Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Ảnh hưởng của thận trọng kế toán có điều kiện đến giá trị thích hợp của thông tin trên báo cáo tài chính – Bằng chứng thực nghiệm đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.

2.1. Các khái niệm có liên quan

2.1.1. Giá trị thích hợp của thông tin kế toán (value relevance)

2.1.1.1. Định nghĩa

Mục đích của báo cáo tài chính là cung cấp thông tin tài chính về doanh nghiệp, các thông tin này là hữu ích đối với nhà đầu tư, người cho vay và các chủ nợ khác (hiện tại và tiềm tàng) trong việc đưa ra quyết định về vấn đề cung cấp nguồn lực cho đơn vị (Đoạn OB2 – Khuôn mẫu lý thuyết kế toán theo quan điểm của dự án hội tụ chuẩn mực kế toán Hoa Kỳ và quốc tế, 2010). Để có thể cung cấp các thông tin hữu ích đối với người sử dụng, báo cáo tài chính cần phải thỏa mãn các đặc điểm chất lượng (Vũ Hữu Đức, 2010). Mặt khác, thông tin kế toán có chất lượng là điều kiện tiên quyết để thị trường vốn hoạt động hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của nhà đầu tư, công ty và các tổ chức lập quy (Hellström, 2006).

Tính thích hợp (relevance) của thông tin kế toán là một trong những tiêu chuẩn về đặc điểm chất lượng của báo cáo tài chính được đề cập trong khuôn mẫu lý thuyết của Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ (FASB,1980), hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB,1989) và dự án hội tụ FASB-IASB (2010). Cụ thể, theo khuôn mẫu lý thuyết của FASB, thích hợp là một đặc điểm cơ bản của chất lượng báo cáo tài chính. Thông tin kế toán được cho là thích hợp nếu nó có khả năng thay đổi quyết định của người sử dụng. Để đảm bảo tính thích hợp, thông tin cần có giá trị dự đoán (predictive value), giá trị đánh giá (feedback value) những tiên đoán trước đó nhằm làm giảm tính không chắc chắn trong các quyết định đưa ra. Ngoài ra, thông tin được nhận định là thích hợp khi được hỗ trợ bởi khả năng đáp ứng thông tin kịp thời cho việc ra quyết định. IASB (1989) phát biểu rằng thông tin hữu ích khi thích hợp với nhu cầu đưa ra quyết định của người sử dụng, tức giúp người sử dụng thông tin có thể đánh giá quá khứ, hiện tại hoặc tương lai hoặc xác nhận, điều chỉnh các đánh giá trước đây. Quan điểm về tính thích hợp của thông tin theo dự án hội tụ FASB-IASB có cùng quan điểm với FASB (1989). Cụ thể, thông tin thích hợp là thông tin có khả năng làm thay đổi quyết định của người sử dụng như một người cung cấp vốn. Do đó, để thông tin kế toán được coi là hữu ích cho quá trình ra quyết định của người sử dụng thì thông tin đó phải có giá trị thích hợp (Nurzi Sebrina1 và Yuanita Karmenia Sari, 2016).

Giá trị thích hợp của thông tin kế toán cũng là một chủ đề nghiên cứu thu hút nhiều sự quan tâm của các học giả trên thế giới. Francis và Schipper (1999) định nghĩa giá trị thích hợp của thông tin kế toán là khả năng các số liệu kế toán có thể tóm tắt thông tin cơ bản của giá chứng khoán, do đó giá trị thích hợp được biểu thị qua mối quan hệ thống kê giữa thông tin tài chính với giá cổ phiếu hoặc lợi nhuận trên cổ phiếu. Trong nghiên cứu của Francis và Schipper (1999) cũng đưa ra bốn cách diễn giải thuật ngữ giá trị thích hợp của thông tin kế toán: quan điểm phân tích cơ bản, quan điểm dự đoán, quan điểm thông tin và quan điểm đo lường. Cụ thể, nếu diễn giải theo quan điểm phân tích cơ bản, thông tin kế toán được coi là có giá trị thích hợp nếu nó tạo ra những thay đổi trong xu hướng giá cổ phiếu thông qua giá trị vốn có của nó theo một cách tương tự và cùng hướng với giá trị trường. Đối với quan điểm dự đoán, nếu thông tin phù hợp cho việc đánh giá giá trị tương lai của các công ty và dự đoán lợi nhuận trong tương lai thì thông tin được xem là có giá trị thích hợp. Còn lại, theo quan điểm thông tin và đo lường, thông tin kế toán được cho là có giá trị thích hợp nếu tồn tại mối quan hệ thống kê giữa thông tin tài chính được công bố và giá cổ phiếu hoặc lợi nhuận trên cổ phiếu.

Barth và cộng sự (2001) phát biểu rằng tính thích hợp và tính đáng tin cậy là những đặc điểm chất lượng quan trọng nhất của báo cáo tài chính và kết hợp hai yếu tố này để đưa ra một khái niệm mới là giá trị thích hợp. Ngoài ra, Barth và cộng sự (2001) cũng đưa ra quan điểm rằng thông tin tài chính được xem là có giá trị thích hợp nếu như thông tin này có liên quan đến giá trị thị trường của cổ phiếu. Brown (2006) phát biểu rằng giá trị thích hợp của thông tin là mức độ mà lợi nhuận kế toán có thể tóm tắt thông tin trong giá thị trường của cổ phiếu. Quan điểm này cũng khá tương đồng với nghiên cứu của Hellström (2006), tác giả này cho rằng tính hữu ích của thông tin kế toán tài chính trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư ra quyết định phát sinh từ mối quan hệ giữa các báo cáo tài chính và giá cổ phiếu. Nurzi Sebrina và Yuanita Karmenia Sari (2016) cho rằng một trong những dấu hiệu của giá trị thích hợp là phản ứng của nhà đầu tư với thông tin được cung cấp bao gồm: thu nhập, giá trị sổ sách và thông tin liên quan đến cổ tức được chia. Luận văn sử dụng quan điểm về giá trị thích hợp thông tin dựa trên quan điểm thông tin đo lường do Francis và Schipper (1999) đề xuất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:

===>>> Dịch Vụ Viết Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế

2.1.1.2. Các mô hình đo lường giá trị thích hợp của thông tin kế toán Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Mối quan hệ giữa thông tin kế toán và giá cổ phiếu là một đề tài nghiên cứu thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong nhiều thập kỷ qua. Trong phần này, tác giả liệt kê một số mô hình đo lường giá trị thích hợp của thông tin kế toán đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới phát triển.

Mô hình giá của Ohlson (1995) (price value relevance)

Ohlson (1995) được xem là người tiên phong trong việc xây dựng cơ sở lý thuyết để giải thích cho mối quan hệ giữa các loại thông tin kế toán và giá cổ phiếu (Trương Đông Lộc và Nguyễn Minh Nhật, 2016). Mô hình này cho biết giá cổ phiếu có thể được quyết định bởi hai thông tin trên báo cáo tài chính là là giá trị sổ sách và và thu nhập trên một cổ phiếu của công ty. Để đo lường giá trị thích hợp của thông tin, Ohlson (1995) thực hiện hồi quy mô hình giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách và thu nhập trên một cổ phiếu. Giá trị thích hợp của thông tin kế toán được đo lường bằng hệ số R2 hiệu chỉnh của mô hình hồi quy. Mô hình đo lường của tác giả này được biểu diễn như sau:

Pit = β0 + β1BVit + β2EPSit + εit

Trong đó:

Pit = giá trị thị trường của cổ phiếu công ty i 3 tháng sau khi kết thúc niên độ tài chính năm t.

BVit = giá trị sổ sách của cổ phiếu công ty i năm t

EPSit = lợi nhuận trên cổ phiếu công ty i năm t

Mô hình tỷ suất sinh lợi của Easton & Harris (1991) (return value relevance)

Mô hình tỷ suất sinh lời mô tả mối quan hệ giữa lợi nhuận trên cổ phiếu và lợi nhuận kế toán. Giá trị thích hợp của thông tin kế toán được đo lường bằng hệ số R2 hiệu chỉnh của mô hình hồi quy. Mô hình được xây dựng bởi Easton & Harris (1991) và được biểu diễn như sau:

Trong đó:

Retit = lợi nhuận của cổ phiếu công ty i năm t (stock return)

EPSit = lợi nhuận trên cổ phiếu công ty i năm t

EPSit = chênh lệch lợi nhuận trên cổ phiếu công ty i năm t so với năm t-1 Pi,t-1 = giá cổ phiếu công ty i năm t-1

Có thể nhận thấy rằng, cả hai mô hình được các tác giả xây dựng để đo lường giá trị thích hợp của thông tin đều sử dụng hệ số hiệu chỉnh R2 của mô hình hồi quy làm cách thức đo lường. Mô hình Ohlson (1995) được xây dựng với cách hiểu khá tương đồng với định nghĩa về giá trị thích hợp thông tin dưới góc nhìn của nhiều học giả đã trình bày trong mục 2.1.1.1. Nếu các biến giải thích của mô hình Easton & Harris (1991) chỉ sử dụng dữ liệu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thì mô hình Ohlson (1995) có sử dụng thêm thông tin trên báo cáo tình hình tài chính trong việc biểu thị khả năng các số liệu kế toán có thể phản ánh các thông tin cơ bản của cổ phiếu. Ngoài ra, biến phụ thuộc (biến được giải thích) trong mô hình Ohlson (1995) được tác giả thu thập tại thời điểm ba tháng sau khi kết thúc niên độ. Độ trễ về thời gian trong biến số này giúp đưa ra góc nhìn khách quan hơn về việc đánh giá tính thích hợp của thông tin trên báo cáo tài chính vì đây là thời điểm các doanh nghiệp buộc phải công bố ra công chúng báo cáo tài chính đã kiểm toán của mình theo yêu cầu công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

2.1.2. Thận trọng kế toán Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

2.1.2.1. Định nghĩa

Thận trọng kế toán là một quy ước có từ lâu đời và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong việc lập báo cáo tài chính (Sterling, 1970). Nguyên tắc kế toán này có ảnh hưởng đến việc thực hành kế toán cũng như các lý thuyết kế toán hàng trăm năm nay (Basu ,1997; Watts, 2013; Yuying Xie, 2015; Yuxiang Zhong, 2016). Mức độ thận trọng kế toán khác nhau giữa các quốc gia, bởi vì nó phụ thuộc vào cấu trúc thể chế của nền kinh tế bao gồm hệ thống pháp luật, luật chứng khoán, chế độ thuế và nền kinh tế chính trị (Ball và cộng sự, 2000; Bushman và Piotroski, 2006). Tuy nhiên, một định nghĩa về thận trọng kế toán có căn cứ đích xác vẫn chưa được tìm ra (Yuying Xie, 2015). Theo đó, các học giả cũng như các tổ chức lập quy trên toàn thế giới đều nỗ lực đưa ra một định nghĩa về thận trọng kế toán được chấp nhận phổ biến. Do đó, tác giả trình bày các định nghĩa về thận trọng kế toán dưới hai góc nhìn của: một số tổ chức lập quy quốc tế và Việt Nam, và của các học giả trên thế giới nghiên cứu về nguyên tắc kế toán này.

Định nghĩa thận trọng kế toán theo quan điểm của các tổ chức lập quy quốc tế và Việt Nam

Theo quan điểm của Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ (Financial Accounting Standard Board – viết tắt FASB)

Trong khuôn mẫu lý thuyết kế toán của Hoa Kỳ ban hành năm 1980 dưới dạng một loạt công bố về các khái niệm của kế toán tài chính (Statement of Financial Accounting Concepts – viết tắt SFAC), FASB định nghĩa thận trọng kế toán là phản ứng thận trọng đối với các tình huống không chắc chắn để đảm bảo rằng các tình huống chưa rõ ràng và các rủi ro tiềm tàng của doanh nghiệp được xem xét một cách đầy đủ (SFAC 2). Khi tồn tại một tình huống chưa rõ ràng cần cố gắng xem xét một cách đầy đủ những vấn đề không chắc chắn (Vũ Hữu Đức, 2010). Nếu hai phương pháp ước tính số tiền sẽ nhận được hoặc phải trả trong tương lai có khả năng ngang nhau, thận trọng là việc lựa chọn phương pháp ít lạc quan hơn. Tuy nhiên, nếu hai số tiền không ngang nhau thì thận trọng không có nghĩa là chọn phương pháp ít lạc quan hơn. Cũng theo đoạn 95 – FASB 1980, thận trọng không có nghĩa là hoãn việc ghi nhận thu nhập vượt quá thời điểm mà nó có đủ bằng chứng đáng tin cậy và cũng không được dùng để biện hộ cho việc ghi nhận một khoản lỗ khi nó chưa có đủ bằng chứng đáng tin cậy. Thêm vào đó, FASB cũng đề xuất việc thuyết minh đầy đủ về những tình huống không chắc chắn như nội dung sự việc hay các thông tin liên quan để người sử dụng báo cáo tài chính có thể có sự xét đoán riêng của mình (Vũ Hữu Đức, 2010). Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Theo quan điểm của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standard Board – viết tắt IASB) và dự án hội tụ kế toán IASB-FASB

Thận trọng là một yêu cầu nhằm đảm bảo tính đáng tin cậy – một trong những đặc điểm chất lượng báo cáo tài chính được IASB đề cập đến trong khuôn khổ lập và trình bày báo cáo tài chính ban hành năm 1989. Người lập báo cáo tài chính phải đối mặt với các yếu tố không chắc chắn xung quanh nhiều sự kiện phát sinh, ví dụ như khả năng thu hồi các khoản phải thu khó đòi, thời gian sử dụng hữu ích của tài sản cố định (nhà xưởng, máy móc, thiết bị) và số lần yêu cầu bảo hành có thể xảy ra… Những yếu tố không chắc chắn như vậy được ghi nhận bằng việc công bố về bản chất và mức độ của sự việc và bằng cách thực hiện thận trọng trong việc lập báo cáo tài chính. IASB định nghĩa thận trọng là mức chú ý trong việc xét đoán cần thiết trong các ước tính dưới các điều kiện không chắc chắn, sao cho tài sản và thu nhập không bị thổi phồng, nợ phải trả và chi phí không bị khai thiếu (IASB 1989, đoạn 37). Tuy nhiên, thận trọng không phải là việc tạo ra các khoản dự phòng giả hoặc quá mức, cố tình khai thấp tài sản và thu nhập, hoặc khai khống nợ phải trả và chi phí (Vũ Hữu Đức, 2010), bởi vì báo cáo tài chính sẽ không đảm bảo được tính trung lập và ảnh hưởng đến đặc điểm chất lượng “đáng tin cậy” (reliability) của thông tin kế toán. Theo Nguyễn Thục Anh (2017), cách hiểu về thận trọng theo quan điểm của IASB năm 1989 thể hiện một sự bất cân xứng trong xử lý và cung cấp thông tin vì chỉ cho phép ghi nhận sự giảm xuống của giá trị tài sản thuần trong điều kiện không chắc chắn mà không cho phép ghi nhận giá trị tài sản thuần tăng lên. Tác giả này cũng cho rằng nguyên nhân của sự bất cân xứng này là để hạn chế xu hướng thông tin quá lạc quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như giúp cảnh báo sớm cho nhà đầu tư về những rủi ro mất vốn.

Vào năm 2004, IASB và FASB bắt đầu thực hiện một dự án hội tụ kế toán (IASB-FASB Convergence Project) trong đó có một dự án về khuôn mẫu lý thuyết kế toán. Mục đích của dự án này là tìm kiếm một khuôn mẫu lý thuyết kế toán đầy đủ hơn làm nền tảng cho việc hướng đến một hệ thống chuẩn mực kế toán chất lượng cao mang tính toàn cầu (Vũ Hữu Đức, 2010). Kết quả giai đoạn A của dự án khuôn mẫu lý thuyết kế toán, IASB ban hành khuôn mẫu lý thuyết hiệu chỉnh bao gồm hai chương với hai nội dung: mục đích của báo cáo tài chính và các đặc điểm chất lượng của báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trong khuôn mẫu lý thuyết kế toán của dự án hội tụ IASB-FASB, khái niệm thận trọng đã được loại bỏ khỏi các yêu cầu cơ bản của thông tin kế toán. Lý do loại bỏ được giải thích là xuất phát từ sự mâu thuẫn với yêu cầu trung lập thuộc đặc điểm chất lượng cơ bản “trình bày trung thực”.

Tuy nhiên, trên thực tế thận trọng hiện diện rất nhiều trong quy định các chuẩn mực kế toán quốc tế như quy định về trích lập dự phòng, kế toán tài sản và nợ tiềm tàng dẫn đến sự không nhất quán giữa khuôn mẫu lập và trình bày báo cáo tài chính và các chuẩn mực kế toán (Nguyễn Thục Anh, 2017). Đến tháng 5/2015, IASB ban hành dự thảo sửa đổi khuôn mẫu lý thuyết kế toán gồm 8 chương với mục đích cập nhật, bổ sung những khoảng trống và làm sáng tỏ thêm những nội dung đã được đề cập trong khuôn mẫu hiện hành (ED/2015/3). Trong dự thảo này, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống chuẩn mực kế toán, IASB đã đưa vào lại khái niệm thận trọng (được mô tả như một sự cẩn trọng khi đưa ra phán quyết trong điều kiện không chắc chắn) và cho rằng sự thận trọng là rất quan trọng để đạt được sự trung lập (xem đoạn 2.18 và BC2.1-BC2.17). Cụ thể trong đoạn 2.18, IASB khẳng định rằng tính trung lập được hỗ trợ bởi tính thận trọng. Việc thực hiện thận trọng kế toán có nghĩa là tài sản và thu nhập không được khai khống, nợ phải trả và chi phí không được khai thiếu. Tương tự, việc thực hiện thận trọng kế toán không cho phép khai thiếu tài sản và thu nhập, hay khai khống nợ phải trả và chi phí bởi lẽ các sai lệch này có thể dẫn đến tình trạng thu nhập bị khai cao hoặc chi phí bị khai thấp trong các kỳ báo cáo tương lai. Nguyễn Thục Anh (2017) cho rằng đây là một điểm thay đổi lớn trong cách hiểu về thận trọng, đảm bảo sự cân xứng trong xử lý kế toán khi mà các điều kiện không chắc chắn thay đổi tác động cùng chiều và ngược chiều đối với tài sản, nợ phải trả, doanh thu và chi phí của doanh nghiệp. Đoạn BC2.4 dẫn một số quan điểm ủng hộ việc loại bỏ khái niệm thận trọng trong khuôn mẫu lý thuyết kế toán ngoài lý do mâu thuẫn với yêu cấu trung lập đã được trình bày. Cụ thể là:

Thứ nhất, không tồn tại một sự hiểu biết chung nào về thế nào là thận trọng kế toán. Mỗi đối tượng khác nhau có một cách giải thích khác nhau về khái niệm này. Do đó, nếu tiếp tục bao gồm khái niệm này trong khuôn mẫu kế toán có thể dẫn đến sự áp dụng không nhất quán trong thực hành kế toán.

Thứ hai, việc thực hiện thận trọng kế toán dẫn đến sự chủ quan cao hơn trong các báo cáo tài chính. Điều này có thể dẫn tới việc đánh giá hiệu quả tài chính của một tổ chức trở nên khó khăn.

Ngoài ra, đoạn BC2.5 cũng đưa ra một số quan điểm ủng hộ cho việc đưa lại khái niệm thận trọng vào khuôn mẫu lý thuyết kế toán với các lý do như sau:

Thứ nhất, một số chuẩn mực hiện hành đang đề xuất sử dụng một số phương pháp kế toán được thúc đẩy bởi yêu cầu về sự thận trọng. Do đó, cần phải giải thích khái niệm thận trọng trong khuôn mẫu lý thuyết để có thể áp dụng một cách nhất quán.

Thứ hai, thận trọng là cần thiết để kháng cự lại sự sai lệch tự nhiên của nhà quản lý theo hướng lạc quan.

Thứ ba, các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn về rủi ro giảm giá so với tiềm năng tăng trưởng. Sự thận trọng giúp giải quyết mối quan ngại này.

Thứ tư, nghiên cứu hàn lâm đã gợi ý rằng một số hình thức thận trọng kế toán đóng vai trò trong báo cáo tài chính trong một số trường hợp. Tuy nhiên, có những quan điểm khác nhau về những hình thức thận trọng nào là hữu ích, khi nào và tại sao.

Thứ năm, việc thực hiện thận trọng giúp sắp xếp quyền lợi của cổ đông và người quản lý và từ đó có thể làm giảm rủi ro về đạo đức.

Thứ sáu, cuộc khủng hoảng tài chính đã chứng minh sự cần thiết phải thận trọng khi thiết lập các ước tính.

Theo quan điểm của Hội đồng chuẩn mực kế toán Úc (Australian Accounting Standard Board – viết tắt AASB)

Trong khuôn mẫu lý thuyết kế toán của Úc ban hành năm 1990 dưới dạng một loạt công bố về các khái niệm của kế toán tài chính (Statement of Accounting Concepts viết tắt SAC), AASB định nghĩa thận trọng kế toán là khái niệm dẫn đến sai lệch có chủ đích đối với việc khai thấp doanh thu hoặc tài sản, và/hoặc công nhận tối đa chi phí và nợ phải trả (SAC3, đoạn 26). Khái niệm này mâu thuẫn với một số đặc điểm chất lượng trong đó bao gồm tính đáng tin cậy. Mặt khác, thận trọng đôi khi được sử dụng hoặc định nghĩa theo cách thức có thể chấp nhận được, tức là khi nó đồng nghĩa với tính đáng tin cậy. Thêm vào đó SAC 3 – đoạn 21 nhấn mạnh sự sai lệch có thể bắt nguồn từ việc đánh giá thiên lệch thông tin tài chính vì các mục đích gian lận và nó cũng có thể xuất phát từ quan điểm thận trọng sai lầm, kết quả là người lập BCTC sẽ lọc các thông tin được cung cấp và chiếm đoạt quyền của người sử dụng thông tin để đưa ra quyết định của mình. Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Theo quan điểm của Bộ Tài chính – Việt Nam được quy định trong chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành.

Căn cứ theo chuẩn mực số 01 (VAS01) – Chuẩn mực chung được ban hành và công bố theo quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thận trọng là một trong bảy nguyên tắc kế toán cơ bản được thừa nhận trong lĩnh vực kế toán nhằm đảm bảo các yêu cầu cơ bản đối với kế toán nói chung và báo cáo tài chính nói riêng. Cụ thể trong VAS01 – đoạn 8 có đề cập đến khái niệm về nguyên tắc thận trọng và những đòi hỏi của nguyên tắc này. Cụ thể như sau:

Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:

  • Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn;
  • Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;
  • Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí
  • Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.”

Như vậy có thể thấy, định nghĩa về nguyên tắc thận trọng được trình bày trong VAS01 tương đồng với khái niệm do IASB đề xuất trong khuôn khổ lập và trình bày báo cáo tài chính ban hành năm 1989. Theo Nguyễn Xuân Hưng và cộng sự (2017), tinh thần của nguyên tắc thận trọng được khái quát là “khi có nhiều giải pháp được lựa chọn thì nên chọn giải pháp có ảnh hưởng ít nhất đến sự gia tăng của vốn chủ sở hữu”. Nhóm tác giả này cũng cho rằng đây là nguyên tắc quan trọng ảnh hưởng đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ trở thành sự ưu tiên lựa chọn khi tồn tại mâu thuẫn giữa các nguyên tắc kế toán cơ bản.

Có thể thấy, quan điểm của các tổ chức lập quy cho rằng việc áp dụng thận trọng kế toán xuất phát từ những sự kiện không chắc chắn và rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng lại không thể hiện được bản chất của các phản ứng mang tính cẩn trọng đó (Givoly và Hayn, 2000). Vì vậy, nhiều học giả trên thế giới định nghĩa thận trọng kế toán từ nhiều quan điểm khác nhau.

Định nghĩa thận trọng kế toán theo quan điểm của các nhà học giả trên thế giới

Thận trọng kế toán không chỉ thu hút sự chú ý của các tổ chức lập quy mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Nguyên tắc thận trọng là một vấn đề nghiên cứu có nhiều luồng quan điểm, tranh luận trái ngược nhau trong giới học thuật (Yuying Xie, 2015). Kết quả nghiên cứu của Yuying Xie (2015) cho thấy thận trọng kế toán bị chỉ trích như một cơ chế tạo nên sự sai lệch trong thông tin tài chính (Feltham và Ohlson, 1995; Zhang, 2000). Do đó, do sự thận trọng trong kế toán khiến giá trị sổ sách được kỳ vọng thấp hơn giá trị thị trường trong dài hạn (Feltham và Ohlson, 1995). Ngược lại, Yuying Xie (2015) kết luận một số nghiên cứu cho rằng nguyên tắc thận trọng là một cơ chế báo cáo thông tin tài chính hiệu quả giúp tăng giá trị công ty và có lợi cho các đối tượng hữu quan của công ty (Holthausen và Watts, 2001; Watts, 2003a; Ahmed và Duellman, 2007). Do đó, trong nội dung của phần này, tác giả trình bày các định nghĩa về thận trọng kế toán của các học giả trên thế giới theo chuỗi thời gian và theo hướng tiếp cận dựa trên ảnh hưởng của thận trọng kế toán đến báo cáo tình hình tài chính hay báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Bliss (1924) phát biểu rằng thận trọng kế toán là xem xét trước/lường trước tất cả các thiệt hại những không xem xét trước/lường trước lợi nhuận. Yuying Xie (2015) cho rằng khái niệm này có tính xây dựng (constructive) nhưng quá đơn giản. Có nhà nghiên cứu lại liên kết thận trọng kế toán với mục tiêu của công ty và người sử dụng thông tin kế toán. Quan điểm này được trình bày trong nghiên cứu của Devine (1963), tác giả đã định nghĩa thận trọng kế toán là một nguyên tắc dẫn đến kỳ vọng trung bình thấp hơn về mục tiêu hoàn thành của công ty so với các quy tắc đo lường thay thế và nguyên tắc báo cáo.

Watts và Zimmerman (1986) cho rằng thận trọng kế toán là một nguyên tắc mà theo đó nên báo cáo giá trị thấp nhất trong số các giá trị thay thế có thể đối với tài sản và cao nhất trong số các giá trị thay thế có thể đối với nợ phải trả . Ngoài ra, doanh thu cần được ghi nhận trễ hơn, và chi phí cần ghi nhận sớm hơn.

Theo thông lệ, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến ảnh hưởng của nguyên tắc thận trọng đến báo cáo tình hình tài chính và định nghĩa nguyên tắc này là việc ghi nhận thấp một cách liên tục giá trị sổ sách của tài sản (Yuying Xie, 2015). Feltham và Ohlson (1995) phát biểu rằng thận trọng là chênh lệch tiệm cận giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường. Cũng đề cập đến hai giá trị sổ sách và thị trường, Penman và Zhang (2002) định nghĩa thận trọng kế toán là một phương pháp và ước tính kế toán theo đó giá trị sổ sách của tài sản thuần thấp hơn giá trị thị trường của chúng. Quan điểm này cũng được trình bày tương đồng trong nghiên cứu của Beaver và Ryan (2005).

Ngược lại, ảnh hưởng của thận trọng kế toán đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh không thu hút được nhiều sự chú ý, quan tâm của các học giả trên thế giới cho tới khi nghiên cứu của Basu (1997) được biết đến và chấp nhận rộng rãi. Tác giả này đã đề xuất một định nghĩa mới về thận trọng kế toán và thiết kế một mô hình để đo lường nó. Basu (1997) làm sáng tỏ thận trọng kế toán như một cách thức để nắm bắt khuynh hướng của kế toán đòi hỏi phải có mức độ kiểm tra cao hơn (higher degree of verification) trong việc ghi nhận tin tức tốt so với các thông tin xấu trên báo cáo tài chính. Basu (1997) thực hiện ước tính hồi quy về thu nhập ròng hiện tại đối với lợi tức cổ phiếu hiện tại và kết quả cho thấy thu nhập phản ứng lại lợi tức cổ phiếu âm nhanh hơn lợi tức cổ phiếu dương. Do đó, ông giải thích thận trọng kế toán như sau: “thu nhập phản ánh tin xấu nhanh hơn tin tốt”.

2.1.2.2. Các mô hình đo lường thận trọng kế toán Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Sự không rõ ràng về định nghĩa thận trọng kế toán đã dẫn đến sự lộn xộn trong việc phát triển các mô hình đo lường. Các nghiên cứu trước đây đã phát triển các thước đo khác nhau để đo lường thận trọng kế toán. Các mô hình đo lường này có thể phân chia thành bốn nhóm như sau: mô hình dựa trên giá trị sổ sách so với giá trị thị trường, mô hình dựa trên cơ sở dồn tích, mô hình dựa trên dòng tiền và mô hình dựa vào kết quả nghiên cứu của Basu (1997).

Mô hình dựa trên giá trị sổ sách so với giá trị thị trường (book-to-market-based measures)

Mô hình dựa trên giá trị sổ sách so với giá trị thị trường nhằm đo lường thận trọng kế toán xuất phát từ nghiên cứu của Feltham và Ohlson (1995). Giá trị thị trường của cổ phiếu bao hàm trong nó giá trị mong đợi của người nắm giữ cổ phiếu và cơ hội tăng trưởng của cổ phiếu. Bên cạnh đó, giá trị sổ sách ghi nhận các thông tin với một thái độ bảo thủ và thận trọng. Tỷ lệ giá trị sổ sách so với giá trị thị trường thấp phản ánh chênh lệch nhất quán giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường. Nên tỷ lệ này có thể sử dụng để nắm bắt được ảnh hưởng của thận trọng kế toán.

Một số học giả sử dụng tỷ lệ giá trị sổ sách trên giá trị thị trường để đo lường thận trọng kế toán (Beatty và cộng sự, 2008) hoặc thận trọng kế toán có điều kiện (Ahmed và Duellman, 2007). Cụ thể, khi giá trị sổ sách nhỏ hơn giá trị thị trường, tức là tỷ lệ giá trị sổ sách/giá trị thị trường nhỏ hơn 1, tức có thể phát biểu rằng thông tin trên báo cáo tài chính thận trọng và ngược lại.

Ngoài việc sử dụng tỷ lệ giá trị sổ sách trên giá trị thị trường một cách đơn lẻ, Beaver và Ryan (2000) đo lường thận trọng kế toán bằng cách sử dụng mô hình hồi quy tác động cố định giá trị sổ sách trên giá trị thị trường trên lợi nhuận cổ phiếu. Nhóm tác giả phân chia tỷ lệ giá trị sổ sách trên giá trị thị trường thành 2 thành phần bao gồm: bộ phận thiên lệch (bias component) và bộ phận trì hoàn/chậm trễ (lag component).

Trong đó:

BTMt,i là tỷ số giá trị sổ sách/giá trị thị trường công ty i tại thời điểm t.

Rt-j,i là thu nhập hàng năm (annual raw return) công ty i tại thời điểm t-j

αt và αi lần lượt là ảnh hưởng cố định theo thời gian và công ty.

Bộ phận thiên lệch: Hệ số góc của biến Rt-j,i

Bộ phận trì hoàn/chậm trễ: αt và αi

Mô hình dựa trên cơ sở dồn tích (accrual-based measures)

Thận trọng kế toán làm cho giá trị sổ sách của tài sản và lợi nhuận thuần bị khai thấp đi từ đó dẫn đến tổng biến dồn tích luôn âm theo thời gian. Do đó, giá trị trung bình của biến dồn tích âm trong một giai đoạn dài hợp lý cung cấp một cách thức đo lường thận trọng kế toán theo từng công ty (Givoly và Hayn, 2000).

Thông thường các nghiên cứu sử dụng tổng dồn tích lũy kế (total accruals) để đo lường thận trọng có điều kiện (Ahmed và Duellman, 2007; Garciá-Lara và cộng sự, 2007) và thận trọng không điều kiện (Ahmed và Duellman, 2013). Tuy nhiên theo Yuying Xie (2015), tổng dồn tích phản ánh thận trọng kế toán chung mà không phân biệt thận trọng loại nào cụ thể. Cụ thể, tổng biến dồn tích được đo lường bằng thu nhập thuần cộng khấu hao và trừ đi dòng tiền từ hoạt động.

Một số học giả tách biến dồn tích hoạt động (operating accruals) ra khỏi tổng biến dồn tích để đo lường thận trọng kế toán (Givoly và Hayn, 2000; Beatty và cộng sự, 2008). Ví dụ Penman và Zhang (2002) xây dựng thang đo thận trọng kế toán không điều kiện dựa trên các khoản dự trữ tiềm ẩn (hidden reserves). Cụ thể, tác giả này đo lường các khoản dự trữ tiềm ẩn dựa trên tổng chênh lệch số dư hàng tồn kho theo phương pháp tính giá nhập trước xuất trước (FIFO) và nhập sau xuất trước (LIFO) hay còn gọi là LIFO reserves, chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) được vốn hóa. Jackson và Liu (2010) đo lường thận trọng kế toán (không phân biệt có điều kiện hay không có điều kiện) dựa trên dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Ngược lại, Qiang (2007) phân loại tổng dồn tích thành hai phần bao gồm: (1) dồn tích hiện hành (current accruals) và khấu hao và (2) lãi và lỗ chưa thực hiện. Cụ thể, dồn tích hiện hành và khấu hao chủ yếu xuất phát từ các phương pháp kế toán mang tính thận trọng không điều kiện như phương pháp tính giá hàng tồn kho LIFO hay phương pháp khấu hao nhanh. Riêng lãi và lỗ chưa thực hiện được sử dụng để đo lường thận trọng kế toán có điều kiện ví dụ như các khoản lỗ do giảm giá trị (impairment losses).

Mô hình dựa trên dòng tiền (cash-flow-based measres)

Mô hình đo lường thận trọng kế toán dựa trên dòng tiền được xây dựng dựa trên mối quan hệ bất cân xứng giữa dòng tiền và biến dồn tích. Dưới thận trọng kế toán có điều kiện, lợi ích kinh tế (economic gains) được tính trên cơ sở tiền mặt, trong khi thiệt hại kinh tế (economic losses) được ghi nhận ngay như một khoản dồn tích âm. Do đó, dòng tiền được sử dụng như một thước đo thận trọng kế toán có điều kiện. Theo đó, Ball và Shivakumar (2005) đã phát triển mô hình tuyến tính từng phần giữa biến dồn tích và dòng tiền để đo lường thận trọng kế toán có điều kiện đối với các công ty tư nhân tại Anh. Mô hình hồi quy được biểu diễn như sau:

ACCt = β0 + β1DCFOt + β2CFOt + β3 DCFOt x CFOt + εt

Trong đó:

ACCt = Biến dồn tích = (rHàng tồn kho + rPhải thu + rcác tài sản ngắn hạn khác – rPhải trả – rNợ phải trả ngắn hạn khác – Khấu hao)/ Tổng tài sản năm đầu năm t

CFOt = (Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm t – ACCt)/Tổng tài sản đầu năm t

DCFOt là biến giả, DCFOt = 1 nếu CFOt < 0 và DCFOt = 0 nếu CFOt > 0

Thông tin trên báo cáo tài chính được lập theo nguyên tắc thận trọng nếu hệ số hồi quy β3 dương và có ý nghĩa thống kê.

Mô hình dựa vào kết quả nghiên cứu của Basu (1997)

Mô hình dựa trên kết quả nghiên cứu của Basu (1997) bao gồm 3 mô hình: mô hình DT – Differrential Timeliness (Basu, 1997), mô hình PEC – Persistence Earnings Change (Basu, 1997) và mô hình của Khan và Watts (2009). Các mô hình dựa trên kết quả nghiên cứu của Basu (1997) được sử dụng rộng rãi để đo lường thận trọng kế toán có điều kiện.

Mô hình DT – Differrential Timeliness (Basu, 1997)

Basu (1997) nghiên cứu chênh lệch về tính kịp thời của thu nhập (differential timeliness of earnings) bằng cách sử dụng mô hình hồi quy từng phần dữ liệu chéo của thu nhập trên lợi nhuận cổ phiếu (stock returns) như sau:

Xit/Pit-1  = β0 + β1DRit + β2Rit + β3DRit x Rit + εt

Trong đó:

Xit = Thu nhập trên một cổ phiếu công ty i năm t (EPS)

Pit-1 = Giá cổ phiếu công ty i đầu năm tài chính t, tức cuối năm t-1

Rit = lợi nhuận trên cổ phiếu của công ty i năm t = (Pit – Pit-1 + Dt)/ Pit-1, và Dt là cổ tức được chia của năm t.

DRit  là biến giả, DRt = 1 nếu Rit < 0 và ngược lại nếu Rit > 0 thì DRit = 0

Theo đó, các hệ số tương quan của mô hình thể hiện được tính kịp thời trong việc ghi nhận lời và lỗ. β2 đo lường mức độ nhạy cảm của lợi nhuận (earnings) so với khả năng sinh lời dương của cổ phiếu (positive returns) và β2 + β3 đo lường lức độ nhạy cảm của lợi nhuận (earnings) so với khả năng sinh lời âm của cổ phiếu (negative returns). Khi áp dụng kế toán thận trọng, lợi nhuận hàm chứa tin xấu theo một cơ chế kịp thời hơn so với tin tốt nên hệ số góc β3 được kỳ vọng mang dấu dương (+) và phân số (β2 + β3)/ β2 thì lớn hơn 1. Kết quả nghiên cứu của Yuying Xie (2015) cho thấy trong các bài nghiên cứu về đo lường thận trọng kế toán được đăng tải trên các tạp chi Journal of Accounting Research, Journal of Accounting and Economics và Accounting Review từ năm 2001-2013, mô hình DT được sử dụng một cách phổ biến (16/29 bài nghiên cứu).

Mô hình PEC – Persistence Earnings Change (Basu, 1997)

Ngoài mô hình DT đã được trình bày trong phần trên, Basu (1997) còn xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính về sự thay đổi của lợi nhuận thuần để đo lường thận trọng kế toán theo chuỗi thời gian. Mô hình hồi quy như sau:

rXit/Pit-1 = β0 + β1D+ β2rXit-1/Pit-2+ β3D x rXit-1/Pit-2+ εt

Trong đó:

rXit = thay đổi của thu nhập công ty i từ năm t-1 đến năm t

Pit-j = Giá cổ phiếu năm t-j (j = 1,2)

D = 1 nếu rXit-1/Pit-2< 0 và ngược lại nếu rXit-1/Pit-2> 0 thì D = 0

Theo đó, hệ số góc β3 phản ánh mức độ chênh lệch về tính kịp thời. Vấn đề cốt lõi của mô hình PEC là việc ghi nhận kịp thời tin tức xấu dẫn tới sự đột biến tạm thời trong thu nhập, trong khi việc trì hoàn ghi nhận tin tức tốt thì trải ra trong vài kỳ tương lai.

Mô hình của Khan và Watts (2009) Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Mô hình DT của Basu (1997) không phải là một mô hình có khả năng đo lường thận trọng kế toán của từng công ty theo từng năm, bởi lẽ mô hình được ước lượng với hồi quy gộp dữ liệu chéo (pooled cross-sectional sample). Với mỗi công ty, mức độ thận trọng có thể được ước lượng bằng dữ liệu theo thời gian (time-series data). Tuy nhiên, theo mô hình mà Basu (1997) đề xuất thì mức độ thận trọng kế toán là không thay đổi. Điều này trở nên không hợp lý bởi mức độ thận trọng có thể khác biệt khi tồn tại sự thay đổi các đặc điểm công ty và những yếu tố khác. Do đó, Khan và Watts xây dựng mô hình đo lường thận trọng kế toán theo đặc trưng từng công ty dựa trên kết quả nghiên cứu của Basu (1997). Hai tác giả này dựa trên giả thuyết nghiên cứu của Watts (2003a) rằng thận trọng kế toán có thể được giải thích dựa trên bốn yếu tố: quan hệ hợp đồng, các vụ kiện tụng, thuế và các quy định hiện hành. Khan và Watts (2009) cho rằng bốn yếu tố này có liên hệ chặt chẽ với các cơ hội đầu tư của một công ty. Theo đó, tỷ số giá trị thị trường so với giá trị sổ sách, quy mô công ty và đòn cân nợ được sử dụng trong nghiên cứu của Khan và Watts (2009) để ước tính thận trọng kế toán cho từng công ty từng năm. Hai tác giả này cho rằng, tính kịp thời của thông tin tốt (G_Score) và tính kịp thời bất cân xứng của tin xấu (C_Score) là hàm tuyến tính của các đặc điểm riêng có từng công ty (đòn cân nợ, quy mô công ty, tỷ số giá trị trường so với giá trị sổ sách) và được biểu diễn như sau:

Khan và Watts (2009) phát triển mô hình mới để đo lường thận trọng kế toán có điều kiện sau khi thay thế các hệ số β2 và β3 như cách tính theo G_Score và C_Score vào mô hình DT của Basu (1997):

Xit/Pit-1  = β0 + β1itDRit + β2itRit + β3itDRit x Rit + εt (Mô hình DT Basu, 1997 trong đó hệ số hồi quy thay đổi theo công ty và theo năm)

Xit/Pit-1 = β0+ β1itDRit + ( + + + )Rit + ( + + + )DRit x Rit + ( +

Trong đó:

Xit = Thu nhập trên một cổ phiếu công ty i năm t (EPS).

Pit-1 = Giá cổ phiếu công ty i đầu năm tài chính t, tức cuối năm t-1.

Rit = lợi nhuận trên cổ phiếu của công ty i năm t = (Pit – Pit-1 + Dt)/ Pit-1, và Dt là cổ tức được chia của năm t.

DRit  là biến giả, DRt = 1 nếu Rit < 0 và ngược lại nếu Rit > 0 thì DRit = 0.

Sizeit: logarit tự nhiên tổng tài sản của công ty i năm t.

MTBit: Giá trị thị trường/giá trị sổ sách

Levit: Tổng nợ công ty i năm t/Tổng tài sản công ty i năm t.

Khan và Watts (2009) ước tính các hệ số tương quan và thông qua hồi quy dữ liệu chéo năm (i=1-4). Cùng với các dữ liệu về quy mô công ty, tỷ số giá trị thị trường trên giá trị sổ sách, đòn cân nợ, G_Score và C_Score được tính toán cho từng công ty và từng năm. C_Score đo lường mức độ thận trọng kế toán của từng công ty theo năm. Một số nghiên cứu sử dụng mô hình điều chỉnh mô hình Basu (1997) theo kết quả nghiên cứu của Khan và Watts (2009) như : S.Chen và các cộng sự (2009), Beatty và Liao (2011), Chen và các cộng sự (2014), Hye Seung Lee và cộng sự (2015).

Ngoài ra, dựa trên phương pháp mà Khan và Watts (2009) đã sử dụng, Hye Seung Lee và cộng sự (2015) đã điều chỉnh mô hình của Ball và Shivakumar (2005) để đo lường thận trọng kế toán có điều kiện cho từng công ty. Cụ thể:

Tính kịp thời của thông tin tốt (AG_Score) và tính kịp thời bất cân xứng của tin xấu (AC_Score) là hàm tuyến tính của các đặc điểm riêng có từng công ty (đòn cân nợ, quy mô công ty, tỷ số giá trị trường so với giá trị sổ sách) và được biểu diễn như sau:

Mô hình của Ball và Shivakumar (2005) điều chỉnh do Hye Seung Lee và cộng sự (2015) phát triển được viết lại như sau:

ACCit = β0 + β1itDCFOit + CFOit ( + + + )+ DCFOit x CFOit ( + + + )(+++  +  + ) + εt

Tương tự, AC_Score đo lường mức độ thận trọng kế toán của từng công ty theo năm.

Bảng tổng hợp các mô hình đo lường thận trọng kế toán và đánh giá ưu điểm, hạn chế.

Trong nội dung từ phần a đến phần d của mục 1.1.2.3, tác giả đã trình bày các mô hình đã được các học giả trên thế giới phát triển để đo lường thận trọng kế toán. Phần tổng hợp các mô hình đo lường cũng như ưu nhược điểm của chúng sẽ được trình bày trong phụ lục 2 của luận văn.

2.2. Phân loại các hình thức thận trọng kế toán Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Theo quan điểm của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standard Board – viết tắt IASB)

Như đã đề cập trong mục 2.1.2.1, IASB đã đưa vào lại khái niệm thận trọng kế toán trong bản dự thảo sửa đổi khuôn mẫu lý thuyết kế toán (ED/2015/3) và cho rằng sự thận trọng là rất quan trọng để đạt được sự trung lập. Trong đoạn BC2.6 – trích trong kết quả cuộc thảo luận được văn bản hóa đình kèm cùng dự thảo (Basis for Conclusions ED/2015/3), IASB phát biểu rằng thận trọng là một thuật ngữ được sử dụng với ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người sử dụng. Cụ thể là:

Một số người sử dụng thuật ngữ này để chỉ sự cẩn trọng trong việc đưa ra các phán quyết trong điều kiện tồn tại các yếu tố không chắc chắn, nhưng không cần thiết phải cẩn trọng hơn trong các phán quyết liên quan đến thu nhập và tài sản so với nợ phải trả và chi phí.

Một số khác sử dụng thận trọng để đề cập đến nhu cầu về sự bất cân xứng: tổn thất được ghi nhận ở giai đoạn sớm hơn so với thu nhập.

Xuất phát từ quan điểm này, IASB phân loại thận trọng kế toán thành hai loại là: thận trọng cẩn trọng (cautious prudence) và thận trọng bất cân xứng (asymmetric prudence).

Theo quan điểm của các học giả trên thế giới

Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã bắt đầu phân loại thận trọng kế toán từ sau nghiên cứu của Basu (1997) để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo. Beaver và Ryan (2005) phân loại thận trọng kế toán thành thận trọng không có điều kiện (unconditional conservatism) và thận trọng có điều kiện (conditional conservatism). Cả hai loại này đều thể hiện rằng việc ghi nhận các thông tin xấu một cách kịp thời hơn so với thông tin tốt. Cụ thể, hai tác giả đưa ra khái niệm về hai loại thận trọng kế toán như sau:

  • Thận trọng kế toán không có điều kiện có nghĩa là các khía cạnh của quy trình kế toán được xác định vào thời điểm bắt đầu mà tài sản và nợ phải trả mang lại lợi nhuận dự kiến không được ghi nhận. Hay cụ thể hơn, đây là việc áp dụng nguyên tắc thận trọng thống nhất theo chính sách đã được quy định trước, không phụ thuộc vào các điều kiện về tác động của chúng. Các ví dụ về thận trọng kế toán không điều kiện bao gồm chi phí cho hầu hết các tài sản vô hình được phát triển nội bộ, khấu hao tài sản, máy móc, thiết bị cao hơn mức khấu hao kinh tế (hay còn gọi là khấu hao nhanh),…
  • Thận trọng kế toán có điều kiện có nghĩa là giá trị sổ sách bị ghi giảm giá trị trong những hoàn cảnh bất lợi nhưng không được ghi tăng giá trị khi gặp trường hợp thuận lợi. Thận trọng kế toán có điều kiện đòi hỏi những khoản lỗ kinh tế phải được công nhận một cách kịp thời hơn so với lợi ích kinh tế. Một điểm khác biệt khác giữa thận trọng kế toán không điều kiện và có điều kiện liên quan đến tác động của nó đối với hiệu quả hợp đồng. Ball và Shivakumar (2005) chỉ ra rằng thận trọng kế toán có điều kiện có thể cải thiện hợp đồng và hiệu quả đầu tư thông qua sự thừa nhận kịp thời các khoản lỗ, điều này sẽ hạn chế các hành động cơ hội của nhà quản lý. Tuy nhiên, thận trọng kế toán không điều kiện sẽ ngăn cản thận trọng kế toán có điều kiện trong việc nâng cao hiệu quả hợp đồng và thậm chí có thể bóp méo các báo cáo tài chính được các nhà đầu tư sử dụng. Ngoài ra, Qiang (2007) cung cấp bằng chứng thực nghiệm rằng thận trọng kế toán có điều kiện và không điều kiện có quan hệ ngược chiều với nhau và đóng vai trò khác nhau trong các doanh nghiệp.

Cả hai loại thận trọng kế toán có điều kiện và không có điều kiện đều dẫn đến giá trị sổ sách của tài sản thuần bị khai thấp hơn so với giá trị thị trường của nó (Kabir và Laswad, 2014).

2.3. Lý thuyết nền tảng liên quan Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả nhận định rằng để giải thích tác động của thận trọng kế toán đến giá trị thích hợp thông tin các học giả trên thế giới không đưa ra một lý thuyết nền tảng cụ thể để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, họ chỉ đề cập đến lý thuyết kế toán giải thích cho việc áp dụng kế toán thận trọng. Do đó, trong nội dung phần này, tác giả trình bày về lý thuyết nền tảng được sử dụng trong các nghiên cứu về thận trọng kế toán nhằm giải thích về sự hiện diện hoặc không hiện diện của thận trọng kế toán trong dữ liệu nghiên cứu tại Việt Nam sẽ được trình bày cụ thể trong phần 3.3 về giả thuyết nghiên cứu được đề xuất. Một lý thuyết nền tảng được nhiều tác giả sử dụng trong nghiên cứu của mình về thận trọng kế toán là lý thuyết ủy nhiệm (Agency cost). Lý thuyết này đầu tiên do Ross (1973) đề xuất và tiếp đó được phát triển bởi Jensen & Meckling (1976). Lý thuyết này tập trung đề cập đến mối quan hệ giữa bên ủy nhiệm (principals) và bên được ủy nhiệm (agents).

Theo đó, bên ủy nhiệm sẽ chỉ định bên được ủy nhiệm thực hiện thay cho họ một số dịch vụ, trong đó bao gồm một mức độ thẩm quyền ra quyết định cho bên được ủy nhiệm (bao gồm cả việc trao thẩm quyền để ra quyết định định đoạt tài sản của công ty). Bên được ủy nhiệm được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích tối đa cho bên ủy nhiệm, tuy nhiên cả hai bên đều theo đuổi những lợi ích riêng cho bên mình. Điều này cũng có nghĩa là tồn tại sự mâu thuẫn giữa hai bên ủy nhiệm và được ủy nhiệm, từ đó phát sinh một khoản chi phí ủy nhiệm (agency cost) mà hai bên phải gánh chịu.

Mối quan hệ này này được thể hiện qua hai trường hợp: (1) mối quan hệ giữa cổ đông (người sở hữu phần vốn của doanh nghiệp) và Ban giám đốc (người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp, và (2) mối quan hệ giữa chủ nợ và công ty sử dụng vốn vay. Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

Trong mối quan hệ giữa cổ đông và Ban giám đốc luôn tồn tại sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành. Theo đó, các cổ đông của công ty sẽ tiến hành bổ nhiệm các nhà quản lý để điều hành mọi hoạt động hàng ngày nhằm thực hiện công việc quản lý công ty thay cho họ. Tuy nhiên trong mối quan hệ này, cả hai bên đều mong muốn tối đa hóa lợi ích của mình. Cụ thể, các cổ đông mong muốn tối đa hóa giá trị công ty, đạt mức tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Bên cạnh đó, các nhà quản lý lại theo đuổi những mục đích riêng của họ và có thể những mục đích này không phù hợp, nhất quán với mục đích mà các cổ đông đã đưa ra. Xung đột giữa hai bên sẽ phát sinh khi xuất hiện tình trạng thông tin bất cân xứng (information asymmetry) giữa nhà quản lý công ty và các cổ đông. Cả hai bên đều tồn tại những lợi ích khác nhau và vấn đề này cần được giải quyết bằng cách sử dụng các cơ chế thích hợp để có thể hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa các bên, thông qua thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các nhà quản trị, và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người quản lý công ty.

Trong mối quan hệ giữa chủ nợ và cổ đông của công ty vay nợ, chủ nợ không trực tiếp sử dụng vốn để đầu tư, kinh doanh để kiếm lời. Thay vào đó, họ kinh doanh quyền sử dụng vốn, tức trao quyền sử dụng vốn cho công ty sử dụng vốn, thu lãi và thu hồi lại vốn sau thời hạn sử dụng vốn vay. Vũ Hữu Đức (2010) đã dẫn lại các kết quả nghiên cứu của Smith và các tác giả (1979) về một số trường hợp phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên như sau: (a) công ty vay nợ trả cổ tức cho các cổ đông cao hơn cho các chủ sở hữu, làm cho các tài sản đảm bảo thanh toán cho chủ nợ bị giảm, từ đó ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính liên quan đến thanh toán nợ; (b) việc sử dụng vốn vay vào các dự án có rủi ro quá cao, trong khi hợp đồng tín dụng đã được ký kết trước đó với một mức lãi suất cố định chỉ giúp đem lại lợi ích cao hơn cho bên đi vay, khi dự án gặp rủi ro hoặc có biến cố xấu, chủ nợ có nguy cơ không thể thu hồi vốn gốc và lãi như đã thỏa thuận trong khi nếu dự án tốt, mức lợi nhuận cao chủ nợ cũng không được hưởng một mức lãi cao hơn; (c) việc tăng nợ vay trong cơ cấu vốn của công ty có thể giúp tăng suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cũng như tận dụng được lá chắn thuế từ lãi vay. Tuy nhiên, sử dụng nợ vay cao góp phần làm cơ cấu nguồn vốn của công ty rủi ro hơn. Ngoài ra, các chủ nợ cũng có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn khi công ty không có khả năng hoàn trả vốn vay và lãi vay.

Khi áp dụng kế toán thận trọng, lợi nhuận hàm chứa tin xấu theo một cơ chế kịp thời hơn so với tin tốt. Do đó, kế toán thận trọng được coi là một trong những kỹ thuật làm giảm chi phí ủy nhiệm và bảo vệ lợi ích cho cổ đông của công ty, hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa cổ đông và Ban giám đốc (LaFond và Roychowdury, 2008). Ngoài ra, tình trạng bất cân xứng thông tin giữa chủ nợ và cổ đông khiến cho các chủ nợ yêu cầu áp dụng kế toán thận trọng để có các thông tin xấu liên quan đến công ty một cách kịp thời và có những phản ứng phù hợp để bảo vệ lợi ích của mình (Watts, 2003a; Basu, 1997).

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Nội dung chương 2 của luận văn đã trình bày các định nghĩa về giá trị thích hợp thông tin, thận trọng kế toán dưới quan điểm của các tổ chức lập quy trên thế giới cũng như do các học giả xây dựng và phát triển. Ngoài ra, tác giả cũng đã khái quát về các hình thức của thận trọng kế toán dưới góc nhìn của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế và của các học giả trên thế giới. Thêm vào đó, người viết đã trình bày lý thuyết nền tảng liên quan được sử dụng để giải thích cho việc áp dụng kế toán thận trọng. Theo đó, áp dụng kế toán thận trọng là một trong những kỹ thuật làm giảm chi phí ủy nhiệm và bảo vệ lợi ích cho cổ đông của công ty. Liên quan đến việc giải thích tác động của thận trọng kế toán đến giá trị thích hợp của thông tin, các học giả trên thế giới không trình bày cụ thể một lý thuyết cụ thể nào để giải quyết vấn đề này. Thay vào đó, các học giả chỉ trình bày bản chất thận trọng của hệ thống kế toán quốc gia và ảnh hưởng của nó đến tính thích hợp của thông tin trên báo cáo tài chính được cung cấp cho các đối tượng sử dụng. Trong nội dung chương tiếp theo, tác giả tiếp tục trình bày cụ thể về phương pháp nghiên cứu được thực hiện trong luận văn. Luận văn: Khái quát giá trị thích hợp của thông tin kế toán

XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY    

===>>> Luận văn: Thực trạng quy trình nghiên cứu thông tin tài chính

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x