Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên

Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Trách nhiệm bồi thường do công chứng viên gây ra trong hoạt động công chứng theo pháp luật Việt Nam dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.

2.1. VẤN ĐỀ PHÂN ĐỊNH RÕ RÀNG GIỮA TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG VÀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN

Luật công chứng 2006 chưa đưa ra được các tiêu chí nhằm phân định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về tổ chức hành nghề công chứng hay thuộc về cá nhân công chứng viên. Công chứng viên khi hành nghề phải tuân thủ các nguyên tắc tại Điều 3 Luật công chứng 2006:

  • Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
  • Khách quan, trung thực
  • Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng
  • Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng [33].

Theo quy định tại Điều 58 Luật công chứng 2006: “Công chứng viên phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” [33]. Như vậy, khi hành nghề công chứng viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc mình đã công chứng. Trách nhiệm cá nhân này bao gồm: Trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại). Trong khi đó, tại khoản 5, Điều 32 Luật công chứng 2006 lại quy định nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng: “Bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng” [33]. Tại Điều 59 về xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng: “Tổ chức hành nghề công chứng vi phạm quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật” [33]. Qua đây, ta có thể thấy Luật công chứng 2006 quy định cả công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cùng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp một thiệt hại xảy ra, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cùng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau sẽ gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng không biết gặp ai để đòi bồi thường. Hoặc giả người yêu cầu công chứng có được bồi thường hai lần hay không? Hay nếu cả tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đều bồi thường không đủ cho người yêu cầu công chứng thì làm thế nào? Luật công chứng 2006 cũng không đưa ra các tiêu chí để phân định rõ ràng trường hợp nào thuộc trách nhiệm bồi thường của công chứng viên, trường hợp nào thuộc trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng. Quy định không rõ ràng này tại Luật công chứng 2006 làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người yêu cầu công chứng bị thiệt hại, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng. Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên

Chính vì cách thức quy định không thống nhất và thiếu logic nên hiện tại có ba cách hiểu không thống nhất nhau về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên. Cách hiểu thứ nhất cho rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên chỉ là cơ sở pháp lý để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng (xem khoản 5, Điều 32 Luật công chứng 2006). Cách hiểu thứ hai cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên được bảo đảm thực hiện bằng một cơ chế hỗn hợp, vừa thuộc về cá nhân công chứng viên nhưng tổ chức hành nghề công chứng cũng có trách nhiệm. Cách hiểu thứ ba lại khẳng định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên hoàn toàn độc lập với trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng. Theo quan điểm cá nhân tôi, cách hiểu thứ hai là có cơ sở đầy đủ hơn vì: Về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường là một dạng của trách nhiệm dân sự, Luật công chứng 2006 quy định cả công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường nhằm bảo đảm việc liên đới chịu trách nhiệm giữa hai chủ thể này, bảo đảm cho quyền lợi cho người bị thiệt hại. Chủ thể bị thiệt hại có quyền yêu cầu một trong hai chủ thể gây thiệt hại là công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đứng ra bồi thường toàn bộ. Sau đó, giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng tự có nghĩa vụ thỏa thuận hoàn trả cho nhau. Hơn nữa, trong một số trường hợp tổ chức hành nghề tham gia các giao kết dân sự khác như: Hợp đồng mua bán trang thiết bị, thuê trụ sở…nếu gây thiệt hại cũng phải tự bồi thường. Do vậy, không thể nói trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề chỉ phát sinh khi có trách nhiệm bồi thường của công chứng viên.

Đứng trên phương diện quy định của pháp luật, cho dù làm việc tại văn phòng công chứng hay phòng công chứng, công chứng viên đều có trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ ngang nhau, sản phẩm nghề nghiệp (văn bản công chứng) có giá trị pháp lý như nhau…nhưng cơ chế bảo đảm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại được thiết kế theo hai quan điểm hoàn toàn khác biệt, vận hành theo những nguyên lý riêng biệt. Điều này gây ra nhiều vấn đề bất cập trong việc xác định cũng như cách thức thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên. Chính vì vậy khi cùng xảy ra một thiệt hại như nhau, chúng ta thấy sẽ có tối thiểu hai phương thức xác định thiệt hại cũng như tiến hành bồi thường cho đương sự. Nếu thiệt hại do công chứng viên làm việc tại phòng công chứng là công chức gây ra thì cách thức xác định và thực hiện bồi thường thiệt hại sẽ phải tuân thủ quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009, thiệt hại do công chứng viên là viên chức gây ra sẽ tuân thủ theo Luật viên chức 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi cũng thiệt hại đó nhưng do công chứng viên của văn phòng công chứng gây ra, cách thức xác định và thực hiện bồi thường lại dựa trên bản hợp đồng bảo hiểm mà văn phòng công chứng đã ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010). Lúc này, thiệt hại xảy ra được bồi thường như thế nào, cách thức tiến hành bồi thường ra sao… sẽ lại tùy thuộc vào từng điều khoản, điều kiện của bản hợp đồng bảo hiểm do Văn phòng công chứng ký kết với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Và như quy định tại thời điểm hiện nay, mỗi văn phòng công chứng hoàn toàn có thể giao kết một bản hợp đồng bảo hiểm với các sự kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm…hoàn toàn không giống nhau. Sở dĩ lại như vậy vì “Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình” [33, Khoản 7, Điều 32]; trong khi đó phòng công chứng thì không có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Tài sản của Phòng công chứng hay Văn phòng công chứng như chúng ta đã biết dường như không đáng kể, trụ sở của văn phòng công chứng thường phải đi thuê, trang thiết bị chủ yếu chỉ có một số máy in, phô tô, bàn ghế…phục vụ cho công việc công chứng. Chính vì vậy, nếu thiệt hại do công chứng viên tại Phòng công chứng gây ra, theo quan điểm của cá nhân tôi phải áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 và Luật viên chức 2010 thì mới có nguồn tài chính để bồi thường cho bên bị thiệt hại. Nếu thiệt hại do công chứng viên hành nghề tại Văn phòng công chứng gây ra thì phải được bảo đảm bằng một hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và thậm chí bằng cả tài sản của doanh nghiệp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:

===>>> Dịch Vụ Viết Luận Văn Thạc Sĩ Luật Học

2.2. ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO CÔNG CHỨNG VIÊN LÀ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC SO VỚI CÔNG CHỨNG VIÊN KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Trong khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử, khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để có căn cứ quy trách nhiệm bồi thường người gây thiệt hại, thì đều phải căn cứ vào bốn điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường. Bốn điều kiện đó là: Có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có lỗi, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Trong hoạt động công chứng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra vừa tuân theo quy luật chung vừa có những nét đặc thù riêng biệt, đôi khi trong một số trường hợp không nhất thiết phải cần hội tụ đủ bốn yếu tố nêu trên. Cụ thể đó là trường hợp bồi thường thiệt hại đối với công chứng viên là công chức, viên chức có sự khác biệt so với công chứng viên không phải là công chức, viên chức. Để làm rõ điều này, chúng ta đi vào tìm hiểu bốn yếu tố phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và xem xét trong bốn yếu tố đó đối với mỗi loại công chứng viên khác nhau có nhất thiết cần có sự hội tủ đầy đủ bốn yếu tố đó hay không?

2.2.1. Có thiệt hại xảy ra Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên

Thiệt hại được hiểu là sự giảm bớt những lợi ích vật chất và phi vật chất của một chủ thể xác định được trên thực tế bằng một khoản tiền cụ thể. Thiệt hại phải xác định được trên cơ sở khách quan, do vậy khi xác định thiệt hại phải đặt thiệt hại đó trong mối liên hệ về mặt không gian và thời gian của thiệt hại. Việc xác định đúng thiệt hại là việc quan trọng và cần thiết khi xác định trách nhiệm bồi thường và phạm vi bồi thường của người gây thiệt hại.

Điểm 1.1, mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định:

Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

Thiệt hại về vật chất bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 Bộ luật dân sự; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 Bộ luật dân sự; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự.

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu [44].

Trong hoạt động công chứng việc bồi thường thiệt hại được quy định tại Khoản 5, Điều 32 Luật công chứng 2006 về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng: “Bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng” [33]. Điều 58 Luật công chứng 2006 về xử lý vi phạm đối với công chứng viên: “Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” [33]. Và Điều 59 Luật công chứng 2006 về xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng: “Tổ chức hành nghề công chứng vi phạm quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật” [33]. Như vậy, trong Luật công chứng 2006 các nhà làm luật đã nêu rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, do hiện tại chúng ta có các loại công chứng viên cũng như các tổ chức hành nghề công chứng khác nhau cho nên luật áp dụng để xác định mức bồi thường thiệt hại cũng sẽ khác nhau. Nói cụ thể hơn, trong trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên là công chức làm việc tại phòng công chứng sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009. Khi đó, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường sẽ phải tuân thủ nội dung Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009: Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên

Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:

  • Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này;
  • Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại [36].

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với công chứng viên là viên chức sẽ áp dụng theo quy định của Luật viên chức 2010 và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/04/2012 về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Theo Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP:

Khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công viên chức có hành vi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do viên chức thuộc quyền quản lý của đơn vị mình gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Viên chức có lỗi gây thiệt hại cho người khác mà đơn vị sự nghiệp công lập đã bồi thường phải có nghĩa vụ hoàn trả cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định này [31].

Như vậy, đối với công chứng viên là viên chức yếu tố có thiệt hại xảy ra cũng là yếu tố bắt buộc khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Đối với trường hợp công chứng viên đang làm việc tại Văn phòng công chứng thì thiệt hại xảy ra sẽ không áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 hay Luật viên chức 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành mà dựa trên nguyên lý chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010). Tóm lại, yếu tố “có thiệt hại xảy ra” là một trong những yếu tố bắt buộc phải tồn tại khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng đối với tất cả các loại công chứng viên.

2.2.2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật

Điểm 1.2, phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định: “Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật” [44]. Nói theo cách khác, hành vi trái pháp luật là hành vi của một người hành động hoặc không hành động gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần của cá nhân, tổ chức, Nhà nước…mà những thiệt hại đó được pháp luật quy định bảo vệ.

Hành vi gây thiệt hại của công chứng viên là việc công chứng viên khi tiến hành hoạt động công chứng cố tình thực hiện hoặc không thực hiện một việc nào đó không đúng với quy định của Luật công chứng 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn tới gây thiệt hại cho người khác. Đối với các công chứng viên là công chức theo điểm b, khoản 1, Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thì thiệt hại thực tế xảy ra phải do “hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại”. Khi cá nhân, tổ chức cho rằng mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Người có thẩm quyền giải quyết, kết luận có hay không hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại cho người bị thiệt hại sẽ tiếp nhận, giải quyết theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 và các quy định pháp luật có liên quan.

Hành vi gây thiệt hại đối với công chứng viên là viên chức thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật viên chức 2010 và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/04/2012 về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Đối với các công chứng viên là công chức, viên chức hay các công chứng viên không phải là công chức, viên chức thì yếu tố hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng cũng là yếu tố bắt buộc khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra.

2.2.3. Có lỗi Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên

Lỗi theo góc độ tâm lý học thì lỗi phản ánh yếu tố tâm lý của con người, là yếu tố nội tâm của con người, diễn biến phức tạp và chi phối trực tiếp hành vi của con người. Hành vi của một cá nhân là hệ quả của sự biểu lộ tâm lý của người đó trong một hoàn cảnh không gian và thời gian nhất định. Lỗi hiểu theo góc độ luật học, từ xưa đến nay có nhiều học giả, trong đó các luật gia đã quan tâm nhận xét rất khác nhau về việc xác định yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói riêng. Có nhiều quan điểm khác nhau trong nhận thức về yếu tố lỗi nhưng nhìn chung các học giả đều thừa nhận lỗi được biểu hiện dưới hai hình thức cố ý và vô ý. Hành vi có lỗi theo quy định tại Điều 308 Bộ luật dân sự 2005 thì “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” [32]. Cụ thể, tại điểm 1.4, mục I, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:

1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó [44].

Lỗi của công chứng viên: Khoản 5, Điều 32 Luật công chứng 2006 quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ “Bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng” [33]. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm (nghĩa vụ) bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng chỉ phải bồi thường khi công chứng viên của tổ chức này có “lỗi”. Trong khoa học pháp lý (nhất là trong Bộ luật dân sự), thuật ngữ “lỗi” được sử dụng rất phổ biến. Nghiên cứu kỹ thì chúng ta thấy thuật ngữ này có thể được hiểu là liên quan đến “nhận thức” của người có hành vi gây thiệt hại (còn được gọi là lỗi “chủ quan”, cái tiềm ẩn bên trong nội tâm của chủ thể). “Lỗi” còn được hiểu là hành vi của chủ thể không phù hợp với chuẩn mực của xã hội, quy định của pháp luật (còn được gọi là lỗi “khách quan”, được chủ thể thể hiện ra bên ngoài). Trong Luật công chứng 2006, khoản 5 Điều 32 đề cập đến “lỗi” của công chứng viên nhưng không cho biết thuật ngữ này cần được hiểu như thế nào, là lỗi cố ý hay vô ý. Phải chăng, mọi hành vi của công chứng viên không phù hợp với yêu cầu của pháp luật về công chứng đối với công chứng viên (trong đó bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp) đều được coi là “lỗi” theo quy định tại khoản 5, Điều 32 Luật công chứng 2006?

Đối với các công chứng viên là công chức, yếu tố lỗi của người thi hành công vụ chỉ được xem xét để xác định nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ theo Điều 56 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009.

  • Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
  • Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
  • Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật [36].

Như vậy, nhiệm vụ chứng minh yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thuộc về cá nhân, tổ chức có thẩm quyền và chỉ với cách quy định như vậy, toàn bộ thiệt hại xảy ra trên thực tế mới có thể được bồi thường một cách toàn bộ và kịp thời. Yếu tố lỗi đối với công chứng viên là công chức không phải là căn cứ trực tiếp xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong khi đối với công chứng viên không phải là công chức bắt buộc phải chứng minh có lỗi. Tham khảo tại Điều 24 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ về các trường hợp xử lý trách nhiệm bồi thường, hoàn trả có nêu rõ viên chức khi thực hiện công việc được giao có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp quản lý viên chức có trách nhiệm đứng ra bồi thường. Sau đó viên chức này có trách nhiệm hoàn trả lại cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức. Rõ ràng, các trường hợp nêu trên tiềm ẩn sự bất bình đẳng khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi loại công chứng viên.

2.2.4. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên

Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Quan hệ nhân quả là mối quan hệ khách quan của bản thân các sự vật. Quan hệ nhân quả của bản thân sự vật tồn tại ngoài ý muốn của con người, không phụ thuộc vào việc con người có nhận thức được hay không. Quan hệ nhân quả của các hiện tượng, sự vật mang tính phổ biến. Trên cơ sở của việc nhận thức biện chứng thì tất cả mọi hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội đều được gây nên bởi những nguyên nhân nhất định. Không có hiện tượng nào không có nguyên nhân cả. Nguyên nhân bao giờ cũng làm phát sinh ra một hoặc nhiều kết quả hoặc một kết quả của sự vật, sự việc mang tính tất yếu.

Quan hệ nhân quả được xác định tại điểm 1.3, mục I, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại” [44]. Theo khoản 5, Điều 32 Luật công chứng 2006, tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ “bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng” [33]. Với quy định này thì chỉ thiệt hại “do lỗi” của công chứng viên gây ra mới được bồi thường (chỉ thiệt hại có mối quan hệ nhân quả với lỗi của công chứng viên mới được bồi thường). Tuy nhiên, với mô hình công chứng như hiện nay không phải lúc nào cũng cần có yếu tố lỗi của công chứng viên gây ra thì tổ chức hành nghề công chứng mới phải bồi thường. Ví dụ như trong trường hợp công chứng viên là công chức nhà nước thì chỉ cần có yếu tố có thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, tổ chức hành nghề công chứng đã phải bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009. Cũng theo quy định trên, nếu thiệt hại do lỗi của người yêu cầu công chứng gây ra thì tổ chức hành nghề công chứng không phải bồi thường.

Tính đến nay cả nước đã có hàng trăm tổ chức được cấp giấy đăng ký hoạt động và có gần hai nghìn công chứng viên hành nghề trong lĩnh vực này cho nên vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực trạng vấn đề bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra qua một số vụ việc sau:

Vụ việc thứ nhất: Chiều ngày 05/02/2009, bà Nga đến Văn phòng công chứng Y đề nghị công chứng hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở với tư cách là bên mua với bên bán là vợ chồng bà Thủy, ông Chín. Sau khi kiểm tra hồ sơ, công chứng viên đã thụ lý, do bên bán không đến công chứng tại trụ sở văn phòng công chứng (vì đau chân) nên đã đề nghị công chứng viên tiến hành ký hợp đồng ngoài trụ sở. Sau khi tiến hành soạn hợp đồng, đến 19h ngày 05/02/2009, công chứng viên đã đến địa chỉ theo bà Nga yêu cầu để tiến hành công chứng. Ngày 06/02/2009, công chứng viên đóng dấu tại Văn phòng và bà Nga đến Văn phòng công chứng Y để nộp phí công chứng và nhận 04 bộ hợp đồng bản gốc. Sau khi ký kết hợp đồng, bà Nga đã giao tiền đầy đủ cho vợ chồng bà Thủy và ông Chín, đồng thời vợ chồng bà Thủy, ông Chín giao lại “sổ đỏ” căn nhà nói trên. Ngày 20/8/2009, bà Nga đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để tiến hành thủ tục sang tên “sổ đỏ” thì được Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội trả lời rằng, mảnh đất và căn nhà của bà Thủy và ông Chín đã được bà Thủy và ông Chín thế chấp cho Công ty da giày Hà Nội bằng Hợp đồng công chứng số 01/HĐTC ngày 23/7/2008 của Văn phòng công chứng Y cũng do chính công chứng viên Dũng chứng nhận để vay hai tỷ đồng. Việc thế chấp này chưa được giải chấp, nên bà Nga không đủ tư cách để thực hiện việc sang tên “sổ đỏ”. Bà Nga đã có đơn khiếu nại và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Việc xác định thiệt hại thực tế mà bên yêu cầu công chứng phải gánh chịu là rất khó. Trong vụ việc liên quan đến Văn phòng công chứng Y, bà Nga ký hợp đồng mua bán với giá 2,4 tỷ đồng nhưng không đăng ký sang tên được vì tài sản đã thế chấp cho Ngân hàng. Văn phòng công chứng Y đã chấp nhận về nguyên tắc sẽ bồi thường và bà Nga đã đòi bồi thường 3 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa – theo bà Nga – thiệt hại của bà là 3 tỷ đồng. Tại sao lại là 3 tỷ đồng? Văn phòng công chứng đã trả lời rằng, yêu cầu này “chưa phù hợp”, “sẽ bồi thường cho bà Nga trên cơ sở phán quyết của Tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền” (Công văn ngày 27/11/2009). Phòng Bổ trợ tư pháp Hà Nội đã mời bà Nga và Công chứng viên Văn phòng công chứng Y đến làm việc để giải quyết. Tại buổi làm việc này, phía bà Nga đề nghị Văn phòng công chứng Y bồi thường thiệt hại là một tỷ năm trăm triệu đồng. Văn phòng công chứng Y đã không chấp nhận bồi thường số tiền này với lý do bà Nga không đưa ra được căn cứ thiệt hại cụ thể.

Vụ việc trên cho thấy, việc xác định chính xác thiệt hại mà người yêu cầu công chứng gánh chịu là rất khó. Trong trường hợp này, bên yêu cầu thiệt hại phải chứng minh thiệt hại cụ thể của mình. Văn phòng này đã thừa nhận “Công chứng viên đã có thiếu sót trong quy trình công chứng hợp đồng” là “chủ quan không kiểm tra đăng ký giao dịch đảm bảo”. Tài sản trong hợp đồng chuyển nhượng được công chứng đã được thế chấp mà theo Bộ luật dân sự 2005 (khoản 4 Điều 349), bên thế chấp chỉ “được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý”. Ở đây, bên thế chấp đã chuyển nhượng tài sản thế chấp cho bà Nga nhưng không có sự đồng ý của

Ngân hàng (bên nhận thế chấp) nên hợp đồng này vô hiệu. Điều đó có nghĩa là công chứng viên đã công chứng một hợp đồng không hợp pháp nên có lỗi theo khoản 5 Điều 32 Luật công chứng 2006 và phải bồi thường.

Vụ việc thứ hai: Ngày 20/10/2012 bên bán là vợ chồng bà Hoa và bên mua là vợ chồng ông Tuấn đến Văn phòng công chứng X yêu cầu công chứng Hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở đối với 80m2 đất tại phố Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội. Hai bên cung cấp đầy đủ hồ sơ cho công chứng viên Y tại Văn phòng công chứng X. Hai bên đề nghị công chứng viên ghi giá trị trên hợp đồng là 500.000.000VND (năm trăm triệu đồng Việt Nam), hai bên đã đọc rõ nội dung hợp đồng và ký tên vào hợp đồng theo đúng quy trình công chứng. Công chứng viên ký tên chứng nhận hợp đồng và thu phí, trả hồ sơ cho mỗi bên giữ. Sau đó bên mua cầm hồ sơ đi sang tên tại Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Cầu Giấy. Quá 5 ngày bên bán là bà Hoa đòi bên mua thanh toán nốt tiền nhưng bên mua không có khả năng thanh toán do Ngân hàng không giải ngân vì hết hạn mức. Bên bán làm đơn yêu cầu ngừng giao dịch, hai bên kiện nhau ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy. Tại Tòa, bên bán xuất trình giấy giao nhận tiền các lần, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán viết tay với giá trị thực tế là 5.000.000.000 VND (Năm tỷ đồng Việt Nam). Bên mua xuất trình bản hợp đồng công chứng giá trị 500.000.000 VND (Năm trăm triệu đồng Việt Nam) và cho rằng mình đã thanh toán đủ. Hai bên thừa nhận việc khai giá trị thực tế với giá trị trên hợp đồng là khác nhau để trốn thuế. Bên bán cho rằng vì công chứng chứng nhận hợp đồng cho nên phải bồi thường. Trong trường hợp này, giá do các bên thỏa thuận trên nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận các bên theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 cho nên công chứng viên không có lỗi và không phải bồi thường.

Trong cả hai vụ việc trên, yêu cầu bồi thường thiệt hại đều liên quan đến hành vi công chứng của công chứng viên. Tuy nhiên, việc xác định có lỗi hay không có lỗi có yếu tố quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng. Luận văn: Tổng quan bồi thường thiệt hại của công chứng viên

XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY   

===>>> Luận văn: Thực trạng bồi thường tại văn phòng công chứng

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x