Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng nguyên tắc thận trọng trong kế toán của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán – bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.
Nội dung chính của chương này là nhằm phân tích các lý thuyết nền tảng có liên quan, làm cơ sở để xây dựng mô hình nghiên cứu và phát triển các giả thuyết nghiên cứu của luận văn, giúp thực hiện mục tiêu chính của luận văn. Ngoài ra, các nội dung quan trọng về nguyên tắc thận trọng cũng được trình bày trong chương này. Cụ thể, nội dung của chương này bao gồm:
- Trình bày tổng quan về nguyên tắc thận trọng;
- Lý thuyết nền tảng có liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng nguyên tắc thận trọng.
2.1. Định nghĩa thận trọng trong kế toán
2.1.1. Thận trọng trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam
Theo định nghĩa trong CMKT Việt Nam số 1 – Chuẩn mực chung, nguyên tắc thận trọng trong CMKT Việt Nam đòi hỏi: (1) Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn; (2) Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập; (3) Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;
Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí. Như vậy, nguyên tắc này đòi hỏi kế toán viên luôn phải đứng trên quan điểm thận trọng. Theo đó, kế toán sẽ ghi nhận một khoản “lỗ” hay giảm vốn ngay khi nó được nghĩ rằng có thể xảy ra nhưng chỉ công nhận một khoản “lãi” hay tăng vốn khi nó đã trở thành chắc chắn. Chẳng hạn như quy định kế toán trong Điều 45 – Tài khoản 229 – Dự phòng tổn thất tài sản của Thông tư 200/2014/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, yêu cầu xác định lại giá trị của hàng tồn kho khi giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn so với giá gốc của hàng tồn kho, yêu cầu xác định lại giá trị của tài sản khi chúng giảm giá (thông qua trích lập dự phòng tổn thất tài sản) nhưng lại không yêu cầu xác định lại giá trị của tài sản khi chúng tăng giá. Trong khi đó, CMKT Việt Nam số 4 – Tài sản vô hình, đoạn 33-35, 38-39 quy định lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ công ty không được ghi nhận là tài sản, do chúng được xem là không chắc chắn về lợi ích kinh tế tương lai. Đây chính là biểu hiện của việc tuân thủ nguyên tắc thận trọng. Quy định hướng dẫn này của Việt Nam đồng nhất với quan điểm thận trọng trong Khuôn khổ lập và trình bày BCTC trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 2010.
Việc ghi nhận kế toán theo nguyên tắc thận trọng nhìn chung sẽ dẫn đến giá trị sổ sách của công ty bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thị trường của chúng, bởi nguyên tắc này ghi nhận những tin xấu một cách kịp thời hơn so với tin tốt, dẫn đến sự ghi nhận không cân xứng về thu nhập (Basu, 1997; Ball và cộng sự, 2000; Givoly và Hayn, 2000; Holthausen và Watts, 2001; Ball và cộng sự, 2003; Watts, 2003a). Việc ghi nhận theo nguyên tắc này mang lại lợi ích cho các chủ nợ, công ty và các cơ quan quản lý (Ahmed và cộng sự, 2002; Watts, 2003a, Francis và cộng sự, 2004; Nikolave, 2006; Ahmed và Duellman, 2007; Zhang, 2008). Các lợi ích này sẽ được thảo luận chi tiết ở phần sau.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:
===>>> Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế
2.1.2. Thận trọng trong Chuẩn mực kế toán quốc tế Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Thận trọng cũng là một trong các nguyên tắc gây khá nhiều tranh luận trong CMKT quốc tế, thể hiện ở việc thay đổi, chỉnh sửa, loại bỏ rồi lại đưa vào nguyên tắc này trong các ấn bản khác nhau của Khuôn khổ khái niệm trong hệ thống CMKT quốc tế.
Trong Khuôn khổ lập và trình bày BCTC được ban hành lần đầu của Ủy ban CMKT quốc tế năm 1989, thận trọng được coi là một yêu cầu cơ bản, nhằm đảm bảo tính đáng tin cậy của thông tin kế toán (Hình 2.1). Tính đáng tin cậy được hiểu là thông tin không có sai sót hay thiên lệch một cách trọng yếu, phản ánh trung thực nội dung cần phải trình bày. Tuy nhiên, trong quá trình lập BCTC có thể xảy ra một số 1989-2010
Financial Statement”, IASC 1989 được IASB công nhận năm 2001 trường hợp không chắc chắn, chẳng hạn như nợ phải thu có thể không thu hồi được hoặc tài sản cố định có thể không mang lại lợi ích tương lai như dự kiến…. Trong những trường hợp này, khuôn khổ mà Ủy ban CMKT quốc tế đưa ra năm 1989 yêu cầu rằng, để đảm bảo tính đáng tin cậy của BCTC, người lập BCTC phải “cẩn trọng” trong việc xem xét, đánh giá các đối tượng kế toán. Sự “cẩn trọng” này được giải thích cụ thể hơn là sự cẩn trọng để sao cho tài sản và thu nhập không bị thổi phồng, chi phí và nợ phải trả không bị đánh giá thấp, bên cạnh đó cũng không cho phép việc tạo lập các quỹ chìm hay lập dự phòng quá mức để “cố tình” đánh giá thấp tài sản và thu nhập hoặc thổi phồng chi phí và nợ phải trả8. Việc “cố tình” tạo quỹ chìm hoặc dự phòng quá mức được xem như làm giảm tính “trung lập” của thông tin kế toán và do đó ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của thông tin kế toán.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lý thuyết trong Khuôn khổ khái niệm, sự bất cân xứng này sau đó được cho là xung đột với yêu cầu về tính trung lập của thông tin kế toán. Yêu cầu về tính trung lập nghĩa là thông tin không bị thiên lệch, cụ thể yêu cầu này đòi hỏi người lập báo cáo phải có xử lý kế toán như nhau, không thiên lệch đối với các trường hợp ghi nhận những sự kiện có lợi hoặc bất lợi đối với tài sản, nợ phải trả, thu nhập cũng như chi phí. Sau những cân nhắc về những tác động của thận trọng đối với tính đáng tin cậy và tính trung lập của thông tin kế toán, Hội đồng CMKT quốc tế đã quyết định loại bỏ yêu cầu này trong Khuôn Khổ khái niệm năm 2010.
Sau đó, mặc dù không còn là một yêu cầu cơ bản nhưng sự hiện diện của thận trọng trong các CMKT cụ thể9 cũng như trong thực tiễn kế toán cho thấy sự cần thiết của nguyên tắc này trong việc lập và trình bày BCTC. Với nỗ lực tạo sự nhất quán giữa Khuôn khổ khái niệm và bản thân các CMKT quốc tế cụ thể, qua đó làm tăng tính hữu ích của thông tin kế toán đối với người sử dụng, năm 2015, Hội đồng CMKT quốc tế đã công bố Dự thảo Khuôn khổ khái niệm ED/2015/03, lại đề xuất đưa thận trọng trở lại là một yêu cầu của thông tin kế toán (Hình 2.2). Tuy nhiên, lúc này thận trọng được nhìn nhận theo một cách tiếp cận mới, tránh sự xung đột với các yêu cầu cơ bản, tạo ra một nền tảng mới cho việc xây dựng cũng như áp dụng các chính sách kế toán. Theo đó, Hội đồng CMKT quốc tế phân chia thận trọng thành hai loại:
- Thận trọng mang tính cẩn trọng trong đánh giá, xem xét và cân nhắc trong điều kiện không chắc chắn nói chung, không phân biệt việc đánh giá, xem xét và cân nhắc đó liên quan đến việc tạo nên tài sản hay nợ phải trả, lợi nhuận hay thua lỗ;
- Xem IASB 1989, đoạn 37.
- Xem Nguyễn Thục Anh (2016), “Thận trọng – Cách nhìn mới từ Chuẩn mực Kế toán quốc tế”, Kỷ yếu hội thảo IFRS – cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam, tr. 182.
- Thận trọng bất cân xứng liên quan đến việc ghi nhận lỗ sớm hơn so với việc ghi nhận lãi.
Như vậy, Hội đồng CMKT quốc tế đã quyết định đưa thận trọng trở lại là một trong những yêu cầu của thông tin kế toán, hỗ trợ tính trung lập với một cách hiểu mới là “Sự cẩn trọng trong việc nhận định, đánh giá và cân nhắc trong điều kiện
Hình 2. 2. Yêu cầu cơ bản của thông tin trình bày trên BCTC trong Dự thảo Khuôn Khổ khái niệm của CMKT quốc tế
Nguồn: Tác giả tóm tắt từ “Dự thảo Khuôn khổ khái niệm của CMKT quốc tế – Exposure Draft ED/2015/3”. không chắc chắn” – Thận trọng mang tính cẩn trọng, không những không ảnh hưởng đến tính trung lập mà còn cần thiết để đảm báo tính trung lập trong việc ghi nhận giá trị các đối tượng kế toán, hạn chế những lạc quan thái quá của công ty khi xác định giá trị của chúng. Yêu cầu này, nhằm đảm bảo cho tài sản và thu nhập không bị thổi phồng, nợ phải trả và chi phí không bị đánh giá thấp, nhưng đồng thời cũng nhằm để tài sản và thu nhập không bị đánh giá thấp và nợ phải trả, chi phí không bị đánh giá cao. Điều đó có nghĩa là, kế toán mang tính trung lập. Đây là điểm thay đổi lớn trong cách hiểu về thận trọng, đảm bảo sự cân xứng trong xử lý kế toán.
Có thể thấy rằng quan điểm về thận trọng trong CMKT Việt Nam tương đồng với quan điểm về thận trọng trong CMKT quốc tế trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2010, hay nói cách khác, quan điểm về thận trọng trong CMKT Việt Nam là thận trọng bất cân xứng. Nguyên tắc thận trọng trong luận văn này do vậy cũng là nói đến thận trọng bất cân xứng.
2.2. Thận trọng có điều kiện và thận trọng không điều kiện (conditional conservatism và unconditional conservatism) Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Nguyên tắc thận trọng có thể được chia thành hai loại khác nhau: nguyên tắc thận trọng không điều kiện và nguyên tắc thận trọng có điều kiện (Ball và Shivakumar, 2005; Beaver và Ryan, 2005). Cả hai loại này đều yêu cầu việc ghi nhận, ước tính các đối tượng kế toán theo hướng “kém lạc quan hơn” trong các điều kiện không chắc chắn.
Nguyên tắc thận trọng không điều kiện là việc áp dụng nguyên tắc thận trọng thống nhất theo chính sách kế toán đã được quy định từ trước, hay nói cách khác, việc ghi nhận giá trị các đối tượng kế toán không phụ thuộc vào các điều kiện về tác động của chúng mà chỉ tuân thủ theo các chính sách đã được quy định sẵn. Chẳng hạn như, việc sử dụng phương pháp khấu hao nhanh và việc ghi nhận chi phí nghiên cứu và phát triển như là một khoản chi phí, … có thể được xem là biểu hiện của việc áp dụng nguyên tắc thận trọng không điều kiện. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc áp dụng nguyên tắc thận trọng không điều kiện có thể liên quan đến động cơ muốn tránh nghĩa vụ thuế, tránh nguy cơ bị kiện tụng của công ty, hay đơn thuần chỉ để tuân thủ các quy định kế toán về nguyên tắc thận trọng trong chính sách kế toán tại một số quốc gia (Qiang, 2007).
Nguyên tắc thận trọng có điều kiện yêu cầu việc ghi nhận thông tin trong các điều kiện không chắc chắn phải dựa trên việc xem xét tác động của sự kiện đó đến BCTC của công ty (Watts, 1997; Watts, 2003). Một trường hợp ví dụ của việc áp dụng nguyên tắc thận trọng có điều kiện – khi công ty có thông tin mới về khả năng thu hồi các khoản phải thu quá hạn: Với nguyên tắc thận trọng có điều kiện, việc quyết định có hay không ghi nhận thông tin mới này còn tùy vào tác động của nó đến BCTC, trường hợp thông tin đó có tác động xấu (tức là thông tin cho thấy khoản phải thu này sẽ ít có khả năng thu hồi được) thì khoản ghi nhận giảm (giảm tài sản, tăng chi phí) sẽ được thực hiện ngay lập tức, tuy nhiên, trong trường hợp thông tin này cho thấy khả năng thu hồi khoản phải thu là cao thì việc ghi nhận chúng sẽ không được thực hiện cho đến khi khoản phải thu được thanh toán.
Như vậy, có thể thấy nguyên tắc thận trọng có điều kiện và nguyên tắc thận trọng không điều kiện đều có xu hướng làm giảm thu nhập và giá trị sổ sách của công ty. Nguyên tắc thận trọng không điều kiện là một phương diện của chính sách kế toán, mức độ áp dụng hai loại nguyên tắc thận trọng này được đo lường theo các phương pháp khác nhau, trong đó, việc đo lường nguyên tắc thận trọng không điều kiện cần nhiều dữ liệu và tính toán phức tạp hơn (Lara và cộng sự, 2009). Do đó, trong phạm giới hạn, luận văn này chỉ thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm chuyên sâu đối với loại nguyên tắc thận trọng có điều kiện.
2.3. Lập luận không ủng hộ quan điểm áp dụng nguyên tắc thận trọng Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Basu (1997) khẳng định rằng nguyên tắc thận trọng đã ảnh hưởng đến việc thực hành kế toán ít nhất năm trăm năm. Như vậy, có thể nói từ nhiều năm qua, kế toán viên đã quen với nguyên tắc thận trọng khi thực hiện các ước tính kế toán. Tuy nhiên, như đã trình bày, nguyên tắc này bị vấp phải nhiều chỉ trích do bị cho là sẽ gây ra một sự thiên lệch trong việc ghi nhận, xác định giá trị của các đối tượng trên BCTC. Cụ thể, nhiều lập luận cho rằng việc ghi nhận thông tin theo nguyên tắc thận trọng có thể ảnh hưởng đến tính hữu ích của thông tin, nếu như thông tin tạo ra từ việc áp dụng nguyên tắc này làm cho người sử dụng BCTC không phân biệt được một công ty thực sự hoạt động kém hiệu quả với một công ty bị đánh giá là kém hiệu quả chỉ bởi vì việc ghi nhận sớm các khoản “giảm vốn” hơn so với các khoản “tăng vốn”. Việc áp dụng nguyên tắc thận trọng dẫn đến thông tin về tài sản thuần có xu hướng bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực tế của chúng (Basu, 1997; Ball và cộng sự, 2000; Givoly và Hayn, 2000; Holthausen và Watts, 2001; Ball và cộng sự, 2003; Watts, 2003a), tạo ra một sự bất cân xứng trong thông tin, và như vậy có thể làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các đối tượng sử dụng BCTC.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tính hữu ích của thông tin trên BCTC được đánh giá dựa trên quan điểm và nhu cầu của các đối tượng sử dụng BCTC, cần thiết phải có sự xem xét rằng thông tin hữu ích đối với họ là gì, liệu có đúng là thông tin mà họ mong muốn luôn là thông tin không thiên lệch hay không. Trong các mối quan hệ hợp đồng giữa một bên là người ủy nhiệm và một bên là người được ủy nhiệm như quan hệ giữa cổ đông (bên ủy nhiệm) và nhà quản trị (bên được ủy nhiệm), quan hệ giữa chủ nợ (bên ủy nhiệm) và chủ sở hữu (bên được ủy nhiệm), do sự bất cân xứng về thông tin và trách nhiệm hữu hạn của bên được ủy nhiệm, bên ủy nhiệm cần những thông tin mang tính cảnh báo sớm các tình hình bất lợi, để họ có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát ngay khi có dấu hiệu rủi ro. Trong trường hợp này, thông tin được ghi nhận theo nguyên tắc thận trọng có vẻ như hữu ích hơn so với thông tin không thiên lệch. Không phải ngẫu nhiên mà thận trọng từ lâu đã được công nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của kế toán tài chính. Nhiều nghiên cứu khoa học (Basu, 1997; Beaver và Ryan, 2000; Givoly và Hayn, 2000, v. v.) đã khẳng định sự tồn tại lâu dài và tầm quan trọng ngày càng tăng của nó theo thời gian.
Tóm lại, nguyên tắc thận trọng thể hiện một sự bất cân xứng khi ghi nhận thông tin. Tuy nhiên, lý do của sự bất cân xứng này là để hạn chế xu hướng tự nhiên là có một số bên trong công ty (chẳng hạn nhà quản trị, cổ đông) thường thông tin quá lạc quan về tình hình hoạt động của công ty mình và để nhằm cảnh báo sớm hơn cho các bên liên quan – các bên bị hạn chế hơn về khả năng tiếp cận thông tin nội bộ công ty – về những rủi ro mất vốn, vì thông thường đây là loại rủi ro mà họ lo lắng hơn so với rủi ro tăng vốn. Việc loại bỏ thận trọng có thể dẫn đến sự “thiếu thận trọng” và khả năng thổi phồng lợi nhuận, định giá thấp nợ phải trả, dẫn đến mức độ đảm bảo và tin cậy không cao đối với tài sản và thu nhập được ghi nhận.
2.4. Các lý thuyết nền tảng liên quan việc áp dụng nguyên tắc thận trọng Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
2.4.1. Lý thuyết hợp đồng (Contracting theory)
Lý thuyết hợp đồng đầu tiên được nêu ra bởi Jensen và Meckling năm 1976. Lý thuyết này nhấn mạnh rằng chỉ tiêu kế toán là một phần không thể thiếu trong các hợp đồng thỏa thuận giữa các bên trong mối quan hệ với công ty. Các chỉ tiêu kế toán thường xuyên được sử dụng trong các hợp đồng, do đó mà các chỉ tiêu này có xu hướng bị “điều chỉnh” để đáp ứng các điều kiện yêu cầu trong hợp đồng. Trong các nghiên cứu về lý thuyết kế toán, hai loại hợp đồng đặc biệt được quan tâm và nghiên cứu là hợp đồng giữa cổ đông – nhà quản trị và hợp đồng giữa công ty – chủ nợ. Các quan hệ hợp đồng này làm phát sinh các chi phí ủy nhiệm, các chi phí này được trình bày chi tiết trong lý thuyết ủy nhiệm ở phần tiếp theo.
2.4.2. Lý thuyết ủy nhiệm (Agency theory) Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Lý thuyết ủy nhiệm cũng được phát triển bởi Jensen và Meckling trong một công bố năm 1976. Lý thuyết này nghiên cứu mối quan hệ giữa bên ủy nhiệm và bên được ủy nhiệm. Thông qua hợp đồng, bên được ủy nhiệm thực hiện một số công việc đại diện cho bên ủy nhiệm. Lý thuyết này cho rằng cả hai bên đều mong muốn tối đa hóa lợi ích của mình, do đó tồn tại khả năng bên được ủy nhiệm hành xử không hoàn toàn vì lợi ích của bên ủy nhiệm. Quan hệ ủy nhiệm phổ biến và đặc biệt được quan tâm trong lý thuyết kế toán là quan hệ ủy nhiệm giữa cổ đông và nhà quản trị công ty, quan hệ ủy nhiệm giữa chủ nợ và cổ đông công ty.
2.4.2.1. Quan hệ giữa cổ đông và nhà quản trị
Quan hệ giữa cổ đông và nhà quản trị công ty là một trường hợp của quan hệ ủy nhiệm, trong đó cổ đông là bên ủy nhiệm – thực hiện việc bổ nhiệm, chỉ định người khác – bên được ủy nhiệm để quản lý công ty. Quan hệ giữa họ tồn tại những mâu thuẫn lợi ích nhất định. Cụ thể, mục tiêu của cổ đông là muốn tối đa hóa lợi ích của mình thông qua việc gia tăng giá trị của công ty trong dài hạn, trong khi đó, mục tiêu của nhà quản trị là muốn tối đa hóa các khoản lợi ích của mình thông qua các khoản lương thưởng (được xác định định kỳ trong ngắn hạn), nhà quản trị có thể ra các quyết định mang lại cho họ các lợi ích trong ngắn hạn bất chấp việc hy sinh giá trị dài hạn của công ty, điều này làm ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông.
Lý thuyết ủy nhiệm cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ ủy nhiệm (cổ đông và nhà quản trị công ty) đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình, thì có cơ sở để tin rằng nhà quản trị công ty sẽ không luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho người chủ, tức các cổ đông và công ty. Trong tác phẩm “Của cải của các quốc gia” (The Wealth of Nations), nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith (1776, dẫn theo Jensen và Meckling, 1976) cho rằng với đặc tính của công việc quản lý, các cổ đông không nên kỳ vọng và tin tưởng rằng các nhà quản trị công ty sẽ hành động như họ muốn, bởi các nhà quản trị thông thường có xu hướng thiếu siêng năng và dựa vào vị trí của mình để tìm kiếm lợi ích cá nhân cho chính họ hơn là cho các cổ đông và công ty, giống như là quản gia của những người giàu có, họ có xu hướng không quan tâm đến những vấn đề nhỏ vì nghĩ đó không phải là việc của mình.
Và như vậy, lý thuyết ủy nhiệm chứng minh rằng các mâu thuẫn lợi ích trong mối quan hệ này sẽ phát sinh chi phí ủy nhiệm. Theo Richard D. Morris (1987), chi phí ủy nhiệm của các cổ đông là sự giảm giá trị công ty khi nhà quản trị không thực sự theo đuổi hay hành xử theo lợi ích của các cổ đông. Điều này dẫn đến ý kiến rằng, các cổ đông cần thường xuyên giám sát hoạt động của nhà quản trị công ty nhằm đảm bảo họ hành động vì lợi ích của mình. Lý thuyết ủy nhiệm nhấn mạnh rằng các cổ đông cần phải sử dụng các cơ chế thích hợp để có thể hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa cổ đông và nhà quản trị công ty, bằng cách thiết lập những cơ chế thù lao thích hợp và cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi tư lợi của nhà quản trị.
Những cơ chế thù lao và giám sát trên thông thường được đánh giá thông qua các chỉ tiêu, số liệu kế toán, lợi nhuận công bố của công ty, do đó tồn tại khả năng các nhà quản trị sẽ tìm cách tác động vào thông tin trên BCTC để tìm cách đáp ứng yêu cầu của các cổ đông cũng như tối đa hóa lợi ích cá nhân của mình.
2.4.2.2. Quan hệ giữa chủ nợ và cổ đông của công ty Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Bên cạnh mối quan hệ giữa các cổ đông và nhà quản trị, lý thuyết ủy nhiệm còn được dùng để giải thích mối quan hệ giữa cổ đông và chủ nợ. Các chủ nợ (bên ủy nhiệm) sẽ trao quyền sử dụng vốn của mình cho các cổ đông (bên được ủy nhiệm) để thực hiện việc đầu tư mang lại lợi nhuận. Quan hệ ủy nhiệm này cũng tồn tại những mâu thuẫn lợi ích nhất định.
Smith và cộng sự (1979; dẫn theo Vũ Hữu Đức, 2010) cho rằng các cổ đông có thể sử dụng các phương pháp sau để chuyển lợi ích từ phía chủ nợ sang phía mình:
- Chi trả mức cổ tức cao: Việc này làm tăng rủi ro cho các chủ nợ do giá trị đảm bảo cho các khoản nợ bị giảm, chủ nợ phải gánh chịu rủi ro này khi công ty gặp khó khăn về tài chính, trong khi các cổ đông đã thu hồi vốn trước qua hình thức cổ tức và chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn đầu tư của họ.
- Đầu tư vào các dự án có mức sinh lợi lớn hơn tương ứng với độ rủi ro cao hơn: Nếu dự án đầu tư có rủi ro cao này thành công thì mức lợi nhuận cao thu được sẽ thuộc về cổ đông của công ty, bởi khoản chi trả cho các chủ nợ được cố định ở mức lãi suất thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, nếu dự án đầu tư này thất bại, thì chủ nợ sẽ có khả năng phải chia sẻ rủi ro thông qua việc bị các cổ đông trì hoãn thanh toán các khoản nợ gốc và lãi, thậm chí cả nguy cơ mất vốn.
- Pha loãng nợ thông qua việc sử dụng nợ nhiều hơn: Điều này làm đòn bẩy tài chính của công ty tăng lên, mang lại lợi ích cho cổ đông nhưng đồng thời tạo ra rủi ro cao hơn cho các chủ nợ.
Các bất lợi trên cũng chính là chi phí ủy nhiệm mà các chủ nợ phải gánh chịu. Để bảo vệ mình từ những hoạt động trên của cổ đông, các chủ nợ có thể yêu cầu áp dụng những điều khoản hạn chế (restrictive covenants) trong những hợp đồng cho vay, chẳng hạn như kiểm soát mức chia cổ tức, các chính sách tài trợ (để chống lại việc pha loãng nợ), kiểm soát các hoạt động đầu tư… Bên cạnh đó, yêu cầu áp dụng nguyên tắc thận trọng cũng là một cách thức để giúp họ có thể chủ động hơn đối với các biến động tài chính bất thường của công ty.
Lafond và Watts (2008) cho rằng mối quan hệ ủy nhiệm giữa các chủ nợ, cổ đông và nhà quản trị và sự bất cân xứng thông tin giữa họ là lý do chính cho sự tồn tại của nguyên tắc thận trọng. Nguyên tắc thận trọng là một trong các kỹ thuật có thể góp phần làm giảm chi phí ủy nhiệm, bảo vệ lợi ích cho chủ sở hữu cũng như các nhà đầu tư trước các động cơ quản trị lợi nhuận của nhà quản trị (LaFond và Roychowdury, 2006). Mối quan hệ ủy nhiệm cũng như sự bất cân xứng thông tin giữa chủ nợ và cổ đông cũng đã thúc đẩy các chủ nợ yêu cầu việc áp dụng nguyên tắc thận trọng bởi họ kỳ vọng sẽ nhận được các thông tin xấu kịp thời để có các phản ứng phù hợp bảo vệ quyền lợi của mình (Watts, 2003a; Basu, 1997).
2.4.3. Sử dụng lý thuyết hợp đồng và lý thuyết ủy nhiệm để giải thích việc áp dụng nguyên tắc thận trọng Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Lý thuyết ủy nhiệm và lý thuyết hợp đồng tạo cơ sở cho sự bất cân xứng thông tin giữa các bên, đây cũng là cơ sở chính cho sự tồn tại của nguyên tắc thận trọng. Dựa trên các lý thuyết này, việc áp dụng nguyên tắc thận trọng được Watts (2003a, 2003b) giải thích cụ thể hơn qua ba lý thuyết được trình bày bên dưới: Lý thuyết về nợ vay, lý thuyết về thù lao quản lý và lý thuyết điều hành trong quan hệ hợp đồng.
2.4.3.1. Lý thuyết về nợ vay trong quan hệ hợp đồng (The contracting debt theory)
Lý thuyết về nợ vay trong quan hệ hợp đồng cho rằng, yêu cầu của các chủ nợ đối với việc áp dụng nguyên tắc thận trọng trong việc lập và trình bày BCTC vốn xuất phát từ những khoản hoàn trả không cân xứng (asymmetric payoffs). Trong khi các chủ nợ ít có khả năng thu lợi thêm khi một công ty có hiệu quả hoạt động tốt hơn kỳ vọng, nhưng lại có rất nhiều khả năng sẽ bị thiệt hại khi hiệu quả hoạt động thấp hay tình hình tài chính của công ty gặp khó khăn. Nguyên tắc thận trọng đảm bảo rằng các chủ nợ sẽ nhận được thông tin xấu một cách kịp thời hơn, giúp họ giám sát giá trị thanh lý (liquidation value) của công ty một cách hiệu quả hơn để có thể kịp thời thực hiện các quyền để bảo vệ lợi ích cho mình (Nikolaev, 2010).
Bên cạnh đó, việc các chủ nợ yêu cầu áp dụng nguyên tắc thận trọng cũng là để hạn chế khả năng thanh toán cổ tức quá mức của công ty – cổ tức từ các khoản thu nhập mà không bao giờ được hiện thực hóa bằng tiền mặt (Watts và Zimmerman, 1986; Ahmed và cộng sự, 2002). Ahmed và cộng sự (2002) nhận thấy rằng các công ty có tiềm năng xung đột nghiêm trọng giữa cổ đông và chủ nợ về chính sách cổ tức sẽ có mức độ áp dụng nguyên tắc thận trọng cao hơn so với các công ty khác.
Mặt khác, việc làm hài lòng các chủ nợ có thể làm giảm chi phí đi vay, tạo thêm động lực cho các công ty trong việc áp dụng nguyên tắc thận trọng (Ahmed và cộng sự, 2002; Zhang, 2008). Cũng có lập luận cho rằng các công ty cũng lại có động cơ mạnh để trì hoãn việc ghi nhận những thông tin xấu nếu việc ghi nhận này dẫn đến việc bị áp dụng các điều khoản hạn chế của chủ nợ. Tác động này có thể sẽ mạnh hơn nhiều so với các ưu đãi mà chủ nợ đưa ra khi yêu cầu áp dụng nguyên tắc thận trọng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các công ty không phải chỉ giao dịch tài chính một lần, trong tương lai họ có thể sẽ tham gia thị trường chứng khoán để huy động thêm vốn, và một khi hợp đồng bị vi phạm, họ có thể bị vấp phải nhiều ràng buộc do uy tín bị đánh giá thấp (Diamond, 1991; Fehr, Brown và Zehnder, 2009). DeAngelo và Skinner (1994) cung cấp bằng chứng cho thấy rằng, trong trường hợp gặp các vấn đề tài chính, thay vì cố gắng chứng tỏ công ty của họ “không gặp vấn đề”, chính sách kế toán của các nhà quản trị vẫn chấp nhận ghi nhận và công bố những vấn đề tài chính mà họ gặp phải. Điều này cho thấy các ảnh hưởng đối kháng (chẳng hạn như sự đe dọa kiện tụng10) có thể vượt qua động cơ quản trị lợi nhuận của nhà quản trị để nới lỏng các điều khoản trong hợp đồng vay nợ. Yêu cầu áp dụng nguyên tắc thận trọng do đó được đảm bảo bởi tác động của thị trường nợ và áp lực của kiểm toán đối với việc yêu cầu tuân thủ chúng.
Như vậy, lý thuyết về nợ vay trong quan hệ hợp đồng cho rằng các công ty có đòn bẩy tài chính cao sẽ có mức độ áp dụng nguyên tắc thận trọng cao hơn. Các chủ nợ càng có nhiều ảnh hưởng đối với công ty, càng có nhiều khả năng họ sẽ yêu cầu các nhà quản trị áp dụng nguyên tắc thận trọng để bảo vệ lợi ích cho mình.
2.4.3.2. Lý thuyết về thù lao trong quan hệ hợp đồng (The contracting compensation theory) Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Việc không tuân thủ yêu cầu nguyên tắc thận trọng không chỉ làm tăng nguy cơ kiện tụng cho riêng công ty mà còn cả công ty kiểm toán của họ.
Các nhà quản trị có một lợi thế thông tin hơn so với các cổ đông hay chủ nợ; do đó, họ có cơ hội vận dụng thông tin kế toán sao cho có thể tối đa hoá lợi ích của mình (Jensen và Meckling, 1976; Watts và Zimmerman, 1986). Nếu các cổ đông không tạo được sự khích lệ thích hợp thông qua chính sách thù lao, các nhà quản trị có nhiều khả năng sẽ cố gắng lựa chọn một phương pháp kế toán có thể tối đa hoá các chỉ số có lợi cho họ thay vì tối đa hóa giá trị của công ty.
Mặc dù các kế hoạch tiền thưởng chính thức (formal bonus plans) cho đến những năm 1950 mới trở nên phổ biến ở Mỹ, nhưng ít nhất các chính sách này, trước đó bằng các hình thức không chính thức, cũng đã được tính toán dựa trên thu nhập kế toán (Jackson, 1893; Hatfield, 1927, trang 281). Thù lao và danh tiếng của các quản trị thông thường được đánh giá dựa trên kết quả hoạt động của công ty. Kết quả hoạt động của công ty tốt sẽ mang lại nhiều thù lao và uy tín cao hơn cho họ (Lambert và Larker, 1987; Sloan, 1993). Hơn nữa, do có thời hạn làm việc tại công ty thông thường ngắn hơn so với cổ đông, với chính sách thù lao chi trả phần lớn dưới hình thức tiền mặt, nhà quản trị có thể hưởng lợi ngay với các dự án mang lại lợi nhuận ngắn hạn nhưng lại không phải chịu trách nhiệm nếu những dự án đó gây ra những thiệt hại dài hạn cho công ty. Trong hầu hết các trường hợp, các cổ đông gần như không thể thu lại được những khoản thù lao đã được chi trả cho các nhà quản trị, một khi thời hạn làm việc của nhà quản trị kết thúc, việc thu hồi các khoản thù lao đã chi trả quá mức từ nhà quản trị để đền bù lỗ là gần như không thể.
Để chống lại xu hướng này, các cổ đông yêu cầu việc áp dụng nguyên tắc thận trọng khi lập và trình bày BCTC. Watts (2003a) lập luận rằng nguyên tắc thận trọng có thể làm giảm khả năng các nhà quản trị khai cao thu nhập quá mức, bởi nguyên tắc thận trọng yêu cầu việc ghi nhận thông tin xấu một cách kịp thời hơn so với thông tin tốt. Thông tin xấu được ghi nhận một cách kịp thời để tăng khả năng chịu trách nhiệm của các nhà quản trị đối với các quyết định đầu tư vào những dự án có giá trị âm trong dài hạn. Thông tin tốt không được ghi nhận cho đến khi nó có thể được thực hiện. Như vậy, khi thu nhập được báo cáo theo nguyên tắc thận trọng, nhà quản trị sẽ ít có khả năng được trả thù lao cho các dự án có lợi nhuận không chắc chắn và có nhiều khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư không phù hợp của mình.
Một cơ chế quản trị khác có thể làm giảm chi phí ủy nhiệm là sự điều chỉnh động cơ quản lý thông qua quyền sở hữu vốn cổ phần. LaFond và Roychowdhury (2008) nhận thấy rằng quyền sở hữu vốn vổ phần của các nhà quản trị có liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc thận trọng. Các nhà quản trị với quyền sở hữu cổ phần nhiều hơn sẽ có khả năng thực hiện hành vi giống các cổ đông cao hơn, do đó nhu cầu áp dụng nguyên tắc thận trọng sẽ giảm đi. Ahmed và Duellman (2007) thấy rằng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà quản trị có tương quan ngược chiều với mức độ áp dụng nguyên tắc thận trọng. Với những chính sách thù lao gắn liền với quyền sở hữu cổ phần, lợi ích của nhà quản trị lúc này cũng gắn liền với giá trị công ty, điều này khiến họ điều chỉnh động cơ quản lý phù hợp hơn với lợi ích của công ty, phù hợp với ý muốn của cổ đông, khi đó mức độ áp dụng nguyên tắc thận trọng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, với những chính sách thù lao chi trả phần lớn bằng tiền mặt, không gắn liền với quyền sở hữu cổ phần, chi phí ủy nhiệm tăng lên, lúc này, để giảm chi phí ủy nhiệm, bảo vệ lợi ích của mình, các cổ đông sẽ yêu cầu nhà quản trị áp dụng nguyên tắc thận trọng ở mức độ cao hơn.
Như vậy, lý thuyết về thù lao trong quan hệ hợp đồng cho rằng với những chính sách thù lao quản lý chi trả phần lớn bằng tiền mặt, không gắn liền với quyền sở hữu cổ phần, các cổ đông sẽ yêu cầu nhà quản trị áp dụng nguyên tắc thận trọng ở mức độ cao hơn.
2.4.3.3. Lý thuyết điều hành trong quan hệ hợp đồng (The contracting governance theory) Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Các cổ đông có thể có hành động tốt hơn để cải thiện hoạt động của công ty khi họ nhận được các thông tin bất lợi một cách kịp thời.
Lý thuyết điều hành trong quan hệ hợp đồng cho rằng nguyên tắc thận trọng hay sự ghi nhận kịp thời không cân xứng (asymmetric timeliness) đối với thu nhập giúp các cổ đông có thể giám sát các nhà quản trị một cách hiệu quả hơn, việc ghi nhận kịp thời các thông tin bất lợi sẽ giúp các cổ đông có thời gian hơn trong việc khiến các nhà quản trị thay đổi hành động hoặc giúp họ thay thế nhà quản trị đúng lúc.
Như vậy, lý thuyết điều hành trong quan hệ hợp đồng cho rằng chất lượng điều hành công ty có liên hệ mật thiết với mức độ áp dụng nguyên tắc thận trọng, hay cụ thể hơn, các công ty có chất lượng điều hành cao hơn sẽ yêu cầu mức độ áp dụng nguyên tắc thận trọng cao hơn đối với các nhà quản trị để nâng cao hiệu quả giám sát của cổ đông. Nghiên cứu của Ahmed và Duellman (2007) đã cung cấp bằng chứng cho lập luận của lý thuyết này.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương này khái quát chung về nguyên tắc thận trọng và các cơ sở lý luận của việc áp dụng nguyên tắc thận trọng, theo đó lý thuyết hợp đồng và lý thuyết ủy nhiệm là hai lý thuyết nền tảng giải thích việc áp dụng nguyên tắc thận trọng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu của luận văn.
Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Thận trọng thể hiện một sự bất cân xứng khi ghi nhận thông tin. Tuy nhiên, lý do của sự bất cân xứng này là để hạn chế xu hướng tự nhiên là có một số bên trong công ty thường thông tin quá lạc quan về hoạt động của công ty mình và để nhằm cảnh báo sớm hơn cho các bên liên quan – các bên bị hạn chế hơn về khả năng tiếp cận thông tin nội bộ công ty – về những rủi ro mất vốn, vì thông thường đây là loại rủi ro mà họ lo lắng hơn so với rủi ro tăng vốn.
Có hai loại nguyên tắc thận trọng: nguyên tắc thận trọng có điều kiện và nguyên tắc thận trọng không điều kiện. Cả hai loại này đều có xu hướng làm giảm thu nhập và giá trị sổ sách của công ty, tuy nhiên, nguyên tắc thận trọng không điều kiện là một phương diện của chính sách kế toán, và do một số giới hạn nghiên cứu, luận văn này chỉ nhằm thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm chuyên sâu đối với loại nguyên tắc thận trọng có điều kiện.
Chương tiếp theo đề xuất mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của luận văn. Luận văn: Tổng quan nguyên tắc thận trọng trong kế toán
XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY
===>>> Luận văn: Thực trạng mô hình nghiên cứu thị trường CK