Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Thực trạng Giáo dục hòa nhập cho trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa – Cầu Giấy- Hà Nội dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.
2.2. Thực trạng các hoạt động về hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
2.2.1. Thực trạng hoạt động hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng
Đối với trẻ RLPTK khi tham gia học hòa nhập thường gặp rất nhiều khó khăn: tiếp thu ý kiến, tiếp nhận kiến thức, khó khăn khi diễn đạt, trình bày quan điểm, ý kiến. Điểm đặc biệt của trẻ RLPTK khi học tại trường, phần lớn các trẻ đều học khá về môn toán, các con số và bốn phép tính cộn, trừ, nhân, chia có thể làm thành thạo những phép tính đơn giản, còn các phân môn về Tiếng Việt, và một số môn khác yêu cầu tư duy về mặt câu từ, ngữ pháp thì hạn chế. Môn văn gần như không thể viết được một đoạn văn ngắn, nhưng lại có thể đọc thuộc và ghi nhớ, hoặc khó có thể trả lời được các câu hỏi mở như thế nào? Vì sao?…
Một số trẻ lại có năng khiếu riêng, có trẻ học rất tốt tiếng anh, hát hay, biết chơi đàn…những năng khiếu của trẻ rất được các thầy cô ở trường quan tâm và tạo điều kiện để trẻ có thể thể hiện mỗi khi có dịp như các ngày lễ, mít tinh các trẻ được tham gia biểu diễn cùng các bạn học sinh bình thường khác.
Ví dụ: Khi trẻ tham gia môn học Đạo đức Kính trên nhường dưới, dưới sự hướng dẫn của GVHT sẽ giúp trẻ thực hành ngay tại lớp các bạn học sinh khác, có thể sắm vai, giúp trẻ biết nói lời chào hỏi, lễ phép với ông bà, cha mẹ, nhường nhịn em nhỏ…Với môn Toán ở khối 1,2 để trẻ học được các con số và những phép tính đơn giản, GVHT cần sử dụng nhiều phương pháp dạy như dùng thẻ tranh, hình ảnh trực quan, đồ dùng học tập có sẵn… để dạy trẻ. Với các trẻ ở khối 3,4,5 môn toán có nhiều dạng khó hơn, để trẻ theo được chương trình cơ bản đòi hỏi trẻ phải có kiến thức của lớp 1,2, GVHT cần phải kiên trì khi làm việc với trẻ. Môn Tiếng Việt hầu hết trẻ có thể đọc viết nhưng lại khó khăn trong việc đặt câu. Đối với khối 1, trẻ chỉ cần biết đọc và viết, từ khối 2,3,4,5 khó hơn khi trẻ phải viết đoạn văn, phân biệt cấu tạo của câu, GVHT cần thiệp nhiều hơn ở môn học này, sử dụng nhiều hơn phương pháp mớm lời để trẻ có thể đặt câu có đầy đủ chủ vị. Về kỹ năng trẻ khó khăn trong quan hệ giao tiếp, thiết lập mối quan hệ với bạn bè; khó khăn khi tham gia các hoạt động tập thể; ứng phó với thái độ coi thường, trêu trọc, không tôn trọng của các trẻ bình thường, giáo viên thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ RLPTK; chương trình học quá sức, không phù hợp với khả năng của trẻ; thiếu hoặc không có trang thiết bị, đồ dùng hỗ trợ cần thiết cho trẻ RLPTK. Giáo dục kỹ năng cho trẻ RLPTK là rất cần thiết, giúp trẻ hòa nhập tốt hơn với cuộc sống. Ở tại trường tiểu học đã chú trọng hơn tới việc tăng tiết vào thời gian học của các lớp bằng việc đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học ngoài giờ cho học sinh toàn trường. Nhưng lại không bắt buộc, nghĩa là học sinh được phép lựa chọn học hay không học tiết giáo dục kỹ năng này, nếu học sinh nào học sẽ đăng ký và thu học phí ngoài, không nằm trong khung học phí chung. Đối với học sinh RLPTK khi tham gia học sẽ được nhà trường hỗ trợ miễn học phí. Chương trình giáo dục kỹ năng được thiết kế theo từng chủ đề ví dụ như: chủ đề tặng mẹ 8/3, chủ đề tặng cô 20/11, cắt hoa tặng mẹ và cô 20/10, phòng chống đuối nước, phòng chống xâm hại, …mỗi chủ đề sẽ có những hoạt động cụ thể để học sinh được tham gia. Khi trẻ tham gia các hoạt động này, GVHT là người kết nối để trẻ được tham gia vào nhóm của học sinh bình thường, được các bạn hướng dẫn, bên cạnh đó GVHT luôn quan sát quá trình tham gia của trẻ để có những hỗ trợ kịp thời, có khi cần phải “cầm tay chỉ việc”.
Đối với gia đình có trẻ mắc hội chứng RLPTK, phụ huynh cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng xoay quanh vấn đề trẻ mắc hội chứng RLPTK, để họ có thêm những kiến thức, hiểu biết, những kỹ năng cơ bản trong quá trình giáo dục con em mình. Bởi có những gia đình phụ huynh vì có nhiều lí do khác nhau mà họ đã không nhận ra sớm những biểu hiện bất thường của con em mình, họ thiếu những kiến thức về trẻ em…Khi biết được con em mình mắc hội chứng RLPTK thì đã qua mất thời gian vàng để can thiệp cho các em, làm chậm khả năng tiến bộ của các em. Vì vậy việc trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho các bậc phụ huynh là rất cần thiết. Về kiến thức, NVXH cần trang bị những kiến thức để nhận biết về hội chứng RLPTK ở trẻ em, kiến thức để chăm sóc và giáo dục trẻ RLPTK, thông qua sách báo, có thể kết nối các bậc phụ huynh tham gia những buổi hội thảo, tập huấn với các chuyên gia trong và ngoài nước, ngoài ra có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau trên các trang mạng xã hội. Về kỹ nawg, cần trang bị cho phụ huynh cách nhận biết, biểu hiện bất thường ở trẻ mắc hội chứng RLPTK, các kỹ năng về chăm sóc, tiếp cận hoặc ứng phó với hành vi bất hợp tác, chống đối của trẻ. Mỗi một trẻ mắc hội chứng RLPTK đều có những hành vi, biểu hiện khác nhau., vì vậy các bậc phụ huynh cần có đa dạng những hiểu biết và cách thức để giáo dục và chăm sóc trẻ. Đặc biệt khi trẻ được giáo viên hỗ trợ hòa nhập tại trường, ở nhà phụ huynh cũng cần hợp tác với giáo viên quan tâm, sát xao tới trẻ. Cần có sự thống nhất trong cách giáo dục trẻ giữa GVHT và phụ huynh để trẻ có được sự tiến bộ tốt nhất. Và khi môi trường giáo dục thân thiện với các em, các em RLPTK được tự do giao lưu, tiếp xúc lẫn nhau làm các em phát triển toàn diện hơn, thích ứng tốt hơn với môi trường xã hội. Vì thế, hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ và gia đình trẻ RLPTK nhằm nâng cao ý thức, sự hiểu biết cho họ. Qua đó hướng dẫn chia sẻ gánh nặng với trẻ, cùng trẻ ra quyết định. Cung cấp thông tin về đặc điểm, diễn biến, tình hình của trẻ, về các phương án điều trị, cách can thiệp sớm, hỗ trợ trẻ phù hợp là rất quan trọng.
Biểu đồ 2.7. Tần xuất thực hiện hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ và phụ huynh, gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa. Đơn vị %.
Qua kết quả khảo sát về tần xuất thực hiện trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ và phụ huynh, gia đình trẻ RLPTK, 50% GVHT cho rằng Trường Tiểu học Trung Hòa thường xuyên trang bị về kiến thức, 50 % còn lại cho rằng trường trang bị kiến thức ở tần xuất bình thường. Về kỹ năng, có 47.5 % GVHT cho rằng nhà trường thường xuyên trang bị kỹ năng cho trẻ và phụ huynh, gia đình trẻ RLPTK, 52.5% GVHT còn lại cho rằng nhà trường trang bị kỹ năng cho trẻ và phụ huynh, gia đình trẻ RLPTK ở mức bình thường. Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Bảng 2.3. Mức độ hiệu quả việc hỗ trợ trang bị kiến thức cho trẻ RLPTK. Đơn vị %
Đánh giá về mức độ hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ trang bị kiến thức cơ bản môn Toán phù hợp với chương trình học như: đọc viết thành thạo số đếm, thực hiện thành thạo các phép tính cộng trừ nhân chia… cho trẻ RLPTK thì kết quả khả quan, có tới 42.5% GVHT cho rằng điều này được thực hiện ở mức độ tốt; 27.5% GVHT cho rằng thực hiện ở mức độ khá; 25% GVHT cho rằng điều này chỉ được thực hiện ở mức độ trung bình và chỉ 5% GVHT đánh giá ở mức yếu. Tuy nhiên, khi đánh giá về mức độ hiệu quả của việc trang bị kiến thức cơ bản môn Tiếng Việt với các kỹ năng: đọc, viết, nghe viết, viết đoạn văn ngắn thì chỉ có 15% GVHT đánh giá ở mức tốt, 37.5% GVHT đánh giá ở mức khá và trung bình, có 10% GVHT đánh giá ở mức yếu. Đặc biệt, về trang bị kiến thức xã hội từ các môn học khác nhau: đạo đức, tự nhiên xã hội…có 22.5 GVHT đánh giá ở mức tốt; 30% GVHT đánh giá ở mức khá; tuy nhiên mức trung bình và yếu lại ở mức khá cao là 40%.
Biểu đồ 2.8. Mức độ hiệu quả việc trang bị các kỹ năng đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa. Đơn vị %.
Trong các nội dung trang bị kỹ năng đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ thì kỹ năng tự phục vụ được đánh giá hiệu quả nhất với 47.5% GHHT đánh giá ở mức tốt, 22.5% đánh giá ở mức khá, 20% đánh giá ở mức trung bình, chỉ 10% đánh giá ở mức yếu. Theo sau là kỹ năng giữ trật tự trong lớp học được 37.5% GVHT đánh giá ở mức tốt; 40% GVHT đánh giá ở mức khá và 22.5% đánh giá ở mức trung bình, không có GVHT nào đánh giá nội dung này ở mức yếu. Đối với kỹ năng thiết lập mối quan hệ tỷ lệ GVHT đánh giá ở mức tốt và mức yêu lại ngang nhau và đều là 22.5%; mức khá có 25%, và mức trung bình là 30%. Đánh giá về việc trang bị kỹ năng lắng nghe giáo viên giảng bài có tỷ lệ GVHT đánh giá ở mức yếu cao nhất với 25% và bằng với tỷ lệ GVHT đánh giá ở mức khá; mức tốt chỉ chiếm 20% GVHT và 30% GVHT đánh giá nội dung này ở mức trung bình. Ba kỹ năng giao tiếp, ứng phó và tương tác được đa phần các GVHT đánh giá về mức độ cung cấp, trang bị ở mức trung bình.
Biểu đồ 2.9. Mức độ hiệu quả của việc hỗ trợ trang bị kiến thức cho phụ huynh, gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Nhìn chung các kiến thức được trang bị cho phụ huynh, gia đình trẻ RLPTK được các GVHT đánh giá chủ yếu ở mức khá và không có nội dung nào bị đánh giá ở mức yếu. Trong đó, công tác trang bị kiến thức để giáo dục trẻ RLPTK được đanh giá thực hiện tốt nhất với 45% GVHT đánh giá ở mức tốt, 50% GVHT đánh giá ở mức khá và chỉ 5% GVHT đánh giá ở mức trung bình. Đối với việc trang bị kiến thức để chăm sóc trẻ RLPTK có 35% GVHT đánh giá hiệu quả ở mức tốt, 52.5% GVHT đánh giá hiệu quả ở mức khá và số ít là 12.5% GVHT đánh giá ở mức trung bình. Trong trang bị kiến thức để nhận biết về hội chứng RLPTK thì đa phần GVHT đánh giá hiệu quả ở mức tốt (42,5%); mức khá là 40% và mức trung bình là 17.5%.
Biểu đồ 2.10. Mức độ hiệu quả của việc hỗ trợ trang bị kỹ năng cho phụ huynh, gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Đánh giá mức độ hiệu quả việc trang bị kỹ năng cho phụ huynh, gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa đa phần các GVHT cho rằng nội dung này được thực hiện khá và tốt. Chỉ một số ít GVHT đánh giá ở mức trung bình và yếu. Trong công tác trang bị kỹ năng nhận biết biểu hiện bất thường của trẻ rối loạn phổ tự kỷ, 40% GVHT đánh giá ở mức tốt, mức khá là 50%, chỉ 2.5 % đánh giá ở mức trung bình và 7.5% đánh giá ở mức yếu. Kỹ năng được đánh giá là hiệu quả nhất là kỹ năng chăm sóc , giáo dục trẻ RLPTK với 47.5% GVHT đánh giá ở mức tốt, 40% mức khá, 5% ở mức trung bình và 7.5% ở mức yếu. Hiệu quả của công tác trang bị kỹ năng ứng phó với hành vi bất hợp tác, chống đối của trẻ RLPTK được đánh giá khá tích cực với 45% GVHT đánh giá ở mức tốt và 40% GVHT đánh giá ở mức khá; mức yếu và mức trung bình có 7.5%. Hiệu quả của công tác trang bị kỹ năng tiếp cận với trẻ RLPTK lại được đánh giá ở mức thấp nhất với 35% GVHT đánh giá ở mức tốt, mức khá là 47.5%, trung bình là 10% và 7.5% là yếu.
Hộp 2.1. Phỏng vấn sâu về thực trạng hoạt động hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ và gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Một phụ huynh học sinh lớp 3b cho biết: “Tôi chưa có cơ hội được tham gia tập huấn hay học gì về trẻ RLPTK, trước thấy con cứ biểu hiện bất thường, mọi người xung quanh bảo đưa đi khám nên tôi cũng sốt ruột đưa cháu đi khám tại viện Nhi trung ương thì biết tình trạng con bị thế, cho thuốc và hướng khắc phục và khuyên nên cho cháu đi học GDHN tại đây nên tôi đến trường Tiểu học Trung Hòa hỏi thăm rồi xin tư vấn của cả trung tâm GDHN, rồi xin cho con học. Trước kia, tôi và cả gia đình đều rất băn khoăn về cách dậy cháu. Vì nhiều khi bảo cháu theo cách dạy những trẻ khác trong nhà thì cháu không nghe và không có hiệu quả. Trong quá trình học thì các thày cô cũng giúp đỡ, cũng dặn dò gia đình thường xuyên về cách giáo dục con, để con thay đổi hành vi và để thống nhất cách giáo dục giữa thày cô giáo hỗ trợ với gia đình nên quả thật tôi và gia đình biết thêm nhiều cách cư xử với con, hiểu, chấp nhận và yêu thương con nhiều hơn. Các thành viên trong gia đình cũng chấp nhận các hành vi khác thường của con so với những đứa trẻ khác để yêu thương, thông cảm với con và giúp đỡ con rất nhiều. Từ lúc xin cho con được theo học chương trình GDHN này tôi yên tâm hẳn. Trước tôi cứ lo không có trường tiểu học nào nhận cháu đi học mà nếu cháu phải học trường chuyên biệt với các bạn khuyết tật nặng thì quả thật tôi e là không có sự tiến bộ của cháu ngày hôm nay. Tôi rất mừng và rất cảm ơn các thày cô đã cho cháu học và giúp đỡ cháu và gia đình tận tình”.
Phụ huynh học sinh lớp 4e cho biết: “ Tôi rất muốn được tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề liên quan đến con tôi, đến RLPTK nhưng cứ lên mạng đọc từ các nguồn thôi, thấy là đọc nhưng không được hệ thống và chuẩn xác nên tôi rất mong được nhà trường hay khối ban ngành đoàn thể nào có thể giúp chúng tôi bằng cách nào đó, ví dụ như mở lớp tập huấn hoặc tập hợp các nhóm phụ huynh cùng có con bị mắc RLPTK học thêm, trao đổi thêm để hiểu về con mình rõ hơn, hiểu về các dấu hiệu, triệu chứng, cách xử lý các tình huống hay diễn ra với nhóm trẻ này thậm chí các cách chăm sóc chúng phù hợp cũng như để chia sẻ giả tỏa với nhau những áp lực khi chăm sóc, nuôi dạy con mắc ASD, để chúng tôi có thể nuôi dưỡng chăm sóc con tốt hơn”.
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ việc phỏng vấn sâu) Kết quả GVHT đánh giá kết quả học học tập của trẻ RLPTK qua năm học 2017-2018 cho thấy đa phần nhóm trẻ cần cố gắng trong học tập và rèn luyện và nhóm trẻ có tiến bộ trong học tập và rèn luyện. Nhóm trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và rèn luyện chiếm tỷ lệ quá nhỏ. Chỉ 3 môn học: Toán, tiếng việt và tiếng anh là có học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện (Toán (7.5%); Tiếng Việt (2.5%); Tiếng Anh (2.5%)). Tỷ lệ học sinh không đánh giá được kết quả học tập môn học chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, riêng môn Tin học lớp 3 mới bắt đầu học, môn Khoa – Sử- Địa lớp các em mới bắt đầu học và do vậy tỷ lệ học sinh không đánh giá được chiếm tỷ lệ cao nhất.
Biểu đồ 2.11. Kết quả học tập của trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ trường Tiểu học Trung Hòa năm học 2017-2018. Đơn vị %.
Như vậy, trong GDHN trường Tiểu học Trung Hòa về cơ bản đã coi trọng sự cân đối giữa kiến thức và kỹ năng xã hội cho trẻ RLPTK cũng như phụ huynh, gia đình trẻ RLPTK. Kết quả của công tác này hầu hết được đánh giá tích cực, tuy nhiên tỷ lệ đánh giá ở mức trung bình và yếu cũng không phải con số nhỏ. Để trẻ được phát triển cân đối, hài hòa, công tác trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ RLPTK cũng như phụ huynh, gia đình trẻ RLPTK là vô cùng quan trọng. Do vậy, cần cân nhắc biện pháp cải thiện hiệu quả công tác này. Đối với các bậc phụ huynh cần có các giải pháp giúp họ hiểu rõ về trẻ mắc RLPTK và bản chất của việc mặc RLPTK để có cái nhìn đúng về trẻ mắc RLPTK từ đó cảm thông, hỗ trợ trẻ phù hợp hơn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:
===>>> Dịch Vụ Viết Luận Văn Thạc Sĩ Công Tác Xã Hội
2.2.2. Thực trạng hoạt động hỗ trợ tham vấn Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Đánh giá về mức độ thực hiện nhiệm vụ tham vấn cho phụ huynh, gia đình trẻ RLPTK hầu hết GVHT cho rằng hoạt động này được thực hiện thường xuyên (62.5%); 35% GVHT cho rằng hoạt động này chỉ được thực hiện ở mức động bình thường và chỉ có 1/40 (2.5%) GVHT cho rằng hoạt động này không thường xuyên được thực hiện.
Biểu đồ 2.12. Mức độ thực hiện nhiệm vụ tham vấn cho phụ huynh, gia đình về vấn đề của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Đơn vị %.
Bảng 2.4. Mức độ hiệu quả trong tham vấn cho phụ huynh, gia đình về vấn đề của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Đơn vị %.
Kết quả khảo sát về mức độ thực hiện nhiệm vụ tham vấn đối với phụ huynh, gia đình về vấn đề của trẻ RLPTK được các GVHT đánh giá ở mức khác lạc quan. Tiêu biểu là hoạt động tham vấn cho gia đình phương pháp giáo dục kỹ năng cho trẻ: Tự phục vụ, giao tiếp, tương tác… với 57.5% GVHT cho rằng hoạt động này được thực hiện hiệu quả ở mức độ tốt, mức khá là 25% và trung bình là 17.5%, không có GVHT nào đánh giá hoạt động này ở mức yếu. Theo sau là hoạt động tham vấn cho gia đình trẻ cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm khám, trị liệu cho trẻ RLPTK với 37.5% GVHT đánh giá ở mức tốt, mức khá là 50%, trung bình là 12.5% và cũng không có GVHT nào đánh giá nội dung này ở mức yếu. Trên thực tế, nhiều phụ huynh cho rằng con mắc hội chứng RLPTK là đáng thương hơn những người con khác, trẻ em khác nên cần nâng niu, chăm sóc, phục vụ con nhiều hơn để bù đắp cho con sự thiếu may mắn nhưng những trẻ khác. Do vậy, hiện tượng con rơi vào sự phụ thuộc vào sự chăm sóc kỹ lưỡng ấy cao hơn, sống thiếu tự chủ, độc lập cao hơn. GVHT là những người nhiều kiến thức chuyên môn, nắm bắt được tâm lý, vấn đề hơn nên cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt vấn đề, tư vấn để các bậc phụ huynh hiểu vấn đề, phối hợp và thực hiện các biện pháp giúp con nhanh chóng độc lập và tự chủ hơn trong cuộc sống. Tùy thuộc vào lứa tuổi để có những yêu cầu khác nhau đối với trẻ, nhưng thông thường đối với trẻ nhỏ sẽ là: tự xỏ dép, mặc áo, mặc quần, tự xúc cơm ăn, tự đi vệ sinh, tự uống nước khi khát…Tiến trình này đối với trẻ bình thường nó diễn ra rất nhanh tuy nhiên đối với trẻ tự kỷ nó lại gặp những khó khăn nhất định. Do vậy, GVHT cũng cần tư vấn và thường xuyên động viên, nhắc nhở phụ huynh để phụ huynh kiên trì với các biện pháp đúng đắn, phù hợp với con mình.
Hoạt động tham vấn tổ chức giáo dục hòa nhập cho phụ huynh mặc dù được 45% GVHT đánh giá ở mức tốt, 37.5% GVHT đánh giá ở mức khá và 12.5% mức trung bình nhưng lại có tới 5% GVHT đánh giá nội dung này thực hiệu hiệu quả ở mức yếu. Trên thực tế tại trường Tiểu học Trung Hòa, các cán bộ quản lí kết hợp với GVHT tổ chức những buổi hội thảo nhằm tham vấn cho phụ huynh có con em mắc hội chứng RLPTK rất hạn chế, mỗi năm thường tổ chức 3 lần, đầu năm, giữa năm và cuối năm học.
Hoạt động tham vấn tâm lý cho phụ huynh trẻ RLPTK được các GVHT đánh giá hiệu quả ở mức tương đối khá với 37.5% GVHT đánh giá hiệu quả tốt, 35% khá và 27.5% trung bình. Hoạt động tham vấn cho phụ huynh, gia đình trẻ ít hiệu quả nhất là tham vấn cho gia đình phương pháp dạy trẻ học thêm các môn văn hóa ở nhà vì hoạt động tham vấn này phụ thuộc và chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan như trình độ nhận thức, trình độ văn hóa của phụ huynh, phụ thuộc công việc, sự bận rộn và mức thời gian ưu tiên cho con cái của các bậc phụ huynh.
Khi gia đình có trẻ mắc hội chứng RLPTK, họ thường mặc cảm, tự ti về con/ trẻ, họ luôn phàn nàn với hàng trăm lý do khó khăn và những vấn đề khác. Vì vậy, cán bộ công tác xã hội (GVHT) bên cạnh nhiệm vụ GDHN cho trẻ thì việc can thiệp hỗ trợ tâm lý, khủng hoảng cho trẻ và gia đình trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. NVCTXH giúp xử lý những căng thẳng, cảm xúc tiêu cực, lo lắng, bi quan của gia đình trẻ RLPTK, giúp họ giảm áp lực khi họ lo lắng về tương lai của con em họ. NVXH ngoài giúp trấn an các bậc phụ huynh, còn giúp họ hiểu bản chất vấn đề, chấp nhận, đối diện sự thật, thoải mái, tự tin, bớt tự ti về trẻ RLPTK, về những rào cản, quan điểm kỳ thị, sự thương hại của cộng đồng để cùng trẻ và các giáo viên, GVHT và nhà trường phối hợp giúp con học tập, phát triển, phù hợp, đúng khả năng của trẻ. Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Hộp 2.2. Phỏng vấn sâu về hoạt động tham vấn cho phụ huynh, gia đình về vấn đề của trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Phụ huynh học sinh lớp 1d cho biết: “Khi học mầm non, con được vui chơi, chơi trò chơi rất nhiều giờ vào lớp một cháu phải ngồi học lượng thời gian nhiều hơn, nghiêm túc hơn, thay đổi cách học nhiều nên cháu dễ căng thẳng hơn, gia đình rất lo lắng vì tính cháu không chịu ngồi yên, tập trung được lâu bằng trẻ bình thường. Hồi học mẫu giáo cháu nghịch ngợm phá lớp quá, trêu chòng các bạn, đánh bạn…nên các bạn học ghét và bố mẹ các bạn khác cũng không muốn cho con học cùng lớp. Cả 2 mẹ con và gia đình đều tủi thân lắm, cả nhà ai cũng thương con vì đi học như bị hắt hủi ý. Giáo viên mầm non cũng 1 người phụ trách nhiều cháu quá nên khó quản, cô giáo cũng quan tâm cháu mà cũng không thể nào giúp con nhiều như khi cháu có GVHT đặc biệt như bây giờ. Nhiều lúc tôi đau đầu và gia đình cảm thấy như thể bất lực. Thật may có cô giáo hỗ trợ quan tâm, theo sát, kèm cặp 24/24 tại lớp học nên thấy cháu đi học về kể về những lỗi lầm của cháu khi cháu có hành vi không đúng thì GVHT đã thực sự “hỗ trợ” cháu rất phù hợp, tôi cũng thấy cháu tiến bộ nhiều nên tôi cũng yên tâm hơn”.
GVHT: “Chị đã rất can đảm, yêu thương con và đúng khi cho cháu tiếp tục học lên lớp 1 và chọn cách học GDHN cho cháu. Qua quá trình hỗ trợ cháu, em nhận thấy cháu có nhiều ưu điểm, năng khiếu đặc biệt. Cháu rất thích vẽ, tuy nét vẽ còn có sự ngây ngô của trẻ thơ nhưng có nhiều sáng tạo. Với đặc điểm, cá tính của cháu, em tin nếu cháu được quan tâm cho tham gia lớp học vẽ thì sẽ phát huy được năng khiếu này của cháu. Hơn nữa, thông qua hoạt động vẽ cháu cũng rèn luyện được sự cẩn thận, tỉ mỉ và khả năng kiên trì, nhẫn nại hơn…”
GVHT: Trước khi tham vấn cho các bậc phụ huynh thường tôi phải chắc chắn,nghĩ đến các giả thiết và suy luận logic đảm bảo thông tin đó là chính xác trước khi cung cấp, tham vấn và hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng thông tin vừa được cung cấp. Khi các phụ huynh gặp khó khăn khi xử lý tình huống với con, chán nản, mệt mỏi, áp lực về các hội chứng của con, nhóm giáo viên hỗ trợ chúng tôi luôn động viên và phân tích các vấn đề ở các khía cạnh để phụ huynh hiểu bản chất vấn đề. Và đôi khi là phụ huynh dù đã hiểu bản chất vấn đề, được chúng tôi can thiệp bằng việc tham vấn cách xử lý tình huống, xong các tình huống khó xảy ra với tần xuất dày đặc nên tâm lý chán nản là dễ hiểu. Khi đó chúng tôi trò chuyện, chia sẻ, lắng nghe nhau để cùng trao đổi, giải quyết những mâu thuẫn trong cảm xúc, suy nghĩ, hành vi; tăng động lực để kiên trì thực hiện các giải pháp.
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ việc phỏng vấn sâu) Đa phần GVHT đã được đào tạo qua trường lớp với các ngành học phù hợp để làm việc với trẻ RLPTK như giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục đặc biệt và công tác xã hội, ngoài ra 100% GVHT đều được đào tạo thêm một khóa học ngắn hạn với trẻ RLPTK trước khi bắt tay vào làm việc với trẻ, nên khi vào làm việc trực tiếp với trẻ và phụ huynh gia đình trẻ, các GVHT đều khá tự tin trong việc trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho trẻ và gia đình trẻ. Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ về mặt tham vấn tâm lí cho các bậc phụ huynh. Mặc dù có một bộ phận giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tham vấn nhưng họ cũng đã phần nào có thể giúp đỡ phụ huynh của mình trong việc hỗ trợ vè mặt tâm lí, khi phụ huynh gặp những khủng hoảng tâm lí trong việc giáo dục con em mình, hay trải qua những cú sốc tâm lí về hành vi của trẻ…
Hộp 2.3. Phỏng vấn sâu về hoạt động tham vấn cho cán bộ quản lí về vấn đề của trẻ RLPTK
Cô Kim Khuê – Hiệu phó trường THTH, phụ trách mảng GPHN cho trẻ RLPTK, cho biết: “ Thời gian đầu khi tiếp nhận trẻ RLPTK bên trường mầm non New Star vào học, nhà trường cũng gặp khá nhiều khó khăn, thử thách. Thứ nhất từ phía gia đình của những học sinh bình thường, vì nhiều phụ huynh không đồng ý cho con mình học cùng với học sinh mắc hội chứng RLPTK. Khó khăn thứ hai là sự phối hợp giữa GVHT và GVCN khi cùng làm việc trong một lớp học, ngoài ra sự có mặt của GVHT trong lớp không tránh khỏi sự tò mò của các bậc phụ huynh. Thứ ba, nhà trường chưa có đủ điều kiện thiết lập các phòng học can thiệp tăng cường riêng cho học sinh RLPTK học tập, nên việc các em theo học ở lớp phần lớn là bị quá tải về kiến thức đối với các em. Đặc biệt, các em hạn chế về khả năng tiếp thu và sự tiến bộ.
Nhận thấy được những khó khăn như vậy nên nhà trường cũng đã tạo điều kiện hết sức để các em học sinh có thể hòa nhập một cách tốt nhất, ngoài việc học trên lớp, đối với các hoạt động ngoài giờ, thì nhà trường luôn khuyến khích các em tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khi học các môn ngoài giờ như kỹ năng sống, tiếng anh với ngườu nước ngoài,… Nhà trường tạo điều kiện để phụ huynh không phải đóng học phí, giảm bớt gánh nặng cho gia đình…Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường cũng phải thường xuyên họp bàn, xây dựng các kế hoạch thực hiện và nâng cao kỹ năng tham vấn đối với phụ huynh, xử lí các tình huống, sự việc cụ thể như khi họp phụ huynh hoặc phụ huynh gặp hay gọi điện thắc mắc…
Đến nay nhà trường đã tổ chức cho học sinh RLPTK theo học được 8 năm, và đã nhận thấy được nhiều kết quả tích cực cũng như sự đồng thuận nhất trí cao từ phía các cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Nhà trường đánh giá đây là môi trường học rất tốt cho các bạn học sinh này, các em được đi học, được vui chơi, được kết nối bạn bè… Kết quả mỗi năm mặc dù về các môn văn hóa còn nhiều hạn chế, nhưng về mặt giao tiếp, nhận thức, tương tác… có sự tiến bộ rõ rệt.
Đối với cán bộ quản lí nhà trường, đã hết sức tạo điều kiện để có thể hỗ trợ trẻ và gia đình có trẻ mắc hội chứng RLPTK có cơ hội tham gia học hòa nhập tại trường cả về vật chất và tinh thần. Về vật chất, nhà trường thực hiện miễn giảm một số khoản tiền nằm ngoài danh mục phải thu và kết nối với một số đơn vị hợp tác miễn giảm cho các em, làm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình phụ huynh như: học phí tiếng anh tăng cường, học phí kỹ năng sống, kinh phí dã ngoại hành năm…Về tinh thần, nhà trường khuyến khích, tạo cơ hội cho các em học sinh RLPTK tham gia tất cả các hoạt động học tập và ngoại khóa, tạo sân chơi hòa đồng với các học sinh khác, giáo dục, khuyến khích sự tham gia hỗ trợ hòa nhập từ các học sinh khác trong trường với các em học sinh RLPTK. Với phụ huynh có con em học hòa nhập tại trường, cán bộ quản lí, giáo viên, giáo viên hỗ trợ luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẽ, động viên tinh thần để họ yên tâm trong quá trình còn học hòa nhập tại trường, nhằm đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất cho các em.
Về cơ bản, qua kết quả khảo sát đa số hoạt động tham vấn của GVHT đối với phụ huynh học sinh mắc hội chứng RLPTK được đánh giá ở mức độ khá tốt. Với quan điểm cho rằng, các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan đều có tác động nhất định đến hiệu quả tham vấn cho gia đình trẻ mắc hội chứng RLPTK. Tác giả cho rằng, các GVHT luôn cần có các giải pháp học tập, nâng cao kiến thức kỹ năng về CTXH nói chung, kỹ năng tham vấn và tham vấn chuyên biệt cho nhóm phụ huynh của mình nói riêng, nâng cao hiểu biết về nội dung, mục đích, cách thức tiến hành của các kỹ năng và thực hiện đầy đủ, chính xác, thành thạo và linh hoạt hơn các thao tác, có cách khắc phục những khó khăn của gia đình trẻ hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác tham vấn.
2.2.3. Thực trạng hoạt động hỗ trợ gia đình trẻ tiếp cận các chính sách, nguồn hỗ trợ
Qua kết quả khảo sát, hiện nay trường Tiểu học Trung Hòa đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ RLPTK: Giảm một phần chi phí hỗ trợ học hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Miễn tiền học phí các tiết tăng cường như Tiếng anh, kỹ năng sống; Giảm tiền tham gia các hoạt động ngoại khóa… Trong mô hình công tác hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ RLPTK tiếp cận các chính sách, nguồn lực xã hội về giảm một phần chi phí hỗ trợ học hòa nhập cho trẻ RLPTK có 52.5% GVHT đánh giá đạt hiệu quả mức độ tốt, mức độ khá là 17.5%; mức độ trung bình là 22.5%. Công tác thực hiện miễn giảm học phí các tiết tăng cường như tiếng anh, kỹ năng sống được đánh giá tích cực hơn với 57.5% GVHT đánh giá hoạt động này hiệu quả ở mức tốt, 25% đánh giá ở mức khá và 12.5% đánh giá ở mức trung bình và mức yếu là 5%. Đối với hoạt động giảm tiền tham gia các hoạt động ngoại khóa được các GVHT đánh giá kém hiệu quả hơn với chỉ 35% GVHT đánh giá ở mức tốt và 37.5% đánh giá ở mức khá, mức trung bình là 22.5% và mức yếu là 10%.
Biểu đồ 2.13. Mức độ hiệu quả trong hỗ trợ trẻ và phụ huynh, gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ. Đơn vị %.
Như vậy, qua kết quả khảo sát cho thấy các chính sách hỗ trợ đối với trẻ RLPTK tham gia học hòa nhập tại trường Tiểu học Trung Hòa có nhiều đánh giá tích cực tuy nhiên lượng đánh giá còn hạn chế cũng chiếm tỷ lệ đáng chú ý.
Qua các hoạt động trên, tác giả nhận thấy, không chỉ là người trực tiếp hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề, nâng cao năng lực, học tập phát triển; trong mô hình GDHN của trường, GVHT còn là cầu nối giúp trẻ và gia đình trẻ mắc hội chứng RLPTK tiếp cận, giải quyết các thủ tục, các chính sách hỗ trợ (thủ tục nhập học, bảo hiểm y tế, chính sách miễn giảm học phí…), các nguồn hỗ trợ tài chính cho nhóm trẻ này nếu có. Vì vậy, để thực hiện tốt vai trò này của mình các GVHT cần có hiểu biết các vấn đề liên quan trực tiếp cũng như sự hiểu biết rộng rãi về các vấn đề khác nhau, nhiều nguồn lực khác nhau, các dịch vụ phù hợp, các quỹ hỗ trợ phát triển phù hợp với thân chủ của mình, các ban ngành/ đơn vị/ trung tâm tư vấn chính sách pháp luật liên quan, hay các bệnh viện, phòng khám tư vấn tâm lý, trung tâm phục hồi chức năng…
2.3. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt nhập cho trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự trường Tiểu học Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội động hỗ trợ giáo dục hòa kỷ vào học hòa nhập tại Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Kết quả đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố: từ bản thân; gia đình; từ học sinh bình thường; gia đình học sinh bình thường và từ GVHT; từ nhà trường, cán bộ quản lý tới công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ mắc hội chứng RLPTK cho thấy yếu tố từ nhà trường, cán bộ quản lý có sức ảnh hưởng lớn nhất (40; 100%). Theo sau là yếu tố từ bản thân trẻ và GVHT (39; 97.5%). Tiếp đó là yếu tố tác động từ học sinh bình thường (38; 95%) và 35% từ gia đình, 31 % từ gia đình học sinh bình thường.
Bảng 2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường tiểu học Trung Hòa.
Như vậy, hầu hết các yếu tố này đều quan trọng và có ảnh hưởng đến trẻ mắc hội chứng RLPTK và cần được lưu tâm, cân nhắc kỹ khi xây dựng các chương trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ RLPTK.
2.3.1. Yếu tố từ bản thân trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ
Qua đánh giá, nghiên cứu và tìm hiểu, tác giả nhận thấy tỷ lệ học sinh RLPTK dạng nặng tại trường còn chiếm tỷ lệ đáng kể làm việc tiếp thu của các em khó khăn, trình độ tiếp thu của một số em còn quá chậm, kỹ năng đọc, viết, tính toán hạn chế điều này gây ảnh hưởng nhiều đến tốc độ phát triển tiếp thu kiến thức của các em, khó khăn cho các GVHT.
Biểu đồ 2.14. Mức độ ảnh hưởng của bản thân trẻ đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa. Đơn vị %.
Khảo sát GVHT cho kết quả đánh giá bản thân trẻ ảnh hưởng nhiều đến mức độ hội chứng phổ tự kỷ cũng như đặc điểm nhận thức hành vi và đặc điểm tâm lý của trẻ. Với hội chứng phổ tự kỷ của trẻ 60% GVHT đánh giá yếu tố tự bản thân trẻ ảnh hưởng tới ở mức độ nhiều, 32.5% ở mức ít và chỉ 7.5% cho rằng yếu tố bản thân trẻ không ảnh hưởng đến mức độ hội chứng phổ tự kỷ. Với yếu tố đặc điểm nhận thức, hành vi và yếu tố đặc điểm tâm lý 100% các GVHT cho rằng yếu tố bản thân trẻ có ảnh hưởng. Về đặc điểm nhận thức hành vi có tới 70% GVHT cho rằng yếu tố bản thân trẻ có ảnh hưởng nhiều đến yếu tố này và 30% GVHT cho rằng yếu tố bản thân trẻ ít ảnh hưởng đến. Số lượng GVHT đánh giá mức độ ảnh hưởng từ phía bản thân trẻ tới đặc điểm tâm lý trẻ ở mức nhiều và ít là xấp xỉ nhau.
Hộp 2.3. Phỏng vấn sâu về yếu tố ảnh hưởng của bản thân trẻ đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Phụ huynh học sinh lớp 2e cho biết: “Bản thân tôi khi dạy cháu học thường xuyên phát cáu lên vì nói mãi cháu không hiểu.Các cô có chuyên môn, rèn luyện nên các cô bình tĩnh hơn, kiềm chế được cảm xúc, dạy các cháu dễ hiểu hơn. “Bản thân cháu nhà tôi khi mắc hội chứng RLPTK này tôi thấy cháu chậm chạp hơn các bạn khác rất nhiều, sức khỏe cũng không được ổn định lắm so với các bạn khác cùng độ tuổi do vậy thi thoảng cháu hay ốm tôi lại buộc phải cho cháu nghỉ học. Qủa thật, biết là dạy các cháu này các GVHT vất vả lắm, nhiều cháu như cháu nhà tôi chậm hiểu, dạy mãi không hiểu. Đã vậy nhưng cháu lại hay bị phải nghỉ đột xuất thế, hôm sau các cô lại khó thêm khó trong việc dạy bù cho các cháu lấp chỗ hổng ngày nghỉ, bài tập dồn đống, cô cũng khổ mà bố mẹ cũng khổ ”.
GVHT học sinh lớp 5a cho biết: “Học sinh của mình là học sinh nam, bạn này lớp 5 nhưng to khỏe vượt trội so với các bạn cùng lớp. Thi thoảng giờ ra chơi bạn mượn đồ của bạn khác mà không được là bạn giằng luôn và giữ chặt không trả, thậm chí hét ầm lên mãi không thôi. Bạn mà giằng lại là đấm thẳng luôn. Cô giáo nói và can thiệp mãi không được nhiều khi phải lôi bạn ấy ra khỏi những mâu thuẫn đó mà bạn ý khỏe lôi mãi không được. Có lúc bạn không kiểm soát được hành vi của mình còn cắn luôn cả cô giáo.
Qua đó, thấy rằng mức độ rối loạn tự kỷ của nhóm trẻ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động, chất lượng, hiệu quả của công tác GDHN. Trường có số lượng trẻ mắc hội chứng RLPT ở mức độ nặng và đặc biệt nặng càng cao thì công tác GDHN càng gặp nhiều khó khăn. Đòi hỏi các thày cô, đội ngũ thực hiện công tác GDHN càng phải năng động, sáng tạo ra nhiều phương pháp, trau dồi chuyên môn, kiến thức kỹ năng bài bản hơn.
2.3.2. Yếu tố từ gia đình có trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Biểu đồ 2.15. Mức độ ảnh hưởng từ gia đình đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa. Đơn vị %.
Các yếu tố từ gia đình có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động công tác GDHN thể hiện qua 82.5% GVHT cho rằng yếu tố sự quan tâm của các thành viên trong gia đình đối với vấn đề học hòa nhập của trẻ ở mức độ nhiều, chỉ 17.5% cho rằng ảnh hưởng ít. Tương tự, yếu tố nhận thức của bố mẹ về vấn đề học hòa nhập của trẻ cũng có tới 92.5% GVHT cho rằng ảnh hưởng ở mức độ nhiều, 7.5% GVHT đánh giá ảnh hưởng ít. Phương pháp giáo dục của cha mẹ cũng là yếu tố được đánh giá có ảnh hưởng lớn hiệu quả hoạt động GDHT (87.5%), chỉ số ít là 12.5% cho rằng ít ảnh hưởng. Nhóm yếu tố hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng là yếu tố có nhiều ảnh hưởng nhưng được đánh giá nhẹ hơn các yếu tố trên, chỉ với 60% GVHT đánh giá ảnh hưởng nhiều, 37.5% GVHT đánh giá ảnh hưởng ít. Và đây là yếu tố duy nhất trong số các yếu tố tác giả đưa ra có giáo viên đánh giá không ảnh hưởng đến hoạt động GDHT nhưng chỉ với 2.5%.
Hộp 2.4. Phỏng vấn sâu về yếu tố ảnh hưởng của gia đình có trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa
Phụ huynh học sinh lớp c1 cho biết: “Năm trước khi cháu bước vào lớp 1, tôi xin cho cháu vào học 3 trường các trường đều không nhận cháu vì cho rằng cháu quá nghịch, quá láo và phá ảnh hưởng đến học sinh khác trong lớp. Trường nhận cho cháu học khi cháu vào lớp 1 lâu nhất là 1 tuần. Tôi chẳng biết làm thế nào nên lại cho cháu đi học mẫu giáo thêm 1 năm và năm nay được người quen bày cách đưa con học theo chương trình giáo dục hòa nhập này nên con tôi được đi học, nhận thấy con thay đổi, tiến bộ nhiều lắm nên cũng mừng và hi vọng nhiều lắm. Gia đình tôi 2 vợ chồng bỏ nhau, một mình tôi đi bán cá kiếm tiền nuôi 2 đứa con. Đi làm vất vả vẫn chẳng đủ tiền nuôi con học. Âý vậy con gái tôi lại mắc chứng RLPTK thành ra tôi càng khổ tâm. Mỗi tháng lại mất thêm mấy triệu, 1 mình tôi e khó mà lo được. Qủa thật, vì muốn con được đi học quá nên tôi cố chạy vạy nhờ vả cho cháu vào đây học nhưng năm nay cháu thứ 2 bên dưới còn bé nên tôi còn cố xoay xở để cháu đi học mô hình này được, sang năm cháu thứ 2 mà cũng vào lớp 1 học hành tốn kém hơn thì tôi không biết làm thế nào để con tôi được đi học. Nhưng trước mắt cháu được đi học được đến trường, tôi cũng hi vọng đã, mong được nhà trường các thày cô chiếu cố tới học sinh có gia đình hoàn cảnh khó khăn”.
GVHT học sinh lớp 1a cho biết: “Học sinh ở đây hầu hết học bán trú, ăn trưa tại trường. Điều này đòi hỏi khi bước vào lớp 1 là các cháu phải tự lập việc xúc cơm, đồ ăn ăn uống được rồi. Học sinh nữ của tôi hồi đầu vào lớp 1, tôi rất vất vả khi cháu chưa có thói quen tự xúc cơm ăn. Vì ở nhà bố mẹ toàn xúc cho con ăn, không để con tự phục vụ. Tôi đã phải trao đổi với ba mẹ cháu để cùng thực hiện lộ trình thay đổi các hành vi, thói quen của cháu cho phù hợp.
Thực trạng cho thấy, nhiều trẻ RLPTK đã có cơ hội đi học, nhiều gia đình đã lấy lại niềm tin vào khả năng của con em mình và có thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc hỗ trợ các em. Tuy vậy, cũng còn rất nhiều trẻ chưa được đi học, nhiều trẻ còn chưa có nhận thức đúng đắn về quyền được đi học của trẻ.
Qua đây, có thể thấy yếu tố cha mẹ, phụ huynh học sinh của trẻ mắc hội chứng RLPTK là nhân tố ảnh hưởng vô cùng lớn tới cơ hội được tham gia học tập của trẻ. Vì vậy cần tập trung hỗ trợ phát triển cho nhóm này và đặc biệt cần chú ý đến nhóm trẻ rlptk có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, để tăng cơ hội tham gia học tập cho trẻ.
2.3.3. Yếu tố từ học sinh bình thường Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Kết quả khảo sát cho thấy các yếu tố từ phía bản thân bình thường tác giả đưa ra đều được các GVHT đánh giá ảnh hưởng ở mức trên 50%. Yếu tố được đánh giá ảnh hưởng nhiều nhất là yếu tố nhận thức của học sinh bình thường đến việc có bạn bị RLPTK học cùng với 75% cho rằng ảnh hưởng nhiều, 17.5% cho rằng ảnh hưởng ít à 7.5% cho rằng kông ảnh hưởng. Yếu tố bị tác động từ phụ huynh và những người khác cũng dược đánh giá cao với 65% GVHT đánh giá ảnh hưởng nhiều và ảnh hưởng ít là 30%, chỉ 5 % GVHT đánh giá không ảnh hưởng. Về tâm lý của học sinh bình thường cũng ảnh hưởng nhiều với 50% GVHT lựa chọn và 40% là ảnh hưởng ít và 10% là không ảnh hưởng.
Biểu đồ 2.16. Mức độ ảnh hưởng từ phía bản thân học sinh bình thường đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Hộp 2.5. Phỏng vấn sâu về yếu tố ảnh hưởng của học sinh bình thường đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
GVHT học sinh lớp 2b cho biết: “Do trẻ còn chưa hiểu được về tình trạng của bản thân, với lứa tuổi hồn nhiên vô tư, học sinh của tôi có thời gian cứ vô tư nói với mọi người, với bạn cùng học là “cậu ơi tớ bị tự kỷ đấy, cậu đừng có động vào tớ để tớ điên lên nhé”. Khi tôi quan sát và tìm hiểu ra thì lý do là từ vài học sinh lớp trên có em học ở dưới lớp 2 nên thường đến lớp chơi với các em và gọi học sinh mắc hội chứng RLPTK do tôi dạy là con tự kỷ và từ đó những học sinh khác cũng bắt chước nói theo vậy.
Tục ngữ có câu “Học thày không tày học bạn” điều đó đã được thể hiện qua thực tế của hiệu quả GDHN đối với học sinh RLPTK. Khi được học theo mô hình GDHN các em thuận lợi hơn trong việc giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ nhau dễ hơn người lớn giúp đỡ trẻ vì giữa trẻ có tiếng nói chung của độ tuổi. Chúng dùng ngôn từ của chúng, biểu đạt theo cách hiểu của chúng và không bị mặc cảm e ngại với nhau. Những điều đó giáo viên khó có thể đạt được. Qua việc giúp đỡ nhau, hướng dẫn giải thích cho bạn, bản thân các em học sinh cũng nâng cao kiến thức của mình. Tuy nhiên, trẻ RLPTK cũng bị tác động từ nhóm này rất lớn. Do vậy cần chú ý hài hòa giữa 2 nhóm học sinh và chú ý đến việc giáo dục cho nhóm trẻ bình thường trong lớp thái độ phù hợp khi trong lớp có những học sinh mắc hội chứng RLPTK.
2.3.4. Yếu tố từ gia đình học sinh bình thường
Biểu đồ 2.17. Mức độ ảnh hưởng từ phía gia đình học sinh bình thường đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Hộp 2.6. Phỏng vấn sâu về yếu tố ảnh hưởng từ phía gia đình học sinh bình thường đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
GVHT lớp 4 cho biết: “Phụ huynh các học sinh còn lại trong lớp nhiều phụ huynh thông cảm, nhưng nhiều phụ huynh phản đối kịch liệt vì không muốn cho con mình học cùng một đứa “dở hơi, thần kinh không ổn định”. Do vậy để giải thích, giải quyết vấn đề này các rất khóm các giáo viên và nhà trường cũng rất vất vả và đau đầu. Thậm chí nhiều phụ huynh, không hướng dẫn con cahcs chơi cho phù hợp với trẻ RLPTK mà lại luôn căn dặn con là tránh xa thằng dở hơi, con dở hơi đó ra kẻo chơi với nó bị lây”
Như vậy, không chỉ phụ huynh học sinh của trẻ RLPTK có tác động trực tiếp đến hoạt động GDHN mà phụ huynh của các học sinh bình thường cũng là đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp tới việc triển khai thực hiện các hoạt động GDHN của nhà trường. Hiện tượng phân biệt, kỳ thị của học sinh bình thường đối với học sinh RLPTK có thể có những ảnh hưởng tiêu cực tới đứa trẻ RLPTK rất dễ bị tổn thương và cần có sự chú ý chăm sóc, giáo dục đúng đắn cho không chỉ học sinh RLPTK mà cả học sinh bình thường. Do vậy cần có các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức để các bậc phụ huynh hiểu và thông cảm, chia sẻ, phối hợp, tạo điều kiện để thực hiện GDHN cho học sinh đạt kết quả tốt.
2.3.5. Yếu tố giáo viên Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Thực tế kiểm chứng qua khảo sát cho kết quả phản ánh đúng với những nhận định về yếu tố giáo viên tới GDHN cho trẻ mắc hội chứng RLPTK tại chương 1. Chính bản thân các GVHT đánh giá tầm ảnh hưởng của đội ngũ GVHT tới thực trạng GDHN cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa là ảnh hưởng nhiều. Cụ thể về đạo đức nghề nghiệp của GVHT đối với trẻ RLPTK và yếu tố kiến thức và kỹ năng làm việc với trẻ RLPTK đều được các GVHT nhận định giống nhau, có tới 87.5% GVHT cho rằng ảnh hưởng ở mức nhiều, chỉ 10 % cho rằng ảnh hưởng ít và chỉ 2.5% GVHT cho là không ảnh hưởng. 82.5% GVHT cho rằng GVHT có ảnh hưởng nhiều đến phương pháp giáo dục trẻ trong môi trường học hòa nhập, 15% GVHT cho rằng họ ảnh hưởng ít tới yếu tố này và 2.5% cho rằng không ảnh hưởng. 85% GVHT cho rằng GVHT nhận thức của GVHT về GDHN cho trẻ RLPTK ảnh hưởng nhiều tới thực trạng GDHN cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Bảng 2.6. Mức độ ảnh hưởng từ phía giáo viên hỗ trợ đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa. Đơn vị %
Thông qua kết quả phỏng vấn sâu các phụ huynh học sinh trẻ mắc hội chứng RLPTK đều cho thấy vai trò, sức mạnh, tầm ảnh hưởng to lớn của GVCN và GVHT tới sự thay đổi, phát triển của trẻ.
Hộp 2.7. Phỏng vấn sâu về yếu tố ảnh hưởng từ phía giáo viên chủ nhiệm đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
GVHT lớp 5 cho biết: “Nhiều GVCN hiểu và thông cảm tạo điều kiện cho thì cô trò học hòa nhập cũng thuận lợi hơn. Nhiều GVCN cũng hay phàn nàn về việc trẻ RLPTK hay có các hành vi, biểu hiện bất hợp tác trong lớp học, thậm chí gây rối lớp học làm ảnh hưởng sự tập trung học tập của trẻ khác, ảnh hưởng đến kết quả học tập, giảng dạy của lớp. Do vậy, cũng có GVCN vì chính sách của nhà trường nên thực hiện chứ cũng không muốn lớp có trẻ RLPTK.”
GVCN lớp 3 cho biết: “ Giáo viên hỗ trợ chúng mình cũng được học được đào tạo về GDHN, đầu năm học nào cũng họp, giao ban tập huấn lập kế hoạch năm, cũng đưa vấn đề GDHN vào sôi nổi lắm, thi thoảng cũng được tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhưng không nhiều, thi thoảng các tổ chức bên ngoài có tổ chức đào tạo chúng mình cũng rủ nhau đi học thêm nhưng cũng không nhiều. Theo lịch hàng tuần, hàng tháng chúng mình phải sinh hoạt với nhau trao đổi rút kinh nghiệm thường xuyên đấy nhưng GVHT cũng bận quá nên không thường xuyên được. Rất mong nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp học tập huấn nâng cao trình độ cho các GVHT, và cũng cân đối các hoạt động chung để đội ngũ GVCN và GVHT được trao đổi, giao lưu hiểu nhau hơn để phối hợp thực hiện được trơn tru hơn.
Do vậy, bằng các phương pháp tích cực chủ động nào đó, đội ngũ GVHT cần được quan tâm, đào tạo chuyên môn bài bản để can thiệp, hỗ trợ trẻ tốt nhất. Và GVCN cũng cần được truyền thông, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm công tác giảng dạy phù hợp với mô hình GDHN của nhà trường. Để GVCN hiểu, thông cảm và phối hợp với các cấp quản lý, các GVHT và phụ huynh học sinh hỗ trợ giáo dục học sinh nói chung và trẻ RLPTK nói riêng tốt nhất.
2.3.6. Yếu tố nhà trường Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Biểu đồ 2.18. Mức độ ảnh hưởng từ phía cán bộ quản lý nhà trường đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa.
Trong các yếu tố ảnh hưởng từ phía cán bộ quản lý nhà trường đến thực trạng giáo dục hòa nhập cho trẻ tại trường Tiểu học Trung Hòa, yếu tố vai trò đảm bảo quyền được đến trường, thực hiện sự công bằng cho trẻ RLPTK là ảnh hưởng lớn nhất với 95% GVHT đánh giá là ảnh hưởng nhiều, chỉ 0,5% đánh giá là ảnh hưởng ít.
Tiếp đó là yếu tố tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn bộ phụ huynh, giáo viên, công nhân viên và học sinh khác trong nhà trường về việc trẻ RLPTK học hòa nhập tại trường với 90% GVHT đánh giá là ảnh hưởng nhiều, chỉ 7.5% GVHT cho rằng ảnh hưởng it và 2.5% GVHT cho là không ảnh hưởng
Yếu tố thực hiện một số quyền lợi cho trẻ RLPTK: miễn giảm học phí, học phí tiếng anh….cũng được đánh giá ở mức ảnh hưởng nhiều cao là 82.5%, 17.5% GVHT đánh giá là ít ảnh hưởng.
Công tác đánh giá khách quan về khả năng học hòa nhập của trẻ RLPTK và nhận thức của cán bộ quản lý về trẻ RLPTK hiện nay cũng được đánh giá là quan trọng và ảnh hưởng nhiều.
Nhìn chung, nhà trường là cấp quản lý, sức ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống học tập giáo dục nói chung và GDHN nói riêng. Thực tế đã chứng minh sự phối hợp giữa trường Tiểu học Trung Hòa và Trường mầm non New Stars – trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ RLPTK là khá tốt và có kết quả tốt. Việc này biểu hiện qua rất nhiều các chính sách mà trẻ RLPTK tại trường Tiểu học Trung Hòa đã được hưởng: miễn giảm học phí học tiếng anh, học ngoại khóa, học kỹ năng…và cả qua kết quả của sự thay đổi, tiến bộ của trẻ RLPTK tại đây.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Tại chương 2, tác giả đã đưa ra bức tranh khái quát về thực trạng GDHN với trẻ mắc hội chứng RLPTK tại trường Tiểu học Trung Hòa, các hoạt động về GDHN cho trẻ RLPTK: trang bị kiến thức, kỹ năng, tham vấn và hỗ trợ tiếp cận các chính sách, nguồn hỗ trợ; và thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến GDHN cho trẻ mắc hội chứng RLPTK. Thực hiện công tác GDHN trẻ RLPTK có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, phần lớn các gia đình có học sinh RLPTK đều nỗ lực đưa con em đến trường học hòa nhập, đến trường các em được đối xử công bằng và nhà trường tạo điều kiện cho các em học tập, phục hồi chức năng và sớm hòa nhập với bạn bè trong lớp, trong trường, lớp. Qua đó, các em dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, mặc cảm về bản thân. Nhìn chung, các hoạt động này đều đã được triển khai, thực hiện và có hiệu quả theo xu hướng tích cực, ngày một hiệu quả hơn. Các hoạt động dịch vụ của GDHN còn chưa đa dạng, các dịch vụ được cung cấp mới chỉ đáp ứng được một phần đặc điểm của trẻ RLPTK và nhu cầu của gia đình có trẻ mắc hội chứng RLPTK. Mặc dù, đa phần đội ngũ GVHT đã được đào tạo về GDHN, tuy nhiên tỷ lệ làm trái ngành trái nghề không phải xuất phát từ chuyên môn giáo dục tiểu học hay công tác xã hội, giáo dục đặc biệt nên tỷ lệ làm việc theo trực giác, thiếu hiểu biết về những kỹ năng cần thiết trong công tác xã hội còn hạn chế. Mặt khác, nhận thức của phụ huynh, gia đình còn hạn chế, các hoạt động hỗ trợ cho phụ huynh học sinh còn nghèo nàn. Việc trẻ có được tham gia học tập đầy đủ tại trường Tiểu học Trung Hòa hay không, được can thiệp kịp thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Bản thân, gia đình trẻ RLPTK, các học sinh bình thường và phụ huynh học sinh bình thường cùng học tại trường, các GVHT, GVCN, cán bộ nhà trường…Những bất cập này, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tăng cường và phát triển hoạt động của mô hình GDHN. Luận văn: Thực trạng hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY