộc về phần quyền của cơ quan ĐHĐCĐ.
Điều 13, 14, 17: Một số nội dung của ba điều này cần được hoán đổi vị trí cho nhau theo đó bỏ Điều 14 có tên “Quyền và nhiệm vụ của ĐHĐCĐ” và chuyển Điều 14.1, 14.2 vào Điều 13 để trở thành 13.2 và 13.3; Điều 13.2, 13.3 cũ nên được đưa vào Điều 17 về triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ; đưa Điều 14.3 vào Điều 12 về quyền của cổ đông; bỏ Điều 14.4.
Nên được tách 03 nội dung (triệu tập cuộc họp của ĐHĐCĐ, chương trình họp và mời họp của ĐHĐCĐ) của Điều 17 thành 03 điều độc lập, tránh cho Điều 17 bị dàn trải và bị phá vỡ tính lôgich.
Mục VII- về HĐQT mà ĐLM đưa ra chưa hợp lý, nên theo hướng của LDN 2005 là đưa thông tin về địa vị pháp lý của HĐQT trước thành phần và nhiệm kỳ HĐQT. Điều đó cho thấy sự sắp xếp chưa hợp lý trong cơ cấu của ĐLM. Thay vì thế, Điều 25.2 cần được cắt đi để nhập vào làm một ý của Điều 25.3. Sắp xếp các nội dung của Điều 25 vào đúng vị trí để không gây ra những sự hiểu nhầm. Nhằm tạo sự thông thoáng, mạch lạc trong văn bản pháp lý, nên tách các khoản từ Điều 25.7 đến 25.10 thành một điều luật riêng về thù lao, tiền lương và lợi ích khác của thành viên HĐQT và các chức danh quản lý khác.
Điều 28 – Các cuộc họp của HĐQT nên tách ít nhất thành hai để nội dung vừa dễ hiểu, dễ nắm bắt và đảm bảo tính khoa học.
Tách Điều 36 thành 2 điều: một điều về BKS; một điều về bầu, miễn nhiễm, bãi nhiệm BKS đồng thời sắp xếp lại nội dung theo sát LDN 2005, tránh sự xáo trộn tùy hứng.
Chuyển mục nghĩa vụ của thành viên HĐQT, BKS, GĐ/TGĐ và thành viên Ban điều hành Công ty ra sau mục quy định về Ban Kiểm soát để đảm bảo trách nhiệm chung của các cơ quan và các nhân nói trên trong hoạt động của Công ty.
Trong lần sửa đổi mà Bộ Tài chính định làm tới đây nên đưa thêm vào ĐLM những nội dung mới, bổ sung thêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của công ty, để minh định về quyền/nghĩa vụ của công ty với tư cách là một pháp nhân khác với quyền của các cơ quan và thể nhân khác trong công ty.
4.1.2. Kiến nghị về chính sách, kỹ thuật pháp lý Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
Các kiến nghị này tập trung vào những vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, về chính sách lập pháp.
Cần minh định lại nguyên tắc áp dụng pháp luật: Việc hướng dẫn, diễn giải và cụ thể của văn bản luật có giá trị thấp hơn phải tuân thủ quy định của văn bản có giá trị cao hơn, văn bản có giá trị ngang nhau thì văn bản ra đời sau có hiệu lực thay thế văn bản trước. Thực tế cho thấy rất nhiều quy định trong ĐLM mâu thuẫn với LDN 2005 và LCK, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của cổ đông (Điều 18.4, Điều 24.8, Điều 40.1…). Do vậy, trong lần sửa đổi 16 Luật và Bộ luật của hệ thống luật kinh doanh tới đây trong đó có LDN 2005, LCK, cơ quan lập pháp và các cơ quan quản lý chuyên ngành cần xem xét lại những bất cập, thiếu sót của các luật trên để sửa đổi, bổ sung. Đối với các văn bản dưới luật như Quyết định 15 thì việc hướng dẫn phải theo tinh thần và nội dung của Luật, trong khuôn khổ của Luật; tránh các quy định trái Luật và giới hạn những gì mà Luật không giới hạn; tránh đẩy doanh nghiệp vào việc làm theo Luật thì sai với ĐLM, làm theo ĐLM thì đương nhiên sai luật khiến doanh nghiệp rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong quá trình chấp hành và thực thi pháp luật. Khi pháp luật của Nhà nước còn bất nhất thì việc thực thi của các chủ thể sẽ còn nhiều bất thành.
Điều 18 – ĐLM ấn định điều kiện để tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ theo quy định tại Điều 102 – LDN 2005. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được làm rõ khi mà tại Điều 3.3 LDN 2005 quy định: “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo theo quy định của điều ước quốc tế”. Nghị quyết 71 của Quốc hội ngày 29/11/2006 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quyền quy định trong Điều lệ công ty các nội dung sau:
- Số đại diện cần thiết để tổ chức cuộc họp và hình thức thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
- Các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của ấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
- Tỉ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên.”
Trong Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO xác nhận Việt Nam sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư thiết lập hiện diện thương mại dưới hình thức liên doanh theo các cam kết trong Biểu Cam kết Dịch vụ của Việt Nam sẽ có quyền xác định trong Điều lệ doanh nghiệp tỷ lệ đa số phiếu chính xác cần có để đưa ra tất cả các quyết định, bao gồm cả tỷ lệ đa số đơn giản là 51% [42, Đoạn 502].
Nghị quyết của Quốc hội có giá trị pháp lý ngang luật. Vì vậy việc cho phép thay đổi các tỷ lệ nói trên đồng nghĩa với việc sửa đổi các nội dung liên quan trong LDN, giảm các tỷ lệ tối thiểu từ 65% và 75% xuống 51%. Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
Chỉ riêng với Ngân hàng Nhà Nước, cơ quan này đã có 4 văn bản ở 4 thời điểm thể hiển quan điểm trái ngược nhau: Công văn số 11388/NHNN-CNH về việc thực hiện Nghị quyết 71 và Luật TCTD lựa chọn tỷ lệ 51% [21, Điều 59.3.b]; Công văn số 2217/NHNN-CNH ngày 19/3/2007 và Nghị định 59/2009/NĐ – CP hướng dẫn Luật TCTD theo hướng ủng hộ tỷ lệ 65%. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo LDN 2005) tại Công văn số 771/BKH-TCT ngày 26/12/2007 đã giải thích: Tỷ lệ tối thiểu 51% ghi trong Nghị quyết 71 chỉ được áp dụng đối với các công ty liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài và chỉ được áp dụng đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, chứ không áp dụng với các công ty khác. Gần đây, một loạt văn bản khác cho rằng phải áp dụng tỷ lệ tối thiểu 65% và 75%, như: Công văn của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) hồi giữa tháng 3/2009; Công văn số 431/UBCK – QLPH ngày 25/3/2009 của UBCKNN; Công văn số 3069/BKH-PTDN ngày 04/5/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ vướng mắc này sẽ dẫn đến vướng mắc khác: Nghị quyết 71 quy định tỷ lệ cuộc họp hay biểu quyết lần thứ nhất chỉ cần tối thiểu 51%, vậy thì lần thứ hai thì liệu bao nhiêu %? Nếu vẫn là 51% thì phải chăng đã vô hiệu hoá cơ chế giải quyết tình trạng bế tắc đối với cuộc họp lần thứ nhất của công ty theo LDN 2005 [30].
Về mặt nguyên tắc, tất cả các văn bản trên đều không có giá trị giải thích chính thức việc áp dụng các tỷ lệ tối thiểu của LDN 2005 vì theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, chỉ có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích luật [20, Điều 12]. Tuy nhiên, với một rừng văn bản như trên, các công ty đã và đang không biết phải theo hướng nào. Do vậy, trong thời gian tới, cần có sự minh định và các quy định xác thực giữa cơ quan lập pháp và các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước về tỷ lệ này.
Cũng cần hết sức lưu ý khi có sự khác biệt về tỷ lệ nắm giữ phần vốn biểu quyết để tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ hợp lệ giữa các CTCP mà Việt Nam đã áp dụng hạn chế sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ khác LDN, ĐLM không nên đặt ra một tỷ lệ 65% (đối với cuộc họp được triệu tập lần thứ nhất) hay 51% (đối với cuộc họp được triệu tập lần thứ hai) như tại Điều 18.1, 18.3 mà để các CTNY ở trạng thái nào sẽ tự áp mình vào tỷ lệ đó. Đồng thời, pháp luật cần giải quyết triệt để những rắc rối liên quan đến vấn đề tỷ trước và trong cuộc họp ĐHĐCĐ…
Tại Điều 18.2, ĐLM đã sáng tạo Luật khi đưa ra việc hủy bỏ cuộc họp ĐHĐCĐ do khai mạc muộn quá 30 phút. Điều này là trái LDN 2005, vi phạm quyền tự quyết và lợi ích cổ đông. Việc xây dựng các quy định phải cần phải gắn liền với thực tiễn đời sống. Nếu bất cứ cuộc họp ĐHĐCĐ nào cứ chậm 30 phút là phải hủy bỏ thì ai đứng ra bù đắp các chi phí cho doanh nghiệp và cổ đông? Thực tế, không phải doanh nghiệp đều tuân thủ quy định này khi nó không phù hợp và ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Vì vậy, sửa đổi ĐLM cần được sát sao chặt chẽ.
Thứ hai, về kỹ thuật pháp lý.
Như đã nêu ra tại chương II, nhiều nội dung trong ĐLM còn được diễn đạt theo lối văn nói, trình bày rườm rà và không phù hợp với hình thức điều luật; các vấn đề đan xen lẫn lộn nhau không phân định. Nhiều quy định chồng chéo và mâu thuẫn nhau do không có sự gắn kết trong tư duy lo gich giữa các đoạn, các phần. ĐLM đã nhầm lẫn các khái niệm như việc bổ nhiệm BKS, Trưởng BKS; xem giải thể là hình thức khác của chấm dứt hoạt động hoặc coi việc giám sát GĐ/TGĐ là một trách nhiệm khác nằm ngoài quyền và nghĩa vụ của Công ty ( Điều 28.2 và 28.3)… Tất cả các vấn đề trên, cần được xoát sét kỹ để tránh những “hạt sạn” khó coi trong ĐLM.
Để đảm bảo đúng tính chất pháp lý, luôn luôn phải có từ “họp” hay “cuộc họp” trước cụm từ “Đại hội đồng cổ đông” để chỉ một cuộc họp. Cơ quan ban hành văn bản cần thay thế và chỉnh sửa các thuật ngữ pháp lý đã và đang bị hiểu sai trong LDN 2005, ĐLM và các văn bản có liên quan.
Cần tính toán lại từng công đoạn, thời gian và yếu tố từ thời gian lập danh sách cổ đông tham dự đại hội, thời gian gửi thông báo mời họp, quy trình tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ lúc nào thì bắt đầu và hợp lý.
Việc xây dựng pháp luật không thể chỉ bằng lắp ghép ngôn từ mà cần có sự tổng hợp các kiến thức từ toán học, lô gich học… và phù hợp với thực tiễn. Chỉ có như vậy, quy định pháp luật mới tồn tại được trong đời sống.
4.1.3. Kiến nghị hoàn thiện về nội dung Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
ĐLM là một văn bản dưới luật và cụ thể hóa Luật vì thế về mặt nguyên tắc không được trái Luật, không được giới hạn những gì mà Luật không giới hạn. Các kiến nghị về nội dung tập trung vào những vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Quyết định 15 ra đời sau LDN 2005 và LCK nhưng khá nhiều nội dung đã được quy định trong Luật song ĐLM vẫn để trống. Ví như: theo quy định tại Điều 10- Luật Chứng khoán: “Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam” nhưng tại Điều 5 – ĐLM vẫn để trống mệnh giá cổ phần.
Thứ hai, về việc gửi Thông báo mời họp cho cổ đông, thông báo phát hành cổ phần hay thông báo trả cổ tức.
Để đảm bảo cho mọi cổ đông đều có quyền được biết, được nhận các thông tin liên quan đến quyền và lợi ích của mình, LDN cũng như LCK và các văn bản hướng dẫn đều có quy định rất chặt chẽ và cụ thể về việc thông tin đến cho cổ đông, theo đó công ty phải gửi Thông báo bằng hình thức bảo đảm đến tất cả các cổ đông. Tuy vậy việc làm này có không ít hạn chế:
- Việc gửi thư theo phương pháp thủ công làm mất thời gian, nhân lực của Công ty;
- Chưa hoàn toàn đảm bảo 100% đến được tay cổ đông;
- Thời gian nhận được thông tin lâu và có thể không đảm bảo khoảng thời gian cần thiết cho cổ đông chuẩn bị nếu thư chuyển đến muộn do lỗi của Công ty chuyển bưu phẩm;
- Lãng phí tiền bạc của Công ty và ảnh hưởng trực tiếp đến cổ đông khi mà chi phí gửi thư bảo đảm không hề rẻ, đặc biệt đối với các công ty có số lượng cổ đông lớn.
Thực tế cho thấy, trừ khi mời họp ĐHĐCĐ hoặc gửi văn bản xin ý kiến cổ đông thì các CTNY mới gửi thư, còn lại các nội dung như thông báo việc phát hành thêm cổ phần và số lượng cổ phần được mua thêm… thì đại đa số các CTNY đều không làm.
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, đặc biệt với những người khi tham gia vào thị trường chứng khoán đòi hỏi họ phải có hiểu biết và trình độ nhất định và cũng xuất phát từ thực tế nói trên, nên chăng pháp luật về doanh nghiệp cần được nghiên cứu trong lần sửa đổi tới đây cho phép các công ty được quyền lựa chọn gửi thông báo đến cổ đông theo một hình thức mà cổ đông thấy hợp lý nhất nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho một TTCK hiện đại. Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
Thứ ba, về trình tự thủ tục triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ.
Sau khi có đủ các căn cứ triệu tập, cổ đông/nhóm cổ đông có thẩm quyền triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ đề nghị HĐQT và BKS triệu tập. Trường hợp hai cơ quan này không triệu tập thì thời gian để cổ đông/nhóm cổ đông thực hiện việc này là:
- 30 ngày đợi HĐQT không triệu tập (khoản 4 Điều 97);
- 30 ngày đợi BKS không triệu tập (khoản 5 Điều 97);
- 30 ngày sau khi chốt danh sách cổ đông trước khi diễn ra cuộc họp (khoản 1 Điều 98);
Để giải quyết một công việc cấp bách mà nhóm cổ đông cần 90 ngày để tổ chức cuộc họp bất thường của ĐHĐCĐ vậy thì quyền của cổ đông liệu có được bảo vệ không? Vì vậy, LDN 2005 và ĐLM cần cân nhắc đưa ra các quy định mang tính khả thi. Tương tự, Điều 103 của LDN 2005 quy định điều kiện tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường có thể phải trải qua 03 lần tổ chức trong thời gian 50 ngày thì hoàn toàn không phù hợp, gây lãng phí thì gian, tiền bạc của cổ đông và doanh nghiệp. Thiết nghĩ trong lần sửa đổi sắp tới, cả Luật DN và ĐLM đều có thể khắc phục được những hạn chế này.
Thứ tư, ĐLM quy định về việc HĐQT phải tổ chức cuộc họp của HĐQT theo yêu cầu của kiểm toán viên và sự có mặt của kiểm toán viên tại ĐHĐCĐ với rất nhiều quyền năng mà ngay cả các cổ đông cũng không dễ dàng có. Mục đích của nhà làm luật hẳn là muốn tăng tính minh bạch của CTNY nhưng nếu những vấn đề này chưa được Luật quy định mà văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn đã dẫn đường cho Luật thì lại là việc làm trái luật. Song cũng cần thấy rằng, muốn xây dựng một TTCK lành mạnh và phát triển thì không thể thiếu được vai trò của kiểm toán độc lập. Vì thế, cơ quan lập pháp cần bổ sung các quy định tăng cường vai trò và tính chịu trách nhiệm của công ty kiểm toán độc lập trong các CTNY vào Luật để đảm bảo hiệu lực pháp lý cao nhất, để văn bản pháp lý thấp hơn không còn trái với Luật. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để đặt vị trí, vai trò của cơ quan kiểm toán, kiểm toán viên độc lập ở mức độ hợp lý, tránh tình trạng công ty kiểm toán, nhân viên kiểm toán nhiều về quyền mà ít về nghĩa vụ.
Thứ năm, về việc bãi miễn thành viên HĐQT trong trường hợp thành viên này do cổ đông thiểu số bầu dồn phiểu: LDN 2005 rất cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm cho quyền của cổ đông thiểu số. Thành viên HĐQT chỉ bị bãi miễn khi có những điều kiện nhất định, không thể bị bãi miễn bất cứ khi nào theo quyết định của ĐHĐCĐ, HĐQT.
Thứ sáu, vấn đề về việc thông qua Quyết định của ĐHĐCĐ tại Điều 104.3 – LDN 2005 gây nhiều tranh cãi do chỉ quy định hết sức chung chung rằng “quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua tại cuộc họp khi… được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”. Có phải bất kỳ quyết định nào của ĐHĐCĐ, kể cả những quyết định về mặt thủ tục nhằm tiến hành ĐHĐCĐ như trên hay chỉ một số loại quyết định cụ thể nào đó thì mới phải đảm bảo tỷ lệ thông qua tối thiểu 65%? Có 2 cách nhìn nhận về vấn đề này:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng tất cả những vấn đề đã được ĐHĐCĐ thông qua thì đó đều là quyết định của cơ quan này và do đó phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu 65% mà luật quy định.
- Quan điểm thứ hai lại cho rằng LDN 2005 không có điều khoản cụ thể nào yêu cầu về việc bầu ban kiểm phiếu, thông qua nội dung chương trình ĐHĐCĐ… phải đảm bảo đủ tỷ lệ 65% thì không cần phải thực hiện. Ngay tại Điều 104.2 đã quy định cụ thể rằng “trường hợp điều lệ công ty không quy định thì quyết định của ĐHĐCĐ về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông: a) sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; b) thông qua định hướng phát triển công ty; c) quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; d) bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT và ban kiểm soát…”. Như vậy, Điều 104.3.a – LDN 2005, về bản chất chỉ là một điều khoản nối tiếp của Điều 104.2. Hay nói cách khác, chỉ những vấn đề tại Điều 104.2 thì mới phải đảm bảo yêu cầu đủ tỷ lệ 65%. Theo quan điểm này, sở dĩ luật liệt kê ra một số trường hợp bắt buộc phải đảm bảo tỷ lệ thông qua như trên là nhằm để bảo vệ cổ đông thiểu số. Những trường hợp khác còn lại không được liệt kê như chương trình họp, bầu ban kiểm phiếu… có thể nhà làm luật không thấy nhất thiết phải bảo vệ cổ đông thiểu số hay cũng chẳng có cơ sở để bảo vệ cổ đông thiểu số. Vì vậy, nếu pháp luật không quy định thì tỷ lệ biểu quyết đối với các trường hợp trên do Điều lệ quyết định. Nếu Điều lệ không quy định thì tỷ lệ quá bán (trên 50%) là phù hợp thông lệ
Tham khảo pháp luật của một số nước: Ở Anh, các trường hợp biểu quyết thông thường của ĐHĐCĐ luật chỉ quy định phải đảm bảo tỷ lệ 51%. Một số trường hợp đặc biệt như thay đổi điều lệ, thay đổi quyền của cổ đông hay giải thể công ty thì tỷ lệ là 75%. Tỷ lệ % ở đây được tính trên số cổ đông dự họp (hội đủ thành phần hợp lệ cho cuộc họp). Những vấn đề về thủ tục như chương trình họp (nếu có) hay bầu ban kiểm phiếu không nằm trong tỷ lệ 75%. Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
Mỹ, tỷ lệ biểu quyết được quy định là 51% trên cổ đông dự họp (hoặc tỷ lệ cao hơn theo Điều lệ) ngoại trừ một số trường hợp hãn hữu (như bầu thành viên HĐQT theo phương thức dồn phiếu).
Do vậy, cùng với sự sửa đổi của LDN 2005 trong lần tới đây, Điều lệ mẫu của CTNY cũng cần quy định rõ:
Một là: tất cả các quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua tại cuộc họp đều phải đảm bảo tỷ lệ số phiếu biểu quyết 65% trừ các điểm a, c, d, đ khoản 2 Điều 104. Trong trường hợp này, điều luật nên được bổ sung lại là “Tất cả (hoặc “mọi”) quyết định của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) được thông qua tại cuộc họp khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận trừ các điểm a, c, d, đ khoản 2 Điều 104”.
Hai là, chỉ những trường hợp quy định tại Điều 104.2 mới phải bị buộc đảm bảo tỷ lệ 65%. Nếu hiểu theo cách này thì Điều 104.3a phải được sửa đổi như sau: “Các quyết định của ĐHĐCĐ quy định tại khoản 2 điều này được thông qua tại cuộc họp khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận trừ các điểm a, c, d, đ”.
Sự bất cập trong các quy định về tỷ lệ biểu quyết của ĐHĐCĐ đã được các cơ quan quản lý nhìn thấy rõ. Đại diện của UBCKNN – ông Thọ đã phát biểu: Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ tỷ lệ biểu quyết dẫn đến tốn kém trong các lần tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ, song việc sửa đổi lại không dễ. Bộ Tài chính đã gửi văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi tỷ lệ quy định trong LDN 2005 nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản hồi lại rằng, quản lý CTNY là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán. Ông này còn cho biết thêm: LDN 2005 quy định tỷ lệ trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không sửa thì Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán làm sao có thể hướng dẫn khác được. Vì một TTCK Việt Nam phát triển, các cơ quan liên quan rất cần ngồi lại với nhau để thảo luận và thống nhất một mục tiêu, chính sách chung.
Nhân đây, cũng xin đề cập về việc ủy quyền cho HĐQT hoặc đại diện của trung tâm lưu ký mà ĐLM đã nêu là không hợp lý. Tuy nhiên, cổ đông không thực hiện cũng chẳng ủy quyền gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Giải quyết được vấn đề này là đã gỡ khó cho doanh nghiệp không ít.
Thứ bảy: Việc chấm dứt tư cách CĐSL trong trường hợp CĐSL không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Điều 84.3.c LDN là không hợp lý. Và nội dung này đã được khắc phục tại Điều 23.5 của Nghị định 102. Vì vậy, một trong những yêu cầu cấn thiết phải ban hành một văn bản mới về ĐLM cho các CTNY vì ĐLM có quá nhiều nội dung vi phạm Luật, nội dung chồng chéo, rườm rà, cơ cấu Điều lệ chưa hợp lý …thì còn bởi lẽ nhiều quy định trong ĐLM đã không còn phù hợp với pháp luật hiện hành. Sửa đổi ĐLM trong khuôn khổ sửa đổi hoàn thiện pháp luật kinh doanh đồng thời cập nhật các quy định pháp lý mới.
Thứ tám, về cổ tức: Hiện nay, nhiều CTCP áp dụng hình thức chi trả cổ tức bằng tiền mặt nhưng lại tính theo tỷ lệ phần trăm (%). Điều này hoàn toàn hợp pháp bởi vì luật không cấm, không hạn chế thì doanh nghiệp có quyền thực hiện. Song cũng có nhiều ý kiến về cách thức chia cổ tức bằng tiền mặt trong luật Việt Nam cần phải theo chuẩn mực của quốc tế. Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital phát biểu: “ Ở nước ngoài không bao giờ có chuyện chia cổ tức 12%, 15% hay 20% mà chỉ có thể là 12.000 đồng, 15.000 đồng...”. Ông Huy Nam, chuyên gia tài chính chứng khoán khẳng định: “Vấn đề công bố cổ tức theo tỷ lệ phần trăm hiện nay là một điển hình và đây là trở ngại lớn cho các NĐT. Ở nước ngoài, cổ tức luôn phải công bố bằng số tiền tuyệt đối để NĐT lấy đó làm cơ sở tính toán xem việc họ đầu tư vào CP đó có thực sự hấp dẫn hay không”. Ông này còn nói thêm “Công bố cổ tức phải bằng số tiền tuyệt đối chứ tỷ lệ phần trăm như hiện nay không có ý nghĩ gì cả”[58].
Việc công bố và chia cổ tức theo tỷ lệ như hiện nay trên thực tế cũng gây ra một số hiểu nhầm bởi lẽ không phải NĐT nào cũng am hiểu về chứng khoán. Các NĐT có kinh nghiệm thì sẽ hiểu ngay đây là tỷ lệ phần trăm tính trên mệnh giá, trong khi một số sẽ hiểu đó là tính trên giá thị trường. Sự nhầm lẫn không cần thiết này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền của NĐT. Việt Nam đã gia nhập WTO, tức là chúng ta đã chấp nhận quy luật chung, vậy nên cũng cần khảo sát, nghiên cứu để có quy định hợp lý.
Thứ chín, quy định về cuộc họp của HĐQT theo LDN 2005 là tương đối đầy đủ và toàn diện. ĐLM nói chung, Điều 28 nói riêng, tránh diễn giải và sáng tạo các LDN 2005 một cách không cần thiết và bất hợp lý.
Mười, sự thiếu vắng các quy định pháp luật về thành viên HĐQT độc lập là một trong những lỗ hổng của LDN và LCK. Cho đến thời điểm này, tính pháp lý về vai trò của thành viên HĐQT độc lập hoặc được nhìn qua lăng kính của luật quốc tế, luật của nước ngoài hoặc qua kinh nghiệm thực tế của những người đã từng là thành viên HĐQT độc lập tại các tổ chức chuyên nghiệp [35],[36]. Thực tế đang phản ánh những hiện tượng phức tạp trong hoạt động của CTNY mà chỉ có thành viên độc lập mới phát hiện, giải quyết được. Nhận thức được điều này, trong Thông tư 09 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK ban hành năm 2010 của UBCKNN đã tăng cường sự tham gia và tính chịu trách nhiệm của thành viên HĐQT độc lập trong hoạt động công bố thông tin của CTNY [3]. Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
Hàng loạt các vấn đề liên quan đến thành viên HĐQT trong doanh nghiệp đòi hỏi phải có thành viên độc lập ở vai trò giám sát. Thí dụ công ty cho thành viên HĐQT vay tiền hoặc ngược lại; thành viên HĐQT dùng tài sản của mình thế chấp ở ngân hàng cho CTNY vay tiền hoặc ngược lại; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết mà thành viên HĐQT có cổ phần… Từ những mối quan hệ chằng chịt này, đã xảy ra việc chuyển lời lỗ từ các CTNY về các công ty con làm các thành viên có lợi ích liên quan được hưởng lợi. Nguyên tắc quản trị công ty của OEDC chỉ ra rằng trong HĐQT phải lập ra các tiểu ban để giúp HĐQT như tiểu ban lương thưởng, kiểm toán, nhân sự… và trưởng các tiểu ban bắt buộc phải là thành viên độc lập HĐQT. Việt Nam chưa hề có một quy định bắt buộc như thế.
Thị trường tài chính Việt Nam còn non trẻ và phần lớn là NĐT ngắn hạn mới chỉ chú ý đến mục đích sinh lời nhanh mà chưa quan tâm đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và còn thiếu các tổ chức tạo lập thị trường. Trên cái nền đó, chỗ đứng của thành viên độc lập HĐQT chưa thể nổi bật. Nhưng khi thị trường càng lớn, xung đột lợi ích giữa các chủ thể phát sinh càng nhiều, thành viên độc lập sẽ là nhân vật không thể thiếu để bảo vệ NĐT. Sự hoàn chỉnh địa vị của thành viên độc lập phải bắt đầu từ khía cạnh pháp luật, bằng sự sửa đổi, bổ sung và cập nhật quy định về mẫu hình này.
Mười một, về vai trò của BKS: Ở không ít các công ty, BKS chỉ đóng vai trò “bù nhìn”, được chính HĐQT và các cổ đông lớn dựng lên cho có lệ rồi hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Thậm chí, BKS ở nhiều DN còn là lực lượng hậu thuẫn, tiếp tay cho HĐQT, GĐ/TGĐ dấn sâu vào những hoạt động sai phạm, xâm phạm lợi ích các cổ đông nhỏ lẻ. Cơ chế đơn giản và hiệu quả nhất là các thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ không được quyền đề cử và không được quyền bỏ phiếu bầu thành viên BKS. Điều này là hợp lý, bởi lẽ BKS không tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, không có vai trò trong việc làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay kém hiệu quả, mà chỉ đóng vai trò giám sát hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp của HĐQT, GĐ/TGĐ.
Một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng LDN là hạn chế thấp nhất những xung đột lợi ích trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp. Khi một người có quyền đề cử, ủng hộ hoặc loại bỏ một người có quyền giám sát mình thì hành vi đó được xem là có xung đột lợi ích. Tương tự như trong nguyên tắc bỏ phiếu trong HĐQT, khi sự việc có liên quan đến lợi ích của thành viên nào thì thành viên đó không được quyền bỏ phiếu.
Cơ chế nào để BKS thực sự là một tổ chức độc lập, làm đúng chức năng giám sát và kiểm soát mà không bị vô hiệu hóa hoặc được dựng lên như bù nhìn để hậu thuẫn sau lưng HĐQT, TGĐ/GĐ? Trong một công ty hoạt động minh bạch, hoặc có mong muốn hoạt động minh bạch, HĐQT và GĐ/TGĐ công ty luôn nhìn nhận BKS dưới góc độ vừa là người “thổi còi” để giúp HĐQT ngừng ngay các sai phạm và dừng lại trước khi quá muộn; vừa là người hỗ trợ tích cực cho hoạt động cải tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý tài chính, quản lý đầu tư, điều tiết các quan hệ cổ đông…
Cuối cùng, QTCT là một phương tiện, nhờ đó mà xã hội có thể chắc chắn rằng các doanh nghiệp đang vận hành tốt, từ đó các NĐT có thể mạnh dạn đầu tư vào doanh nghiệp. Với hệ thống minh bạch và công bằng, QTCT tạo ra các biện pháp bảo vệ, hạn chế việc quản lý kém, thu hút nguồn vốn bên ngoài và nâng cao niềm tin vào doanh nghiệp. Để các NĐT tin tưởng mua chứng khoán, họ cần đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ được vận hành một cách trung thực và minh bạch. NĐT bên ngoài sẽ quan sát chất lượng quản trị của các công ty đại chúng, và giá cổ phiếu phản ánh sự đồng thuận của họ. QTCT tốt đem lại lợi ích lâu dài cho công ty trong việc nâng cao hình ảnh, uy tín, huy động nguồn vốn dễ dàng với chi phí thấp. Ở cấp độ quốc gia, QTCT tốt còn đem lại hình ảnh tốt về một môi trường đầu tư minh bạch và an toàn.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy QTCT tốt sẽ tạo niềm tin cho NĐT, thu hút được nguồn vốn lớn, giá cổ phiếu cao hơn và vì vậy giá sử dụng vốn sẽ rẻ hơn. Sự công khai minh bạch cũng giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, QTCT càng trở nên quan trọng và là tiêu chí để nhà đầu tư đánh giá và gửi gắm nguồn vốn của mình. QTCT cần được cải tiến “từ dưới lên”, từ chính từng công ty chứ không chỉ bằng những chỉ thị bắt buộc của luật pháp. Kinh nghiệm thế giới cho thấy mọi người thường thờ ơ với QTCT cho đến khi những vấn đề nghiêm trọng bắt đầu xảy ra. Cuộc khủng hoảng châu Á năm 1998, vụ bê bối công ty ở Mỹ năm 2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây cũng bắt nguồn từ sự yếu kém trong QTCT. Một công ty được quản trị tốt, ngoài việc thu hút được một nguồn vốn lớn từ bên ngoài vào, sẽ biết cách xác định và quản lý được rủi ro. Đây là một cách giảm chi phí.
Luật DN 2005 và LCK còn thiếu các chế tài cho các hoạt động của Công ty. Để nâng cao chất lượng QTCT tại Việt Nam, sự hoàn thiện và đồng bộ phải bắt đầu từ pháp luật: các quy định pháp lý cần minh định, rõ ràng, hợp lý, đầy đủ từ khi còn trong giả định đến lúc thực hiện, kèm theo là sự kiểm soát đủ chặt để ngăn chặn mọi rủi ro và khi xảy ra vi phạm thì có các chế tài đủ mạnh để trừng phạt, răn đe. Bên cạnh đó, công tác quản lý hiệu quả của Bộ máy Nhà nước góp phần tạo ra một khuôn khổ pháp lý tốt cho QTCT. Đến lượt mình, các Công ty muốn phát triển và thu hút đầu tư phải tự mình nâng cao năng lực QTCT.
4.2. Đề xuất cấu trúc Điều lệ mẫu Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
Trong khuôn khổ giới hạn của luận văn này, tác giả mạnh dạn đề xuất cấu trúc của một bản Điều lệ mẫu như tại Phụ lục 6 luận văn này.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, hoạt động, văn hóa hay đặc thù ngành nghề của mình, các công ty có thể xây dựng thêm các quy định khác về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, mối quan hệ giữa của công ty mẹ với đơn vị phụ thuộc, Công ty con, Công ty liên kết.
KẾT LUẬN
Đến thời điểm hiện nay, TTCK Việt Nam đã bước sang năm thứ 13. Qua chừng ấy thời gian, TTCK trải qua nhiều giai đoạn: lúc mờ nhạt, khi định hình hay từng sôi sùng sục trước khi rơi vào những chuỗi ngày trầm lắng, ảm đạm và buồn tẻ kéo dài. Đã có thời khắc mà chỉ một thông tin, một tín hiệu xa vời, một làn xanh le lói dù chưa thật sự hiện hữu nhưng cũng làm bừng sáng niềm tin từ bao khuôn mặt: từ người quản lý đến người làm công, từ sàn chứng khoán đến công sở, từ thành thị lan về nông thôn. Hiểu rõ sức mạnh và sự lan tỏa của chứng khoán đến đời sống kinh tế đất nước, Nhà nước đã có những đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này: từ việc xây dựng cơ sở pháp lý đến cơ sở vật chất nhằm mục tiêu đưa TTCK Việt Nam phát triển ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Chẳng thế mà trong hai năm (từ năm 2006 đến 2008), số các công ty chứng khoán và CTNY ra đời gấp hàng chục lần sáu năm trước đó. Số lao động làm việc trong lĩnh vực chứng khoán cũng tăng lên vùn vụt, hàng ngàn tài khoản được mở với vô số NĐT lộ diện. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để nâng cấp một thị trường thứ cấp lên hạng. Hệ thống pháp luật chứng khoán và TTCK vẫn còn nhiều lỗ hổng, nhiều bất cập mà ĐLM áp dụng cho các CTNY chỉ là một trong số đó. Từ luật lệ của Nhà nước đến Điều lệ doanh nghiệp là một chặng đường. Rồi từ luật lệ, Điều lệ đó đến việc thực hiện lại là một chặng đường khác. Khi chặng đường đầu tiên còn nhiều khấp khểnh, e rằng chặng sau khó có thể xuôn xẻ. Vì vậy, thực trạng áp dụng và thực thi pháp luật của cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam khiến cho NĐT chân chính không khỏi lo ngại. Thực tế thị trường hai năm qua đã chứng minh cho điều đó. Để một TTCK phát triển lành mạnh, là nơi nuôi dưỡng nguồn vốn cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp thì cần phải có sự đầu tư dài hơi: bắt đầu từ cơ chế quản lý cho một nền kinh tế thị trường với hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch; một cơ chế giữ gìn luật lệ và một hệ thống chính quyền đáng tin cậy. Chọn viết về đề tại “Điều lệ mẫu cho các công ty niên yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” tức là chọn một khâu giữ vai trò “trung gian”. ĐLM phản ánh một phần hệ thống pháp luật kinh doanh hiện thời nhưng cũng soi rọi phần nào thực tế áp dụng, chấp hành pháp luật của các CTNY. Với sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết vào ĐLM, tuy chưa thể là toàn diện, tác giả hy vọng có thể góp một phần nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh nói chung, LDN và LCK nói riêng. Khi các văn bản pháp luật của Nhà nước hoàn thiện, đồng bộ thì Điều lệ công ty, với tư cách là một loại hợp đồng đặc biệt, nếu không tuân thủ luật định, sẽ bị vô hiệu và chủ thể hợp đồng sẽ gánh chịu nhiều bất lợi. Điều mà không cổ đông, không doanh nghiệp nào mong muốn. Pháp luật hoàn thiện sẽ giảm thiểu những bất cập trong thực tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có một thị trường vốn vững mạnh và một nền kinh tế phát triển. Luận văn: Giải pháp đề xuất các ý kiến điều lệ cho Cty CK
XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY
===>>> Luận văn: Điều lệ áp dụng các Cty chứng khoán Việt Nam