Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị công ty và hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.

2.1 Hành vi điều chỉnh lợi nhuận

2.1.1 Các lý thuyết nền tảng Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

2.1.1.1 Lý thuyết đại diện (agency theory)

Ngay từ thế kỷ 18, Adam Smith đã đề cập đến vấn đề tư lợi cá nhân rằng trong doanh nghiệp, các cổ đông (bên ủy quyền) không nên kỳ vọng và tin tưởng rằng người quản lý công ty (bên đại diện) sẽ hành động như họ muốn, bởi lẽ người quản lý công ty luôn có xu hướng thiếu siêng năng, mẫn cán và lợi dụng vị trí của mình để tìm kiếm lợi ích cá nhân cho chính họ hơn là cho các cổ đông và công ty và vấn đề này được đề cập sâu sắc trong lý thuyết đại diện.

Lý thuyết đại diện được hiểu là một mối quan hệ hợp đồng giữa một hoặc nhiều người (bên ủy quyền-principals) với một người khác (bên đại diện- agency) để thực hiện một số công việc, và do đó đã chuyển quyền ra các quyết định cho người đại diện (Jensen & Meckling, 1976). Mối quan hệ giữa bên ủy quyển và bên đại diện xuất hiện trong công ty đại chúng là giữa chủ sở hữu và nhà quản lý (Mitnick, 1973).

Lý thuyết đại diện cho rằng nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích cá nhân của mình thay vì tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Lý thuyết này cho rằng trong thị trường vốn và thị trường lao động không hoàn hảo, nhà quản lý sẽ cố gắng tối đa hóa tiêu dùng cá nhân bằng chi phí phải gánh chịu bởi cổ đông. Bên đại diện có khả năng điều hành hoạt động của doanh nghiệp dựa trên lợi ích cá nhân của họ thay vì lợi ích của cổ đông bởi vì có sự bất đối xứng thông tin (thí dụ, nhà quản lý có sự hiểu biết nhiều hơn cổ đông về khả năng họ đạt được mục tiêu) và những điều không chắc chắc (ví dụ, vô số các yếu tố cấu thành nên kết quả cuối cùng, và không có bằng chứng là có phải bên đại diện đã trực tiếp chi phối kết quả đạt được, theo hướng tích cực hoặc tỷ lệ nghịch). Hành vi tư lợi cá nhân của nhà quản lý còn bao gồm cả việc tiêu thụ một số nguồn lực của doanh nghiệp dưới hình thức bổng lộc và tránh các nguy cơ rủi ro, theo đó các nhà quản lý sợ rủi ro sẽ bỏ qua các cơ hội mang lại lợi nhuận mà trong đó các cổ đông của công ty sẽ thích họ đầu tư.

Như vậy, hành vi tư lợi xảy ra khi có sự tách biệt về quyền sở hữu và quyền kiểm soát hay chính là do mẫu thuẫn lợi ích giữa nhà quản lý và các cổ đông. Để giảm thiểu hành vi này các cổ đông nên gắn kết nhà quản lý với lợi ích chung của cổ đông và doanh nghiệp. Hay các cổ đông nên gánh chịu thêm chi phí đại diện (agency cost) như là thưởng cho nhà quản lý. Các hình thức thưởng cho nhà quản lý như thưởng bằng tiền mặt và cổ phiếu dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh dài hạn (long-term bonus), thưởng bằng quyền chọn mua cổ phiếu (stock options grant) hoặc thưởng dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh đạt được (performance unit grant), và thưởng cổ phiếu có điều kiện (restricted stock grant). Tuy nhiên, vấn đề chi phí đại diện như lương, thưởng có thể là con dao hai lưỡi. Khi các cổ đông gánh chịu chi phí đại diện dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh thì các nhà quản lý sẽ cố gắng đạt được kết quả kinh doanh tốt với mong muốn nhận được lợi ích từ đó. Nếu không thể điều hành tốt có thể nhà quản lý sẽ sử dụng các thủ thuật để đạt được mong muốn cá nhân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:

===>>> Dịch Vụ Viết Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế

2.1.1.2 Lý thuyết các bên có liên quan (stakeholder theory)

Lý thuyết các bên liên quan là một lý thuyết về quản lý tổ chức và đạo đức kinh doanh trong việc quản lý một tổ chức. Ban đầu nó được chi tiết bởi Edward (1984) với cách tiếp cận nhằm giải quyết “nguyên tắc ai hay cái gì cần quan tâm nhất” (principle of who or what really counts).

Trong quan điểm truyền thống của một công ty, các cổ đông chỉ xem chủ sở hữu hoặc các cổ đông của công ty là quan trọng, và công ty có một nhiệm vụ ủy thác rằng buộc để đặt nhu cầu của họ lên trước tiên và để tăng giá trị cho họ. Thay vào đó lý thuyết các bên liên quan lập luận rằng có những bên có liên quan, bao gồm nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, các nhà tài chính, cộng đồng, các cơ quan chính phủ, các nhóm chính trị, các hiệp hội thương mại và tổ chức công đoàn. Ngay cả đối thủ cạnh tranh đôi khi được tính là các bên liên quan – tình trạng của họ được bắt nguồn từ khả năng ảnh hưởng đến các công ty và các bên liên quan.

Theo đó, nhà quản lý với tư cách là người đại diện cho cổ đông phải đưa ra các quyết định kinh tế đảm bảo sự tồn tại, phát triển của doanh nhiệp, đồng thời bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

2.1.1.3 Lý thuyết tín hiệu (signaling theory) Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Lý thuyết tín hiệu lần đầu tiên được nhắc đến trong nghiên cứu của G.A.Akerlof (1970) (Lê An Khang, 2007, trang 22), sau đó tiếp tục được phát triển bởi M.Spence (1973) và J.Sigtiz (1975) (Lê An Khang, 2007, trang 23). Lý thuyết này đề cập đến sự tồn tại của thông tin bất cân xứng (information asymmetry). Thông tin bất cân xứng trên xảy ra khi một bên đối tác nắm giữ thông tin còn bên khác thì không biết đích thực mức độ thông tin ở mức nào đó. Hậu quả của thông tin bất cân xứng là gây ra lựa chọn bất lợi khi thông tin bị che đậy trước khi kí kết hợp đồng và xuất hiện tâm lý ỷ lại sau khi kí kết hợp đồng.

Trong doanh nghiệp thông tin bất cân xứng xuất hiện trong quan hệ nhà quản lý với các cổ đông và doanh nghiệp với nhà đầu tư. Doanh nghiệp không phát tín hiệu hoặc phát tín hiệu không chính xác sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư. Hay nhà quản lý là người trực tiếp điều hành sẽ nắm rõ thông tin doanh nghiệp nhưng cố tình che đậy gây ra lựa chọn bất lợi cho các cổ đông và tâm lý ỷ lại của nhà quản lý.

2.1.2 Định nghĩa hành vi điều chỉnh lợi nhuận

Hành vi điều chỉnh lợi nhuận đã trở thành một lĩnh vực được nghiên cứu sâu rộng trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Các nhà nghiên cứu thường phát triển định nghĩa riêng của họ về hành vi điều chỉnh lợi nhuận để phù hợp với mục đích của họ ( Noronha, et al., 2008).

Trong nghiên cứu này tác giả xin trình bày định nghĩa về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của Healy & Wahlen (1999) như sau:

“Hành vi điều chỉnh lợi nhuận xuất hiện khi các nhà quản lý sử dụng các xét đoán trong báo cáo tài chính và trong cấu trúc các nghiệp vụ kinh tế để thay đổi báo cáo tài chính nhằm đánh lừa các bên có liên quan về kết quả hoạt động kinh doanh tiềm ẩn của doanh nghiệp, hoặc nhằm tác động đến các kết quả của hợp đồng mà chúng phụ thuộc vào số liệu kế toán được báo cáo”.

Theo định nghĩa trên ta có thể hiểu nhà quản lý có hai thủ thuật để tác động điều chỉnh lợi nhuận theo mong muốn chủ quan. Hai thủ thuật điều chỉnh lợi nhuận sẽ được tác giả trình bày trong phần 2.1.3

2.1.3 Thủ thuật điều chỉnh lợi nhuận Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

2.1.3.1 Thủ thuật điều chỉnh lợi nhuận thông qua các xét đoán kế toán

Xét đoán kế toán đối với hàng tồn kho

Chuẩn mực kế toán cho phép nhà quản lý lựa chọn phương pháp đánh giá hàng tồn kho khác nhau như phương pháp nhập trước – xuất trước, bình quân gia quyền hay thực tế đích danh. Phương pháp đánh giá hàng tồn kho khác nhau sẽ tác động làm giá trị hàng tồn kho cuối kỳ khác nhau và giá vốn hàng bán khác nhau ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán. Ví dụ, trong thời kì lạm phát với giá mua hàng tăng cao thì việc lựa chọn chính sách đánh giá hàng tồn kho theo phương pháp nhập trước – xuất trước sẽ làm tăng giá trị hàng tồn kho cuối kì và làm giảm giá vốn hàng bán hơn so với phương pháp bình quân gia quyền, do đó sẽ làm tăng lợi nhuận hơn so với việc sử dụng phương pháp bình quân gia quyền.

Chuẩn mực kế toán cũng yêu cầu hàng tồn kho phải trình bày theo giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được. Khi giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá gốc hàng tồn kho thì doanh nghiệp cần lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Khoản mục dự phòng giảm giá hàng tồn kho mang tính xét đoán cao vì vậy các nhà quản lý thường thao tác nhằm tác động đến lợi nhuận theo mong muốn. Nhà quản lý có thể lập dự phòng nhiều hơn (hoặc thấp hơn) mức thực tế nhằm làm tăng (hoặc giảm) giá vốn hàng bán để làm giảm (hoặc tăng) lợi nhuận.

Xét đoán kế toán đối với lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

Khi doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng một hạn mức tín dụng thì doanh nghiệp sẽ phát sinh khoản nợ phải thu. Chuẩn mực kế toán quy định nợ phải thu phải được được trình bày theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Có nghĩa doanh nghiệp cần phải ước tính khoản nợ phải thu khó đòi để lập dự phòng. Căn cứ lập dự phòng là phải có những bằng chứng đáng tin cậy như nợ phải thu quá hạn ghi trong hợp đồng kinh tế, khế ước vay…, doanh nghiệp đã làm thủ tục đòi nợ nhiều lần nhưng vẫn chưa thu hồi được. Như vậy, doanh nghiệp có thể thao tác tuổi nợ để lập dự phòng làm tăng (hoặc giảm) chi phí và giảm (hoặc tăng) lợi nhuận. Trường hợp thứ hai phải lập dự phòng là khi doanh nghiệp có đủ bằng chứng về một khoản nợ chưa đến hạn nhưng khách hàng lâm vào tình trạng phá sản hoặc tổn thất lớn mất khả năng thanh toán, trường hợp này doanh nghiệp phải ước tính tỷ lệ nợ không thể thu hồi để lập dự phòng. Doanh nghiệp có thể ước tính tỷ lệ cao (hoặc thấp hơn) để giảm (hoặc tăng) lợi nhuận.

Xét đoán kế toán đối với tài sản cố định

Chuẩn mực kế toán cho phép nhà quản lý lựa chọn phương pháp khấu hao khác nhau như phương pháp khấu hao đường thẳng, khấu hao theo số dư giảm dần hay khấu hao theo số lượng sản phẩm. Phương pháp khấu hao khác nhau sẽ tác động làm chi phí khấu hao khác nhau nên lợi nhuận sẽ khác nhau. Ví dụ, nhà quản lý muốn giảm lợi nhuận trong những năm đầu khi mua tài sản thì sẽ chọn phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần thay vì khấu hao theo đường thẳng.

Nhà quản lý cũng thao tác lợi nhuận thông qua việc ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Việc ước tính này mang tính xét đoán nên nhà quản lý có thể ước tính tăng thời gian sử dụng hữu ích của tài sản để làm giảm chi phi phí khấu hao và tăng lợi nhuận hoặc ngược lại.

Ngoài ra, nhà quản lý cũng có thể tác động đến việc vốn hóa chi phí trong sửa chữa lớn tài sản cố định để tăng lợi nhuận.

Các khoản mang tính chất xét đoán khác

Ngoài lựa chọn những chính sách kế toán về hàng tồn kho, tài sản cố định và nợ phải thu khó đòi thì các khoản mục mang tính chất ước tính khác cũng được nhà quản lý sử dụng trong điều chỉnh lợi nhuận như ước tính dự phòng đầu tư ngắn hạn, dài hạn, chi phí bảo hành, chi phí lương hưu, tỷ lệ hoàn thành hợp đồng dài hạn..

2.1.3.2 Thủ thuật điều chỉnh lợi nhuận thông qua cấu trúc các nghiệp vụ kinh tế Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Cắt giảm chi phí hữu ích

Doanh nghiệp có thể cắt giảm các chi phí hữu ích như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí quảng cáo, chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị để tránh lỗ hay duy trì mức lợi nhuận kì vọng.

Hoạt động bán hàng

Doanh nghiệp có thể tăng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc thực hiện giao dịch vào cuối kỳ kế toán với khách hàng mà không yêu cầu khách hàng thanh toán ngay. Giao dịch này được thừa nhận như là bán hàng trả chậm, chứ không phải là bán hàng qua đại lý và sẽ làm tăng doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ. Thủ thuật này chính là việc chuyển doanh thu và lợi nhuận của kỳ sau sang kỳ báo cáo.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng chính sách giá buộc khách hàng tự nguyện tăng doanh số trong kỳ bằng việc thông báo sẽ tăng giá vào đầu năm sau. Khách hàng sẽ phản ứng lại bằng việc sẵn sàng mua sản phẩm của doanh nghiệp để chờ tăng giá. Hay doanh nghiệp sẵn sàng nới lỏng hạn mức tín dụng để tăng kích thích mua hàng làm tăng sản lượng. Việc nới lỏng hạn mức tín dụng có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn khi có quá nhiều khoản nợ phải thu và có thể sẽ làm phát sinh nhiều khoản nợ phải thu khó đòi gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất

Trong điều kiện thông thường, mỗi doanh nghiệp thường xác định một mức công suất sản xuất tối ưu, tùy thuộc vào năng lực nội tại cũng như điều kiện thị trường. Tuy nhiên, trong trường hợp cần phải tăng lợi nhuận, công ty có thể quyết định sản xuất vượt mức công suất tối ưu. Điều này cho phép công ty giảm giá thành đơn vị sản phẩm nhờ tận dụng chi phí cố định. Mặt trái của biện pháp này là máy móc thiết bị phải làm việc quá mức, ảnh hưởng tiêu cực tối năng suất và độ bền. Ngoài ra, sản phẩm làm ra nhiều, nếu không bán được, sẽ phát sinh chi phí bảo quản và hàng tồn kho lâu ngày sẽ bị giảm giá trị.

Hoạt động thanh lý tài sản

Doanh nghiệp có thể lựa chọn thời điểm thanh lý tài sản để điều chỉnh lợi nhuận vì lãi/lỗ từ thanh lý tài sản sẽ được ghi nhận vào báo cáo kết quả HĐKD. Ví dụ, nếu việc thanh lý tài sản gây ra một khoản lỗ trong khi doanh nghiệp đang mong muốn tăng lợi nhuận thì có thể doanh nghiệp sẽ trì hoãn việc thanh lý tài sản đó.

Hoạt động đầu tư tài chính

Doanh nghiệp có thể sẽ trì hoãn việc bán các khoản đầu tư không hiệu quả để tránh lỗ trong kì báo cáo. Mặc dù, có thể tránh lỗ trong kì báo cáo nhưng việc tiếp tục nắm giữ các khoản đầu tư không hiệu quả này có thể sẽ càng gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp trong tương lai.

Hay doanh nghiệp sẽ bán ngay các khoản đầu tư hiệu quả để tăng lợi nhuận trong kì báo cáo, động thái này thường được ví như việc gặt lúa non, vì công ty đã tự bỏ qua tiềm năng sinh lợi lớn từ các khoản đầu tư này trong những năm tiếp theo.

Một động thái khác doanh nghiệp có thể sử dụng là tác động đến việc mua cổ phiếu quỹ với hi vọng làm tăng EPS.

2.1.4 Động cơ của hành vi điều chỉnh lợi nhuận

Việc thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận là nhằm thu được những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp hay cho nhà quản lý, cũng có thể là nhằm bảo đảm các hợp đồng mà có các điều khoản rằng buộc dựa trên thông tin kế toán. Theo đó, có bốn động cơ chính của hành vi điều chỉnh lợi nhuận đã được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu là động cơ hợp đồng bồi thường quản lý, động cơ giao ước nợ, động cơ thị trường vốn và động cơ pháp lý.

2.1.4.1 Động cơ hợp đồng bồi thường quản lý

Nhà quản lý có xu hướng hành động để tối đa hóa lợi ích của mình. Đây chính là hành vi tư lợi đã được nhắc đến trong lý thuyết đại diện. Khi hợp đồng bồi thường quản lý dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như chỉ số lợi nhuận hoặc doanh thu thì các nhà quản lý sẽ có động cơ để thực hiện hành vi tư lợi. Watts & Zimmerman (1990) cho rằng các nhà quản lý có động lực để thúc đẩy báo cáo lợi nhuận từ tương lai đến kỳ kế toán hiện hành khi một kế hoạch giải thưởng tồn tại dựa trên lợi nhuận.

Healy (1985) cũng đưa ra kết luận rằng nhà quản lý sử dụng các xét đoán kế toán để tăng thu nhập nhằm đạt được khoản tiền thưởng theo thu nhập. Nghiên cứu mới đây của Noronha & các cộng sự (2008) cho thấy động cơ hợp đồng bồi thường quản lý là động cơ mạnh mẽ nhất cho hành vi điều chỉnh lợi nhuận tại các công ty đại chúng của Trung Quốc.

2.1.4.2 Động cơ giao ước nợ Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Các ngân hàng và chủ nợ thường yêu cầu doanh nghiệp đạt được một kết quả kinh doanh nhất định thể hiện qua số liệu kế toán. Nếu doanh nghiệp không thực hiện được như trong giao ước nợ thì sẽ phải chịu áp lực mạnh từ ngân hàng và chủ nợ thông qua việc ngừng cấp vốn hoặc các khoản phạt do vi phạm giao ước nợ đã kí. Defond & Jiambalvo (1994) xem xét các một mẫu gồm 90 công ty vi phạm giao ước nợ và thấy rằng các công ty thao tác làm tăng thu nhập một năm trước năm vi phạm. Sweeney (1994) sử dụng một mẫu 130 doanh nghiệp vi phạm giao ước nợ, cung cấp bằng chứng cho thấy rằng trong những năm trước khi vi phạm, các công ty phải đối mặt với chi phí cao khiến họ thao tác bằng cách thay đổi các quy trình kế toán mặc định của họ để làm tăng thu nhập.

2.1.4.3 Động cơ thị trường vốn

Khi có các áp lực thị trường vốn như để đạt được lợi nhuận mục tiêu, phát hành cổ phiếu ra công chúng hay hoạt động sát nhập và mua bán doanh nghiệp thì có thể sẽ xuất hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Burgstahler & Dichev (1997) cung cấp bằng chứng cho thấy nhà quản lý điều chỉnh lợi nhuận để báo cáo tăng hoặc tránh lỗ. Đã có nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng các công ty thực hiện điều chỉnh lợi nhuận trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng. Tại Việt Nam, Huỳnh Thị Bích Vân (2012) cung cấp bằng chứng cho thấy phần lớn các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh tăng lợi nhuận trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Cũng có bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp cũng thổi phồng lợi nhuận nhằm tăng giá cổ phiếu trước hoạt động sát nhập (Erickson &Wang, 1999).

2.1.4.4 Động cơ pháp lý Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Các nghiên cứu chỉ ra rằng các quy định về pháp lý cũng là động cơ làm xuất hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Như là quy định các ngân hàng phải có một khoản tồn quỹ nhất định, hay các công ty bảo hiểm phải có một tình hình tài chính tốt, hay các doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng thiết bị thì phải đạt một số chỉ tiêu về tỷ suất sinh lời nhất định (Nguyễn Trí Tri, 2012). Với quy định khắt khe đó có thể dẫn tới các doanh nghiệp trong ngành này khi gặp khó khăn họ có thể sẽ thao tác để đáp ứng quy định. Hoặc quy định về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có thể là động cơ gây ra hành vi chi điều chỉnh lợi nhuận. Baralexis (2004) phát hiện ra rằng các công ty nhỏ đang thực sự quan tâm nhiều hơn về tiết kiệm chi phí thuế trong cân nhắc điều chỉnh lợi nhuận. Như nghiên cứu của Noronha & các cộng sự (2008) cho thấy các công ty tư nhân tại Trung Quốc điều chỉnh lợi nhuận vì muốn giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Tương tự, Nguyễn Thị Minh Trang (2012) cũng cho thấy các doanh nghiệp không niêm yết tại Việt Nam có xu hướng điều chỉnh giảm lợi nhuận để tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

2.1.5 Hậu quả của hành vi điều chỉnh lợi nhuận

Các nhà điều tiết tin rằng hành vi điều chỉnh lợi nhuận là phổ biến và rất có vấn đề. Cựu Chủ tịch của SEC – Leviit (1998) cho rằng điều chỉnh lợi nhuận là một trò chơi của những con số (“Numbers game”) và là “một trò chơi nếu không được giải quyết sớm sẽ gây hậu quả xấu cho hệ thống báo cáo tài chính của nước Mỹ” (trích trong Biegelman & Bartow, 2012, p.65).

Các học giả nghiên cứu về kế toán lại có nhận thức khác nhau về tác động của hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Một số học giả cho rằng điều chỉnh lợi nhuận có thể có lợi bằng cách cung cấp một phương tiện cho quản lý để truyền tải thông tin cá nhân của họ dựa trên hoạt động công ty, và tác động của hành vi điều chỉnh lợi nhuận đối với các nhà đầu tư có thể được giảm thiểu nếu chi phí thông tin là thấp (Schipper, 1989; Arya, et al., 2003). Tuy nhiên, có một nguy cơ tiềm tàng trong việc mất mát tài sản của cổ đông khi mà có sự xung đột lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý. Khi nhà quản lý được bồi thường một cách rõ ràng hoặc hiển nhiên dựa trên hiệu quả hoạt động của công ty thì họ có thể sẽ che giấu hiệu quả hoạt động thực sự bằng cách điều chỉnh lợi nhuận để có được một khoản bồi thường cao hơn. Việc điều chỉnh lợi nhuận này cũng làm tăng thông tin bất đối xứng giữa nhà quản lý và các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư thường đánh giá giá cổ phiếu và đưa ra quyết định mua bán dựa trên thông tin thu thập. Một sự cung cấp thông tin sai lệch có thể gây ra cho các nhà đầu tư những quyết định sai lầm. Một số nghiên cứu tìm thấy rằng các nhà đầu tư rất nhạy cảm với hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Dechow & các cộng sự (1996) cung cấp bằng chứng cho thấy có một sự sụt giảm khoảng 9% trong giá cổ phiếu của những công ty đang bị SEC điều tra về hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Như vậy, hành vi điều chỉnh có thể gây bất lợi cho nhà đầu tư và thậm chí còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thực sự của công ty, hành vi điều chỉnh lợi nhuận thì tương đồng với nguy cơ phá sản (Võ Văn Nhị & Hoàng Cẩm Trang, 2013). Các công ty càng điều chỉnh lợi nhuận thì nguy cơ phá sản càng cao.

2.1.6 Mô hình nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận trong thực nghiệm Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Cơ sở của hành vi điều chỉnh lợi nhuận là kế toán theo cơ sở dồn tích. Kế toán cơ sở dồn tích là một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản nhất chi phối các phương pháp kế toán cụ thể trong kế toán doanh nghiệp.

Kế toán cơ sở dồn tích (Accrual basic) là phương pháp kế toán dựa trên cơ sở Dự thu – Dự chi. Theo đó, mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. Lợi nhuận theo cơ sở dồn tích là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Từ đó, báo cáo tài chính (BCTC) nói chung và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQKD) nói riêng được lập trên cơ sở dồn tích phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế trong kỳ, kế toán theo cơ sở dồn tích cho phép theo dõi các giao dịch kéo dài qua các kỳ khác nhau, như nợ phải thu, nợ phải trả, khấu hao, dự phòng,… Kế toán cơ sở dồn tích mang lại cơ hội cho nhà quản lý điều chỉnh lợi nhuận thông qua các giao dịch không bằng tiền nhằm đạt được mục tiêu nào đó.

Kế toán cơ sở tiền (Cash basis) là phương pháp kế toán dựa trên cơ sở Thực thu – Thực chi tiền. Theo phương pháp này thu nhập và chi phí chỉ được ghi nhận khi thực thu tiền và thực chi tiền. Ngược lại với kế toán theo cơ sở dồn tích, kế toán theo cơ sở tiền chỉ cho phép ghi nhận các giao dịch khi các giao dịch này phát sinh bằng tiền. Kế toán theo cơ sở tiền có một ưu điểm nổi bật là tính khách quan cao, tiền thu vào và chi ra là những hoạt động hữu hình, cụ thể không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà quản lý.

Nếu lợi nhuận được xác định theo cơ sở tiền, lợi nhuận và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong một kỳ sẽ bằng nhau. Tuy nhiên, kế toán theo cơ sở tiền hiện nay được sử dụng để lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT). Từ đó, lợi nhuận trình bày trên BCKQHĐKD và dòng tiền trình bày trên BCLCTT có một độ vênh. Các nhà nghiên cứu kế toán gọi độ vênh đó là tổng biến kế toán dồn tích (Total accruals-TA) và được tính bằng công thức:

Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD được lập trên cơ sở tiền nên không thể điều chỉnh được, muốn điều chỉnh lợi nhuận thì nhà quản lý phải điều chỉnh tổng biến kế toán dồn tích. Trong tổng biến kế toán dồn tích lại gồm biến kế toán dồn tích không điều chỉnh (Nondiscretionary accruals – NDA) và dồn tích có điều chỉnh (Discrectionary accruals – DA). Biến NDA phản ánh điều kiện kinh doanh cụ thể của từng đơn vị do đó không bị điều chỉnh bởi nhà quản lý, ví dụ như độ dài của chu kì kinh doanh, chu kì sống của sản phẩm. Ngược lại biến DA thì nhà quản lý có thể điều chỉnh thông qua việc lựa chọn chính sách kế toán hay tác động vào nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng biến DA đại diện cho hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhưng các nhà nghiên cứu không thể quan sát một cách trực tiếp. Vì vậy, các nhà nghiên cứu phải thông qua hai cách: một là xem xét sự lựa chọn chính sách kế toán và hai là tính toán biến NDA. Trong nghiên cứu này tác giả sẽ trình bày mô hình hồi quy để tính toán biến NDA của Dechow & các cộng sự (1995). Mô hình này còn được gọi là mô hình Modified Jones vì mô hình vẫn tiếp cận dựa trên khoản thay đổi trong doanh thu và tài sản của doanh nghiệp như Jones (1991). Điểm khác giữa mô hình Dechow & các cộng sự (1995) so với mô hình Jones (1991) là có thêm vào khoản thay đổi trong nợ phải thu.

Tại Việt Nam, tác giả Phạm Thị Bích Vân (2012) đã sử dụng mô hình Dechow & các cộng sự (1995) để nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp tại Việt Nam và kết luận mô hình này không phù hợp để nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo tác giả trong nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Bích Vân thì tác giả Phạm Thị Bích Vân đã tiếp cận dựa trên khoản doanh thu và nợ phải thu thay vì khoản thay đổi trong doanh thu và khoản thay đổi trong nợ phải thu như Dechow & các cộng sự (1995).

Nghiên cứu này của tác giả là nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị công ty và hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhằm tìm ra yếu tố giám sát giúp làm giảm hành vi điều chỉnh lợi nhuận nên tác giả không đi sâu vào đánh giá mô hình. Do đó, trong nghiên cứu này tác giả vẫn sẽ sử dụng mô hình Dechow & các cộng sự (1995) để nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận vì tính phổ biến của mô hình và vì các nghiên cứu liên quan trong bài hầu hết đều sử dụng mô hình này để nhận diện hành điều chỉnh lợi nhuận như Peasnell, et al., 2000; Xie, et al., 2001; Park & Shin 2004; Klein 2006; Lei, 2006; Cornett, et al., 2007; Gluzar &Wang, 2011; Sukeecheep, et al., 2013.

Mô hình hồi quy (1) sẽ được sử dụng để ước lượng biến NDA thông qua biến TA.

Trong đó:

  • TAit là tổng biến dồn tích công ty i trong năm t
  • DAit là biến dồn tích có điều chỉnh công ty i trong năm t
  • NDAit là biến dồn tích không điều chỉnh công ty i trong năm t
  • Ait-1 là tổng tài sản công ty i trong năm t -1
  • ∆REVit là sự biến động trong doanh thu công ty i năm t so với năm t-1
  • ∆ARit là biến động trong nợ phải thu công ty i năm t so với năm t-1
  • PPEit là tổng tài sản cố định hữu hình công ty i trong năm t
  • εit là phần dư của mô hình

Theo đó, biến DA được đo lường theo phương trình (3) như sau:

DAit = TAit – NDAit  (2)

Chia cả hai vế của phương trình (2) cho Ait-1 ta có,

2.2 Quản trị công ty

2.2.1 Định nghĩa về quản trị công ty (Corporate governance) Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Trước tiên ta phân biệt giữa khái niệm quản trị công ty (corporate governance) và quản trị kinh doanh (business management). Quản trị kinh doanh là điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Ban giám đốc thực hiện. Quản trị công ty là một quá trình giám sát và kiểm soát được thực hiện để bảo đảm cho việc thực thi quản trị kinh doanh phù hợp với lợi ích của các cổ đông. Quản trị công ty có nghĩa rộng còn hướng đến đảm bảo quyền lợi của những người liên quan, không chỉ là cổ đông mà còn bao gồm cả các nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, môi trường và các cơ quan nhà nước.

Quản trị công ty đề cập đến việc thiết lập các hệ thống, các nguyên tắc và các quy trình mà một công ty được quản lý. Và cung cấp các hướng dẫn làm thế nào để các công ty có thể được hướng dẫn hoặc kiểm soát sao cho nó có thể thực hiện các mục đích và mục tiêu theo cách tăng thêm giá trị cho công ty và có lợi cho tất cả các bên liên quan trong dài hạn. Do đó ban quản lý công ty sẽ đảm nhiệm vai trò của một người được ủy thác cho tất cả những người khác.

Theo OECD thì quản trị công ty là hệ thống được xây dựng để điều khiển và kiểm soát các doanh nghiệp. Cấu trúc quản trị công ty chỉ ra cách thức phân phối quyền và trách nhiệm trong số những thành phần khác nhau có liên quan tới công ty cổ phần như Hội đồng quản trị, Giám đốc, cổ đông, và những chủ thể khác có liên quan. Quản trị công ty cũng giải thích rõ quy tắc và thủ tục để ra các quyết định liên quan tới vận hành công ty. Bằng cách này, Quản trị công ty cũng đưa ra cấu trúc thông qua đó người ta thiết lập các mục tiêu công ty, và cả phương tiện để đạt được mục tiêu hay giám sát hiệu quả công việc.

2.2.2 Vai trò của quản trị công ty

Quản trị công ty ảnh hưởng đến giá cố phiếu cũng như kết quả hoạt động của công ty ( Gupta & Sharma, 2014). Theo đó, quản trị tốt sẽ mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư, nhiều lợi ích hơn cho các thành viên khác trong công ty. Kết quả là các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho cổ phiếu của những công ty quản trị tốt. Các ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay, thậm chí với lãi suất thấp hơn, vì quản trị tốt sẽ làm giảm khả năng các khoản vay sẽ được sử dụng không đúng mục đích và tăng khả năng công ty sẽ trả các khoản vay đầy đủ và đúng hạn. Ngược lại, quản trị không tốt thường dẫn đến những hậu quả xấu, thậm chí phá sản công ty. Sự sụp đổ của một số công ty lớn trên thế giới như Enron, WorldCom đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thực hiện quản trị công ty không tốt. Quản trị công ty tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa các mối quan hệ giữa Hội đồng quản trị, ban giám đốc, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan trong doanh nghiệp, từ đó tạo nên định hướng và sự kiểm soát quá trình phát triển của doanh nghiệp.

2.2.3 Các đặc điểm cơ bản của quản trị công ty Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

2.2.3.1 Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là cơ quan được bầu ra và bổ nhiệm các thành viên cùng nhau giám sát các hoạt động của một công ty.

Hội đồng quản trị có hai chức năng chính. Thứ nhất, Hội đồng quản trị sẽ thay mặt cổ đông phân tán để giám sát Ban giám đốc. Thứ hai, là đóng góp vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hai chức năng này của Hội đồng quản trị đều cần thông tin để thực hiện. Hội đồng quản trị cần thông tin để đánh giá năng lực điều hành của Ban giám đốc và để đưa ra các quyết định nhằm làm tăng lợi ích của chủ sở hữu cũng như để đưa ra các ý kiến tư vấn thích hợp nhất. Các thông tin của doanh nghiệp sẽ do Ban giám đốc cung cấp. Nếu Ban giám đốc và Hội đồng quản trị không có mối quan hệ hài hòa, không cân bằng trong cán cân quyền lực thì rất có thể Hội đồng quản trị sẽ không phát huy được vai trò của mình. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành xem liệu Hội đồng quản trị có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng báo cáo tài chính hoặc cụ thể hơn là hành vi điều chỉnh lợi nhuận.

Đặc điểm về Hội đồng quản trị độc lập là vấn đề được đề cập nhiều trong các nghiên cứu. Beasley (1996) cung cấp bằng chứng cho thấy tăng tỷ lệ các thành viên Hội đồng quản trị bên ngoài sẽ làm giảm mức độ gian lận báo cáo tài chính. Các nghiên cứu khác cũng cung cấp bằng chứng cho thấy tăng tỷ lệ thành viên Hội đồng quản trị độc lập sẽ làm giảm hành vi điều chỉnh lợi nhuận (Peasnell, et al., 2000; Lei, 2006; Cornett, et al., 2007). Ngược lại, một số nghiên cứu lại tìm ra tăng tỷ lệ thành viên Hội đồng quản trị độc lập làm tăng hành vi điều chỉnh lợi nhuận (Park & Shin, 2004; Sukeecheep, et al., 2013). Tính độc lập của Hội đồng quản trị còn thể hiện ở việc tách biệt vai trò giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Các công ty có sự tách biệt hai vai trò này sẽ làm giảm hành vi điều chỉnh lợi nhuận (Lei, 2006; Muhardi, 2010; Gluzar & Wang, 2011).

Quy mô hội đồng quản trị cũng được quan tâm trong các nghiên cứu. Xie & các cộng sự (2003) tím thấy một quy mô Hội đồng quản trị lớn sẽ có tác dụng làm giảm hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Ngược lại, Rahman & Ali (2006) lại kết luận rằng một Hội đồng quản trị nhỏ hơn thì làm giảm hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Các nghiên cứu khác lại không tìm ra mối quan hệ giữa quy mô Hội đồng quản trị và hành vi điều chỉnh lợi nhuận.(Chtourou, et al., 2001; Gulzar & Wang, 2011)

Lý thuyết đại diện cho thấy rằng Hội đồng quản trị là một công cụ cần thiết để theo dõi quản lý thay mặt cổ đông để giảm bớt chi phí đại diện. Một số lượng ngày càng tăng các nghiên cứu xem xét Hội đồng quản trị có thể ảnh hưởng đến như thế nào đến chất lượng báo cáo tài chính hoặc cụ thể hơn là điều chỉnh lợi nhuận nhưng các kết quả là khác nhau giữa các vùng lãnh thổ khác nhau, các quốc gia khác nhau và các thể chế khác nhau.

2.2.3.2 Ủy ban kiểm toán Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

Theo quy định quốc tế, Ủy ban kiểm toán là một Ủy ban của Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát quá trình báo cáo tài chính, lựa chọn công ty kiểm toán độc lập, và nhận kết quả kiểm toán nội bộ và độc lập. Là Ủy ban hỗ trợ Ban giám đốc thực hiện quản trị công ty và trách nhiệm giám sát liên quan đến báo cáo tài chính của một tổ chức, hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống quản lý rủi ro và các chức năng kiểm toán nội bộ và độc lập.

Các nghiên cứu về Ủy ban kiểm toán ngày càng tăng và chi tiết hơn. Ban đầu các nhà nghiên cứu chỉ tập trung nghiên cứu xem liệu sự hiện diện của một Ủy ban kiểm toán có ảnh hưởng tới chất lượng báo cáo tài chính hay không. Dechow & các cộng sự (1996), Beasley & các cộng sự (2000) đều thấy rằng các công ty có gian lận tài chính ít có khả năng có Ủy ban kiểm toán. Về sau này các nghiên cứu đi sâu vào tìm hiểu các đặc điểm của Ủy ban kiểm toán như tính độc lập, chuyên môn, số lượng cuộc họp, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán, số lượng chức danh của Ủy ban kiểm toán bên ngoài công ty, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ bởi Ủy ban kiểm toán, nhiệm kì trung bình của Ủy ban kiểm toán.

Một Ủy ban kiểm toán với một tỷ lệ lớn hơn của các thành viên bên ngoài không phải là nhà quản lý trong các công ty khác, một nhiệm vụ rõ ràng cho cả hai nhiệm vụ giám sát báo cáo tài chính và kiểm toán độc lập và họp hơn hai lần một năm sẽ có tác động tỷ lệ nghịch trong các công ty điều chỉnh tăng lợi nhuận. Một nhiệm vụ rõ ràng cho cả hai nhiệm vụ giám sát báo cáo tài chính và kiểm toán độc lập có tác động tỷ lệ nghịch trong các công ty điều chỉnh giảm lợi nhuận (Chtourou, et al., 2001).

Tăng tỉ lệ thành viên Ủy ban kiểm toán có chuyên môn tài chính – kế toán – kiểm toán sẽ làm giảm hành vi điều chỉnh lợi nhuận (Chtourou, et al., 2001; Xie, et al., 2003; Badolato, et al., 2014).

Tăng tần số cuộc họp của Ủy ban kiểm toán tác động làm giảm hành vi điều chỉnh lợi nhuận ( Xie, et al., 2003; Lei, 2006).

Nhiệm kì trung bình của Ủy ban kiểm toán của liên quan tích cực với hành vi điều chỉnh lợi nhuận (Yang & Krishnan, 2005).

Số lượng chức vụ bên ngoài của thành viên Ban kiểm soát tỷ lệ nghịch với hành vi điều chỉnh lợi nhuận (Yang & Krishnan, 2005).

Một số nghiên cứu lại không tìm thấy tác động của Ủy ban kiểm toán lên hành vi điều chỉnh lợi nhuận (Rahman & Ali, 2006; Gulzar & Wang, 2011).

Như vậy, các kết quả nghiên cứu về tác động của Ủy ban kiểm toán đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận là rất khác nhau. Điều này có thể là do ở một số nước vấn đề về Ủy ban kiểm toán chưa được quan tâm nhiều, đôi khi Ủy ban kiểm toán chỉ tồn tại như là hình thức chứ không hề có tiếng nói trong quản trị công ty.

Kết luận

Chương 2 trình bày cơ sở lý thuyết của bài nghiên cứu. Trong đó, tác giả đã tóm tắt lại các kiến thức về hành vi điều chỉnh lợi nhuận gồm ba lý thuyết nền tảng là lý thuyết đại diện, lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết tín hiệu nhằm giải thích hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Mặc dù đã trở thành vấn đề được nghiên cứu sâu rộng nhưng vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về hành vi điều chỉnh lợi nhuận, do đó tác giả trình bày trong nghiên cứu này định nghĩa của Healy và Wahlen (1999). Theo đó, tác giả trình bày 2 thủ thuật chính của hành vi điều chỉnh lợi nhuận là điều chỉnh lợi nhuận thông qua các xét đoán kế toán và điều chỉnh lợi nhuận thông qua cấu trúc các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Và tác giả cũng trình bày 4 động cơ điều chỉnh lợi nhuận thường được nhắc đến trong các nghiên cứu là động cơ hợp đồng bồi thường quản lý, động cơ giao ước nợ, động cơ thị trường vốn và động cơ pháp lý. Mặc dù có nhiều phương pháp tiếp cận để nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhưng trong nghiên cứu này tác giả trình bày mô hình nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận dựa trên cơ sở dồn tích của Dechow & các cộng sự (1995) vì tính phổ biến của mô hình và vì đa số các nghiên cứu liên quan trong bài sử dụng mô hình đó. Cuối cùng tác giả trình bày kiến thức về quản trị công ty. Sau khi nêu ra định nghĩa về quản trị công ty và vai trò của quản trị công ty thì tác giả tập trung trình bày kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa đặc điểm của quản trị công ty và hành vi điều chỉnh lợi nhuận trong các nghiên cứu trước. Luận văn: Khái quát về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của công ty

XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY 

===>>> Luận văn: Thực trạng quan hệ giữa quản trị của Cty Chứng khoán

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x