Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết hay nhất năm 2023 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Các yếu tố quản trị công ty tác động đến giá trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết trên Sàn chứng khoán TP.HCM dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do hình thành đề tài

Quản trị công ty (QTCT) đã được biết đến như một thuật ngữ quen thuộc và ngày càng trở nên thông dụng cũng như được quan tâm tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Các Nguyên tắc Quản trị Công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh Tế (OECD-Organization for Economic Cooperation and Development) năm 1999, “QTCT là những biện pháp nội bộ để điều hành và kiểm soát công ty, liên quan tới các mối quan hệ giữa Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và các cổ đông của một công ty với các bên có quyền lợi liên quan. QTCT cũng tạo ra một cơ cấu để đề ra các mục tiêu của công ty và xác định các phương tiện để đạt được những mục tiêu đó, cũng như để giám sát kết quả hoạt động của công ty. QTCT chỉ được cho là có hiệu quả khi khích lệ được Ban Giám đốc và Hội đồng quản trị theo đuổi các mục tiêu vì lợi ích của công ty và của các cổ đông, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hoạt động của công ty một cách hiệu quả, từ đó khuyến khích công ty sử dụng các nguồn lực một cách tốt hơn”.

QTCT tốt đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa trong các mối quan hệ giữa Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan trong doanh nghiệp, từ đó góp phần đưa doanh nghiệp phát triển theo một định hướng đúng đắn, nhất quán và bền vững. QTCT tốt sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận với các nguồn vốn bên ngoài, góp phần tích cực vào việc gia tăng giá trị doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư và phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế (Nguyễn Trường Sơn, 2010; IFC và UBCKNN, 2010).

Như đã trình bày ở trên, vai trò quan trọng của QTCT đã thu hút được nhiều sự quan tâm thể hiện ở số lượng các nghiên cứu trên thế giới ngày càng tăng lên trong thời gian qua. Các nghiên cứu cho thấy thực tiễn QTCT tốt giúp thúc đẩy giá trị kinh tế gia tăng của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động có năng suất cao hơn và giảm rủi ro tài chính hệ thống cho các quốc gia (IFC và UBCKNN, 2006).

Tại Việt Nam, khuôn khổ luật pháp về QTCT tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các công ty niêm yết, vẫn đang ở trong những giai đoạn đầu phát triển và đưa vào áp dụng. Vào năm 2007, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế QTCT áp dụng mang tính bắt buộc đối với các công ty niêm yết (IFC và UBCKNN, 2010). Đến năm 2012,

Thông tư 121/2012/TT-BTC về QTCT áp dụng cho các công ty đại chúng đã được Bộ Tài Chính ban hành. Điều này cho thấy nỗ lực của các nhà xây dựng pháp luật trong việc cũng cố cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác QTCT ở Việt Nam.

Mặc dù đã có những chuyển biến đáng kể trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật về QTCT, nhưng việc tuân thủ về QTCT cũng như áp dụng các thông lệ tốt trong QTCT của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự được quan tâm. Một vấn đề nữa là mặc dù thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu. Trong đó, một trong những nguyên nhân là nằm ở năng lực quản trị, đặc biệt là năng lực QTCT còn hết sức hạn chế. Thêm vào đó, theo đánh giá của IFC và UBCKNN (2012), các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có xu hướng thực hiện QTCT nhằm tuân thủ các quy định của luật pháp, mang tính hình thức chứ không phải là áp dụng các kinh nghiệm quốc tế và các thông lệ tốt nhất trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả công tác QTCT của doanh nghiệp mình với mục đích phát huy tác dụng của nó nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp và phát triển bền vững.

Xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết trên, tôi xin đi vào nghiên cứu “Các yếu tố quản trị công ty tác động đến giá trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:

===>>>  Dịch Vụ Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ Kế Toán

2. Mục tiêu nghiên cứu Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Mục tiêu chung: Nghiên cứu các yếu tố quản trị công ty tác động đến giá trị doanh nghiệp của các công ty được niêm yết trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu cụ thể:

  • Xác định các yếu tố quản trị công ty tác động đến giá trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết tại TP. HCM.
  • Xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố quản trị công ty đến giá trị doanh nghiệp các công ty niêm yết TP. HCM.

3. Câu hỏi nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau:

  • Các yếu tố nào của quản trị công ty ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán TP. HCM?
  • Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố quản trị công ty đến giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Tp.HCM?
  • Các giải pháp nào nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán TP. HCM thông qua các yếu tố quản trị công ty?

4. Đối tượng, phạm vi và thời gian nghiên cứu Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Đối tượng nghiên cứu

Các yếu tố của quản trị công ty tác động đến giá trị công ty của các công ty niêm yết TP. HCM.

  • Phạm vi nghiên cứu
  • Về thời gian: Số liệu khảo sát từ 2011 – 2015
  • Về không gian: các công ty cổ phần niêm yết trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng phương pháp luận nghiên cứu định lượng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố quản trị công ty đến giá trị doanh nghiệp của các công ty được niêm yết trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Dựa trên các công trình nghiên cứu trước đây, tác giả đã tổng hợp, xây dựng lại mô hình nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam cũng như phù hợp với điều kiện của nghiên cứu này.

Các kiểm định mô hình nghiên cứu đã đề ra bao gồm các công việc như chọn mẫu, lọc dữ liệu và phân tích dữ liệu. Nguồn tài liệu chủ yếu là dữ liệu thứ cấp do tác giả thu thập dựa vào các báo cáo thường niên của các công ty niêm yết đã được công bố. Cùng với sự hỗ trợ của các phần mềm như SPSS, Microsoft Excel để thống kê, kiểm tra mối quan hệ giữa quản trị công ty và chính sách cổ tức của các công ty niêm yết

6. Ý nghĩa khoa học của đề tài Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Tổng kết các lý thuyết về quản trị công ty, giá trị doanh nghiệp trong nước và trên thế giới.

Định lượng được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố quản trị công ty đến giá trị doanh nghiệp công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM.

Đánh giá tác động của quản trị công ty đối với giá trị doanh nghiệp công ty và đưa ra những giải pháp từ quản trị công ty nhằm nâng cao giá trị công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM.

7. Kết cấu của đề tài nghiên cứu

Luận văn bao gồm 5 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu

Chương 2: Cơ sở lý luận

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu

Chương 4: Kết quả nghiên cứu

Chương 5: Kết luận và kiến nghị

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Chương này trình bày các nghiên cứu có liên quan đến đề tài đã được thực hiện trên Thế giới và Việt Nam từ đó đưa ra những nhận xét và hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài.

1.1. Đề tài nghiên cứu nước ngoài Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Theo nhiều nghiên cứu trước đây, QTCT là một yếu tố có vai trò quyết định trong việc tác động đến giá trị doanh nghiệp như:

Gompers et al. (2003), xây dựng chỉ số quản trị (G-Index) để đại diện cho quyền cổ đông của 1.500 công ty lớn giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ trong những năm 1990. Dựa trên chỉ số này, Gompers et al phân loại các doanh nghiệp trong mẫu thành hai danh mục đầu tư riêng biệt, các doanh nghiệp với quyền cổ đông mạnh nhất và các doanh nghiệp với quyền cổ đông yếu nhất. Một chiến lược đầu tư mua các côngty với quyền cổ đông mạnh nhất và bán các công ty với quyền cổ đông yếu nhất đã kiếm được lợi nhuận bất thường là 8,5%/năm trong thời gian nghiên cứu. Gompers et al cũng tìm thấy quản trị công ty tốt sẽ làm gia tăng giá trị doanh nghiệp được đo bằng Tobin Q.

Drobetz et al. (2003), xây dựng chỉ số quản trị (CGR) cho các công ty công chúng Đức. Drobetz et al cho thấy có mối quan hệ cùng chiều giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Drobetz et al còn cho thấy lợi nhuận cổ phiếu (Stock returns) tương quan âm với quản trị công ty nếu tỷ lệ chi trả cổ tức (Dividend yields) được sử dụng tương đương chi phí vốn (Cost of capital). Một chiến lược đầu tư mua các công ty có chỉ số CGR cao và bán các công ty có chỉ số CGR thấp thu được lợi nhuận bất thường (Abnormal returns) khoảng 12%/năm trong khoảng thời gian nghiên cứu.

Nam và Nam (2004), cho rằng QTCT đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động lên giá trị doanh nghiệp tại các thị trường tài chính. Erickson và cộng sự (2005) cũng ủng hộ quan điểm này và cho rằng thực tiễn QTCT tốt có thể làm gia tăng giá trị công ty ở các nước có cơ cấu sở hữu tập trung cao ngay cả khi ở đó có chính sách bảo vệ cổ đông thiểu số tốt.

Klapper và Love (2004) khi thực hiện nghiên cứu trên dữ liệu về QTCT tại thị trường mới nổi đã đưa ra kết luận rằng QTCT tốt hơn thực sự mang lại thành quả tốt hơn cho doanh nghiệp và đưa đến việc công ty được định giá cao hơn trên thị trường. Klapper và Love (2004) cũng cho thấy các quy chế QTCT ở cấp độ công ty lại càng trở nên quan trọng hơn ở các nước có môi trường pháp lý yếu.

QTCT có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông và các bên liên quan trong một thị trường. Những người tham gia vào QTCT có tác động lên giá trị cổ đông bao gồm những nhân tố trong nội bộ công ty (nhà quản lý, nhân viên, khách hàng, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT, nhà cung cấp và ban HĐQT và các nhân tố bên ngoài (cổ đông lớn, cơ quan quản lý và tư pháp) (Morin và Jarrell, 2001)

Brown và Caylor (2006), xây dựng chỉ số quản trị (Gov-Score) dựa trên 51 yếu tố được lấy từ dữ liệu của ISS (Institutional Shareholder Services) năm 2002. Brown và Caylor kiểm tra mối quan hệ giữa chỉ số Gov-Score và giá trị doanh nghiệp (đo bằng Tobin Q). Kết quả cho thấy rằng chỉ số Gov-Score có mối quan hệ mạnh mẽ hơn với giá trị doanh nghiệp so với chỉ số G-Index được xây dựng bởi Gompers et al. (2003).

Aggarwal et al. (2007), sử dụng dữ liệu của ISS (Institutional Shareholder Services) năm 2005 để so sánh hoạt động quản trị các công ty nước ngoài với hoạt động quản trị của các công ty Mỹ. Aggarwal et al phát hiện ra rằng các công ty nước ngoài có tình hình quản trị công ty kém hơn so với các công ty Mỹ. Aggarwal et al kiểm tra mối quan hệ giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp (được đo bởi Tobin Q). Kết quả cho thấy quản trị doanh nghiệp của các công ty nước ngoài và công ty Mỹ có mối quan hệ cùng chiều với giá trị doanh nghiệp.

Theo Rashid và Islam (2008), trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa QTCT và giá trị của một doanh nghiệp trong các thị trường tài chính mới nổi (Malaysia) và phát triển (Australia) cho thấy rằng có mối quan hệ cùng chiều giữa QTCT và giá trị doanh nghiệp tại các thị trường tài chính này, mặc dù bản chất của các mối quan hệ này là khác nhau giữa Malaysia và Australia do sự tồn tại của các điểm đặc thù của các thị trường này. Tiếp theo, trong nghiên cứu của mình về tác động của QTCT đến giá trị của một công ty trong một thị trường tài chính đang phát triển với sự tồn tại của các yếu tố bất hoàn hảo trong thị trường này, cụ thể là Malaysia, Rashid và Islam (2013) cho thấy rằng QTCT tốt có mối tương quan cùng chiều với giá trị công ty.

Lee và Zhang (2010), khảo sát ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu và quản trị công ty lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường vốn Trung Quốc từ năm 2004- 2007. Đầu tiên, Lee và Zhang phân tích tác động của cấu trúc sở hữu và quản trị công ty lên giá trị doanh nghiệp. Thứ hai, Lee và Zhang xem xét hiệu quả hoạt động củadoanh nghiệp tác động đến cấu trúc sở hữu và quản trị công ty. Kết quả cho thấy các yếu tố của cấu trúc sở hữu như sở hữu nhà nước (State ownerships), sở hữu cổ đông lớn nhất (Largest shareholder ownership), sở hữu quản lý (Managerial ownership) có mối quan hệ ngược chiều với giá trị doanh nghiệp; Thành viên hội đồng quản trị và sở hữu thể chế (Institutional ownerships) có mối quan hệ cùng chiều với giá trị doanh nghiệp.

Cheng và Tzeng (2011), xem xét ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính lên giá trị doanh nghiệp của 645 công ty niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Đài Loan từ năm 2000-2009. Kết quả thực nghiệm cho thấy như sau: Thứ nhất, giá trị doanh nghiệp của công ty sử dụng đòn bẩy lớn hơn công ty không sử dụng đòn bẩy nếu Cheng và Tzeng không xem xét tới khả năng phá sản. Thứ hai, nếu Cheng và Tzeng xem xét đồng thời lợi nhuận và chi phí nợ thì đòn bẩy tài chính có ảnh hưởng lớn đến giá trị doanh nghiệp trước khi đạt đến cấu trúc vốn tối ưu (Optimal capital structure). Thứ ba, đòn bẩy tài chính càng ảnh hưởng hơn lên giá trị doanh nghiệp khi công ty có tình hình tài chính tốt hơn. Phát hiện này cung cấp thêm thông tin cho quyết định của các công ty sử dụng đòn bẩy tài chính để tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.

Connelly et al. (2012), xem xét mối quan hệ giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp của các công ty Thái Lan (thường có cấu trúc sở hữu phức tạp). Connelly et al sử dụng mẫu là tất cả các công ty công nghiệp niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Thái Lan năm 2005. Connelly et al sử dụng chỉ số quản trị công ty và các biến như sở hữu gia đình, đặc tính hội đồng quản trị và đặc tính công ty để đánh giá toàn diện về tình hình thực hiện hoạt động quản trị của các công ty Thái Lan. Chỉ số quản trị này được xây dựng dựa trên năm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2004): quyền cổ đông, đối xử bình đẳng với cổ đông, vai trò của các bên liên quan, minh bạch và công bố thông tin, trách nhiệm của Hội đồng quản trị. Kết quả của bài nghiên cứu cho thấy quản trị công ty có mối tương quan với giá trị doanh nghiệp.

1.2. Đề tài nghiên cứu trong nước Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Lê Thị Thanh Thúy (2013), “Mối quan hệ giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp – Nghiên cứu thực nghiệm ở thị trường chứng khoán Việt Nam”. Đề tài này được thực hiện nhằm kiểm định mối quan hệ giữa quản trị công ty (QTCT) và giá trị doanh nghiệp tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Đề tài được thực hiện trên mẫu gồm 645 quan sát của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) trong năm 2008-2012, tác giả tìm thấy rằng biến cơ cấu sở hữu tập trung có mối tương quan ngược chiều có ý nghĩa thống kê với giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, tác giả không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa hai biến kiêm nhiệm của Tổng Giám đốc và Chủ tịch hội động quản trị (HĐQT) và quy mô HĐQT với giá trị doanh nghiệp ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả thực nghiệm từ mô hình hồi quy cũng cho thấy có mối quan hệ cùng chiều có ý nghĩa thống kê giữa tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản, tỷ lệ giá trị thị trường trên giá trị sổ sách cũng như giá trị vốn hóa thị trường và giá trị doanh nghiệp, hàm ý rằng các biến này có tác động cùng chiều lên giá trị của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bùi Thị Kim Hiệp (2013), “Mối quan hệ giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp – bằng chứng ở Việt Nam”.Mục tiêu của bài nghiên cứu này là để kiểm tra mối tương quan giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam. Tác giả sử dụng chỉ số quản trị công ty và các biến như số lượng thành viên Hội đồng quản trị, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông lớn và đặc tính công ty để đánh giá một cách toàn diện về tình hình thực hiện quản trị của 100 công ty niêm yết trên HNX và HOSE năm 2011. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba nhân tố tác động đến giá trị doanh nghiệp (Q) là chỉ số quản trị công ty (CGI), quy mô công ty (SIZE), lợi nhuận (ROA) ở mô hình 3 và mô hình 4, còn các biến số lượng thành viên Hội đồng quản trị (BSIZE), tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông lớn (LS), tuổi của công ty (AGE), chi phí vốn (CAPEX), đòn bẩy tài chính (LEV), biến giả xem xétmột công ty có bị nắm quyền kiểm soát hay không (WEDGE) không có mối tương quan với giá trị doanh nghiệp (Q) ở cả 4 mô hình.

Nguyễn Minh Hằng (2013), “Quản trị công ty và chính sách cổ tức ở Việt Nam”. Kết quả của bài nghiên cứu đã khẳng định quản trị công ty là một nhân tố quan trọng trong việc giải thích chính sách cổ tức của doanh nghiệp Việt Nam. Để đo lường mức độ thực hành quản trị công ty, tác giả đã sử dụng Chỉ số Minh Bạch và Công khai (TDI) cho 100 công ty niêm yết trên HSX. Kết quả, đúng như kỳ vọng, đã cho thấy sự tương quan thuận chiều đáng kể giữa chỉ số TDI và tỷ lệ chi trả cổ tức. Điều đó cũng hàm ý rằng quản trị công ty yếu kém (thể hiện quyền lợi của cổ đông không được bảo vệ tốt) sẽ dẫn đến mức cổ tức thấp. Hay nói cách khác, quản trị công ty đã phản ánh quyền hạn của các cổ đông của doanh nghiệp trong việc quyết định cổ tức được chi trả. Điều này đã củng cố thêm lý thuyết đại diện cho rằng chính sách cổ tức có thể làm dịu bớt mâu thuẫn trong lý thuyết đại diện. Đây cũng là lần đầu tiên lý thuyết này được khẳng định bằng một nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam.nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy quan hệ thuận chiều giữa quản trị công ty và chính sách cổ tức. Nghĩa là khi cổ đông có nhiều quyền hơn, họ sẽ sử dụng quyền lực này nhằm tác động đến chính sách cổ tức của doanh nghiệp và trong trường hợp của Việt Nam thì các nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng ưa chuộng cổ tức tiền mặt cao. Đây là một nhân tố đáng quan tâm cho doanh nghiệp khi xây dựng một chính sách cổ tức nhằm thu hút nhà đầu tư, đồng thời là gợi ý cho các nhà đầu tư khi đánh giá và quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Điều này cũng cho thấy quản trị công ty đang ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng và cần được hoàn thiện tốt hơn trong tương lai.

Trần Thế Quỳnh (2013), “Quản trị doanh nghiệp và chính sách cổ tức: bằng chứng tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.Luận văn kế thừa các lý thuyết và mô hình trước đó ở các quốc gia khác để kiểm định việc giữa lý thuyết thay thế và lý thuyết kết quả, lý thuyết nào phù hợp hơn để giải thích về tác động của một số các nhân tố thuộc về quản trị doanh nghiệp (quy mô HĐQT, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập, kiêm nhiệm của CEO và tỷ lệ sở hữu cổ phần của CEO) đến chính sách cổ tức của 69 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2012. Tác giả rút ra các kết luận chính như sau:

  • Luận văn tìm được bằng chứng chắc chắn về việc lý thuyết thay thế giải thích tốt hơn về mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và chính sách cổ tức. Theo đó, công ty có quản trị doanh nghiệp yếu kém sẽ chi trả cổ tức nhiều hơn.
  • Luận văn thấy rằng công ty quy mô HĐQT lớn, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập ít và tỷ lệ sở hữu cổ phần của CEO cao sẽ có xu hướng chi trả cổ tức nhiều hơn các doanh nghiệp còn lại. Riêng việc CEO có kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT hay không lại không có tác động đến chính sách cổ tức của doanh nghiệp. Bằng chứng này của luận văn đóng góp một phần nhỏ trong việc ủng hộ quan điểm: ở các quốc gia có hệ thống luật dân sự (civil law) như Việt Nam, khi mà quyền lợi cổ đông thiểu số thường không được bảo vệ cao như các quốc gia theo hệ thống luật thông lệ (common law), niềm tin của cổ đông rất có giá trị. Trong quốc gia theo hệ thống luật dân sự, công ty nào có hệ thống quản trị doanh nghiệp yếu kém sẽ càng có động lực trả cổ tức cao nhằm gây dựng “danh tiếng” với cổ đông, giúp cho việc huy động vốn sau này của công ty được thuận lợi.
  • Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các nhân tố liên quan đến quản trị doanh nghiệp như trên, chính sách cổ tức của các doanh nghiệp trong mẫu còn chịu tác động

1.3. Nhận xét về các công trình nghiên cứu Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Sau khi tìm hiểu những công trình nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước liên quan tương đối đến đề tài của luận văn, tác giả có một số nhận xét cơ bản như sau:

Việt Nam, do nguyên tắc QTCT chỉ mới được đưa vào áp dụng trong thời gian gần đây nên cũng chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này được thực hiện ở thị trường Việt Nam. Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện chỉ là các nghiên cứu khảo sát tác động của cấu trúc QTCT hoặc thẻ điểm QTCT lên thành quả công ty. Do đó, trong phần này, tác giả sẽ trình bày tóm tắt kết quả các khảo sát cũng như thực tiễn liên quan đến QTCT được thực hiện tại Việt Nam trong thời gian qua.

Trong báo cáo đánh giá về công tác QTCT tại Việt Nam được tiến hành vào năm 2006 của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ chương trình Đánh giá Tình hình Tuân thủ các Chuẩn mực và Nguyên tắc trong QTCT cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến mới quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ QTCT (IFC và UBCKNN, 2006). Báo cáo này chỉ ra một số vấn đề quan trọng của khuôn khổ QTCT tại Việt Nam như khu vực doanh nghiệp vẫn còn mang nhiều tính chất phi chính thức, trong đó thị trường chứng khoán không chính thức đang còn lớn hơn nhiều so với thị trường chính thức, và nhà nước vẫn duy trì việc nắm giữ một tỷ lệ đáng kể trong các doanh nghiệp cổ phần hóa (IFC và UBCKNN, 2006). Hơn nữa, năng lực và nguồn lực của các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, cưỡng chế thực thi và phát triển thị trường còn hạn chế. Điều này dẫn đến một số hậu quả xấu như: chưa có chính sách bảo vệ đầy đủ cho nhà đầu tư, chưa tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kế toán, và còn nhiều hạn chế trong việc công bố các thông tin có chất lượng (IFC và UBCKNN, 2006). Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết

Trong các năm 2010-2012, UBCKNN phối hợp với IFC thực hiện khảo sát thẻ điểm ở 100 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường trên hai sàn HOSE và HNX với các nội dung đánh giá trong thẻ điểm được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế đã đề ra trong Nguyên tắc OECD về QTCT bao gồm năm lĩnh vực chính gồm Lĩnh vực A- Quyền cổ đông, Lĩnh vực B- Đối xử bình đẳng với cổ đông, Lĩnh vực C- Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan, Lĩnh vực D- Minh bạch và công bố thông tin và Lĩnh vực E- Trách nhiệm của HĐQT. Thông qua khảo sát thẻ điểm cho 100 công ty được niêm yết trên hai sàn HOSE (bao gồm 80 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE) và 20 doanh nghiệp niêm yết sàn HNX, các công ty này đại diện cho 80% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường dựa trên dữ liệu năm 2011, báo cáo thẻ điểm QTCT năm 2012 cho thấy toàn bộ điểm số QTCT của các công ty được khảo sát đều ở dưới mức 60% và điểm bình quân đã giảm 2,2 điểm phần trăm xuống còn 42,5% so với năm trước đó. Trong khi đó, các báo cáo thẻ điểm QTCT khác ở châu Á có nội dung tương tự cho kết quả cao hơn như Thái Lan 77% năm 2011, Hồng Kông đạt 74% năm 2009 và Philipin đạt 72% năm 2008 (IFC và UBCKNN, 2012).

Kết quả cho thấy điểm số về QTCT của 100 công ty niêm yết đều giảm ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực thấp điểm nhất là lĩnh vực C – Vai trò của các bên liên quan (giảm 6,7% so với năm 2010). Lĩnh vực cao điểm nhất là lĩnh vực B – Đối xử bình đẳng với cổ đông (đạt 57,8%) nhưng vẫn giảm 2,2% so với năm 2010. Về lĩnh vực E – Trách nhiệm của Hội đồng quản trị, có trường hợp công ty chỉ đạt 9,7% trong khi điểm trung bình của 100 công ty là 35,9%, công ty cao nhất đạt 54,8% (IFC và UBCKNN, 2012).

Như vậy, qua 3 năm đánh giá, báo cáo về thẻ điểm QTCT không ghi nhận sự tiến bộ đáng kể nào của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Thậm chí, tình hình vi phạm tại các doanh nghiệp niêm yết và việc cổ đông thiểu số bị xâm phạm quyền lợi còn gia tăng. QTCT ở Việt Nam vẫn chỉ tồn tại trên luật lệ nhiều hơn là trong áp dụng, triển khai, và nhà đầu tư đang đứng trước thực tế là đầu tư trong một môi trường như vậy có khả năng sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro. Kết quả chung về QTCT của các công ty cho thấy hiệu quả của các nỗ lực triển khai thực tiễn QTCT tốt đã sụt giảm.

Có thể nói việc đưa vào áp dụng các nguyên tắc QTCT tại Việt Nam được cho là khá muộn so với các nước khác trên thế giới. Nguyên tắc của OECD về QTCT bắt đầu được công bố công khai tại Việt Nam vào năm 2004. Tiếp theo, “Cẩm nang QTCT tại Việt Nam” do IFC và UBCKNN phối hợp xuất bản đã được chính thức công bố vào năm 2010. Cẩm nang QTCT tại Việt Nam ra đời nhằm cung cấp những kiến thức đầy đủ và cập nhật về cả lý luận và thực tiễn điển hình được đúc rút từ kinh nghiệm khu vực và quốc tế giúp cho các công ty đại chúng có định hướng, nâng cao hiểu biết và cải thiện tình hình QTCT của mình (IFC và UBCKNN, 2010). Năm 2007, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế QTCT áp dụng mang tính bắt buộc đối với các công ty niêm yết. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, cho đến nay việc tuân thủ Quy chế QTCT vẫn còn thấp và cần phải tiếp tục được cải thiện. Điều này là do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có những nguyên nhân bắt nguồn từ các đặc điểm đặc trưng của các công ty Việt Nam như thực tiễn là tuy các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và chuyển đổi thành công ty cổ phần nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn chiếm đa số, cơ cấu sở hữu tập trung vẫn đang chiếm ưu thế, tồn tại nhiều yếu kém trong cơ cấu kiểm soát, tình trạng quyền lợi của cổ đông thiểu số bị xâm hại quyền lợi còn tồn tại nhiều và có xu hướng gia tăng, cơ chế chính sách bảo vệ cổ đông thiểu số còn nhiều hạn chế, cơ cấu phân cấp chồng chéo và chất lượng công khai minh bạch thông tin của doanh nghiệp còn kém,…v.v. (IFC và UBCKNN, 2010 và Nguyễn Trường Sơn, 2010). Một vấn đề nữa là việc thiếu kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong lĩnh vực QTCT của Ban giám sát, HĐQT, Ban Giám đốc, Thư ký công ty cũng là một trở lực lớn cho việc áp dụng có hiệu quả QTCT tại Việt Nam (IFC và UBCKNN, 2010).

Các nghiên cứu được thực hiện tại các thị trường phát triển và đang phát triển đưa ra những quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa các yếu tố QTCT và giá trị doanh nghiệp. Trong phần này, tác giả trình bày các nghiên cứu khác nhau trên thếgiới về mối quan hệ giữa QTCT bao gồm vai trò các yếu tố cơ cấu sở hữu tập trung (shareholder concentration/ majority shareholders), quy mô HĐQT (board size) và sự kiêm nhiệm của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc (Duality) trong việc tác động lên giá trị của công ty.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy chỉ có ba nhân tố tác động đến giá trị doanh nghiệp. Nguyên nhân là do tác giả chọn mẫu là 100 công ty đang niêm yết trên Thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu xét quy mô các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì kích thước mẫu khá nhỏ. Tính minh bạch thông tin chưa được thực hiện triệt để và đây cũng là hạn chế thông tin về mẫu được chọn đưa vào nghiên cứu. Ngoài ra, các biến xem xét chủ yếu là các biến số thuộc nội tại của doanh nghiệp mà chưa xem xét đến các biến số môi trường bên ngoài doanh nghiệp. Những hạn chế vừa nêu là hướng phân tích cho các nghiên cứu tiếp theo (Bùi Thị Kim Hiệp, 2013).

Luận văn còn một số hạn chế như mẫu nghiên cứu có quy mô nhỏ, chưa đo lường nhiều đặc điểm khác của quản trị doanh nghiệp tác động đến chính sách cổ tức như thế nào. Với một dữ liệu nghiên cứu đủ lớn cũng như một chỉ số đo lường quản trị doanh nghiệp đầy đủ hơn thì mô hình nghiên cứu hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả thú vị (Trần Thế Quỳnh, 2013).

Mối quan hệ giữa quản trị công trị và giá trị công ty chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, có quá ít công trình nghiên cứu nhất là ở Việt Nam.

Trên quan điểm kế thừa và tiếp tục phát triển những công trình nghiên cứu trước đây, tác giả đã nghiên cứu theo hướng định lượng đề tài: “Các yếu tố quản trị công ty tác động đến giá trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM” nhằm đề xuất các giải pháp từ quản trị công ty nhằm nâng cao giá trị công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Thông qua, bức tranh tổng thể về các nghiên cứu khác nhau trong nước cũng như ngoài nước có liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến những nội dung của luận văn mà tác giả thực hiện.Từ đó giúp tác giả nhận thấy khoảng trống cần nghiên cứu và làm nền tảng thực hiện các bước tiếp theo của luận văn.

Việc tổng hợp và đánh giá các công trình nghiên cứu được tác giả trình bày theo hai phần lần lượt trong nước và ngoài nước trên cơ sở chọn lọc các công trình tiêu biểu đã công bố có liên quan đến nội dung của luận văn. Qua những nội dung đã trình bày trong chương này cho thấy mối quan hệ giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết là vấn đề mới và cần thiết cho hướng nghiên cứu của luận văn.

Chương 2 sẽ tiếp tục trình bày về cơ sở lý thuyết của nghiên cứu này. Luận văn: Quản trị tác động đến GTDN của các Cty niêm yết 

XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY    

===>>> Luận văn: Tổng quan về quản trị của các Công ty niên yết

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x