Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu – Bằng chứng thực nghiệm các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp và bất động sản niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.
4.1 Kết quả nghiên cứu về thực trạng ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu:
4.1.1 Kết quả phân tích thống kê mô tả dữ liệu:
Theo bảng (4.1), (4.2) về kết quả thống kê mô tả và biến động giá trị trung bình qua các năm của dữ liệu thu thập, có thể thấy giá trị trung bình và sai số chuẩn của EPS và BVPS là tương đối ổn định; trong khi đó, các biến Pti có mức độ biến động mạnh.
Diễn biến cụ thể các biến theo lĩnh vực trong giai đoạn nghiên cứu như sau:
Theo bảng (4.3) cho thấy, chỉ tiêu EPS và BVPS trong giai đoạn nghiên cứu 2011-2015 của các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp cao hơn lĩnh vực bất động sản và biên độ dao động giá cổ phiếu lĩnh vực công nghiệp biến động mạnh hơn lĩnh vực bất động sản.
Sau khi xem xét các đặc tính của dữ liệu, tác giả sẽ tiếp tục phân tích ma trận tương quan hồi quy nhằm xem xét mối quan hệ giữa các biến phụ thuộc và độc lập.
Bảng 4.4 Ma trận tương quan
Kết quả cho thấy các biến giá cổ phiếu có tương quan mạnh với nhau nhưng giảm dần khi được điều chỉnh cho biến động trong khoảng thời gian tương lai sau đó. Thông tin trên BCTC với chỉ tiêu EPS và BVPS có tương quan khá chặt với các biến phụ thuộc là giá cổ phiếu tại các thời điểm. Đồng thời các biến đều có tương quan dương với nhau. Các đặc điểm trên sẽ được kiểm chứng lại cụ thể hơn khi kiểm định các mô hình kinh tế lượng trong phần sau.
Bên cạnh đó, hệ số tương quan giữa hai biến độc lập tương đối cao, chính vì thế tác giả tiến hành nhận dạng hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình có thể làm ảnh hưởng đến ý nghĩa thống kê của các tham số được ước lượng trong mô hình. Sử dụng phương pháp nhân tử phóng đại phương sai (Varience Inflation Factor – VIF) cho thấy không có dấu hiệu đa cộng tuyến với VIF = 1.40 < 10 nên không tồn tại đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy với 2 biến độc lập là EPS và BVPS (chi tiết tại phụ lục 6).
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:
===>>> Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế
4.1.2 Kết quả phân tích hồi quy: Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
Tác giả sẽ tiến hành phân tích lần lượt cả ba mô hình là mô hình hồi quy OLS, FEM và REM, đồng thời thực hiện các kiểm định để chọn mô hình tốt nhất khi phân tích mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu. Việc phân tích sẽ tiến hành toàn mẫu quan sát và chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể là công nghiệp và bất động sản:
4.1.2.1 Đối với mẫu quan sát tổng hợp (kết quả chi tiết tại phụ lục 3):
Phân tích hồi quy tuyến tính:
Bảng 4.5 – Tóm tắt kết quả hồi quy trên toàn mẫu quan sát
Bảng 4.5 – Tóm tắt kết quả hồi quy trên toàn mẫu quan sát (tiếp theo)
Theo bảng 4.5 tóm tắt kết quả hồi quy, tất cả các mô hình OLS, FEM, REM được đánh giá và thử nghiệm với 5 biến phụ thuộc khác nhau là Pt, Pt/3, Pt/6, Pt/9 và Pt/12. Kết quả kiểm định theo các mô hình này đều cho thấy giá cổ phiếu ở các thời điểm đều có mối quan hệ tích cực đến EPS và BVPS, trong đó mô hình FEM có R2 cao nhất là 54,91% tại thời điểm Pt/9.
Kiểm định lựa chọn mô hình phù hợp:
Qua kết quả kiểm định lựa chọn mô hình (bảng 4.6), với kiểm định Breuscher – Pagan để lựa chọn giữa mô hình OLS và REM thì mô hình REM được lựa chọn do p-value <0,05. Bên cạnh đó, với kiểm định Hausman để lựa chọn giữa REM và FEM thì mô hình FEM là mô hình tốt nhất để giải thích các biến tại các thời điểm nghiên cứu của giá cổ phiếu (p-value <0,05).
4.1.2.2 Đối với lĩnh vực công nghiệp (kết quả chi tiết tại phụ lục 4): Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
Phân tích hồi quy tuyến tính:
Bảng 4.7 – Tóm tắt kết quả hồi quy các công ty lĩnh vực công nghiệp
Tương tự như khi phân tích toàn bộ mẫu, theo bảng 4.7 tóm tắt kết quả hồi quy của các công ty lĩnh vực công nghiệp cho thấy giá cổ phiếu tại thời điểm sau kết thúc niên độ và sau 3,6,9,12 tháng vẫn có mối quan hệ tích cực đến EPS và BVPS, trong đó mô hình FEM có R2 cao nhất là 62,28% tại thời điểm Pt/6.
Kiểm định lựa chọn mô hình phù hợp:
Bảng 4.8 – Tóm tắt kết quả kiểm định lựa chọn mô hình lĩnh vực công nghiệp
Đối với phân tích hồi quy theo lĩnh công nghiệp thì cuối cùng mô hình FEM cũng được lựa chọn (p-value <0,05) sau khi thực hiện các kiểm định.
4.1.2.3 Đối với lĩnh vực bất động sản(kết quả chi tiết tại phụ lục 5):
Phân tích hồi quy tuyến tính:
Bảng 4.9 – Tóm tắt kết quả hồi quy các công ty lĩnh vực bất động sản
Đối với các công ty lĩnh vực bất động sản, theo bảng 4.9 tóm tắt kết quả nghiên cứu thì giá cổ phiếu tại thời điểm sau kết thúc niên độ và sau 3,6,9,12 tháng vẫn có mối quan hệ tích cực đến EPS và BVPS, trong đó mô hình FEM có R2 cao nhất là 34,53% tại thời điểm Pt/9.
Kiểm định lựa chọn mô hình phù hợp:
Bảng 4.10 Tóm tắt kết quả kiểm định lựa chọn mô hình lĩnh vực bất động sản
Qua kết quả kiểm định lựa chọn mô hình (bảng 4.10) kết quả cụ thể như sau:
Kiểm định Breuscher – Pagan để lựa chọn giữa mô hình OLS và REM thì mô hình REM được lựa chọn tại các thời điểm Pt, Pt/3, Pt/6, Pt/9 (p-value <0,05). Và tại thời điểm Pt/12 thì OLS được lựa chọn do p-value >0,05.
Kiểm định Hausman để lựa chọn giữa REM và FEM thì mô hình FEM là mô hình tốt nhất để giải thích các biến tại các thời điểm nghiên cứu của giá cổ phiếu với p-value <0,05.
Tại thời điểm Pt/12, tác giả sử dụng kết quả F-test để lựa chọn giữa OLS và FEM. Theo kết quả mô hình hồi quy của FEM, với kiểm định F test thì p-value <0,05 nên cuối cùng FEM sẽ được lựa chọn tại thời điểm Pt/12.
4.1.3 Tổng hợp kết quả kiểm định: Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
Theo kết quả kiểm định lựa chọn mô hình thì mô hình ước lượng ảnh hưởng cố định (FEM) là tốt nhất. Như vậy, ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu được thể hiện như sau:
Đối với toàn bộ mẫu nghiên cứu:
- Trường hợp Pt: MPt = 823,482 + 3,444EPS + 0,330BVPS + ut, mức độ giải thích là 53,11%.
- Trường hợp Pt/3: MPt/3 = -364,941 + 3,657EPS + 0,391BVPS + ut/3, mức độ giải thích là 54,79%.
- Trường hợp Pt/6: MPt/6 = -595,950 + 3,519EPS + 0,401BVPS + ut/6, mức độ giải thích là 53,95%.
- Trường hợp Pt/9: MPt/9 = -2.690,823 + 3,867EPS + 0,501BVPS + ut/9, mức độ giải thích là 54,91%.
- Trường hợp Pt/12: MPt/12 = -2.871,38 + 3,925EPS + 0,546BVPS + ut/12, mức độ giải thích là 53,79%.
Đối với nhóm các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp:
- Trường hợp Pt: MPt = -1.215,287 + 4,065EPS + 0,360BVPS + ut, mức độ giải thích là 60,89%.
- Trường hợp Pt/3: MPt/3 = -2.932,242 + 4,229EPS + 0,457BVPS + ut/3, mức độ giải thích là 62,24%.
- Trường hợp Pt/6: MPt/6 = -3.094,598 + 4,034EPS + 0,478BVPS + ut/6, mức độ giải thích là 62,28%.
- Trường hợp Pt/9: MPt/9 = -5.662,068 + 4,274EPS + 0,625BVPS + ut/9, mức độ giải thích là 60,90%.
- Trường hợp Pt/12: MPt/12 = -6.352,98 + 4,286EPS + 0,699BVPS + ut/12, mức độ giải thích là 60,09%.
Đối với nhóm các công ty thuộc lĩnh vực bất động sản:
- Trường hợp Pt: MPt = 5.468 + 1,218EPS + 0,216BVPS + ut, mức độ giải thích là 27,51%.
- Trường hợp Pt/3: MPt/3 = 5.526,215 + 1,368EPS + 0,213BVPS + ut/3, mức độ giải thích là 28,91%.
- Trường hợp Pt/6: MPt/6 = 5.081,586 + 1,261EPS + 0,214BVPS + ut/6, mức độ giải thích là 22,68%.
- Trường hợp Pt/9: MPt/9 = 3.984,518 + 1,569EPS + 0,233BVPS + ut/9, mức độ giải thích là 34,53%.
- Trường hợp Pt/12: MPt/12 = 4.912,34 + 1,688EPS + 0,218BVPS + ut/12, mức độ giải thích là 31,35%
4.2 Bàn luận về kết quả: Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại thị trường chứng khoán TP.Hồ Chí Minh với mẫu nghiên cứu các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp và bất động sản cho thấy giá cổ phiếu bị tác động cùng chiều bởi thông tin trên BCTC cụ thể là EPS và BVPS, các kết quả thực nghiệm cho thấy mối quan hệ này có ý nghĩa thống kê.
Xét trên toàn mẫu nghiên cứu bao gồm các công ty cả hai lĩnh vực công nghiệp và bất động sản thì mức độ tác động của thông tin trên BCTC cao nhất tại thời điểm Pt/9 với R2 là 54,91%, có nghĩa là thông tin kế toán trên BCTC với hai chỉ tiêu EPS và BVPS có khả năng giải thích được 54,91% giá cổ phiếu.
Xét từng lĩnh vực cụ thể thì lĩnh vực công nghiệp có mức độ tác động mạnh hơn lĩnh vực bất động sản, cụ thể mức độ tác động của EPS và BVPS đến giá cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp đạt giá trị cao nhất là tại thời điểm Pt/6 với R2 là 62,28%, lĩnh vực bất động sản thì đạt giá trị cao nhất tại thời điểm Pt/9 với R2 là 34,53%. Bên canh đó, chỉ tiêu EPS cơ bản trong giai đoạn nghiên cứu của lĩnh vực bất động sản thấp hơn lĩnh vực công nghiệp, điều này cho thấy với đặc trưng về thông tin kế toán khác nhau cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ tác động của thông tin kế toán đến giá cổ phiếu.
Với những kết quả như trên cho thấy nghiên cứu của tác giả có kết quả tương tự như các nghiên cứu trên thế giới và trong nước rằng thông tin kế toán trên BCTC tác động đến giá cổ phiếu thông qua các biến EPS và BVPS. Tuy nhiên mức độ giải thích của thông tin kế toán đến giá cổ phiếu hiện nay của Việt Nam chỉ bằng với các nước Mỹ, Anh, Nauy trong giai đoạn thập niên 90 và thấp hơn TTCK tại Jordan và Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay. So sánh về các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, mức độ giải thích của thông tin kế toán về giá cổ phiếu giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng lên và vẫn có độ trễ sau khi kết thúc niên độ 3,6,9,12 tháng. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư trong những năm gần đây đã quan tâm hơn đến thông tin BCTC khi đưa ra các quyết định đầu tư do hiện nay các quy đinh về việc lập BCTC cũng như công bố thông tin BCTC của nước ta đang dần hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong các quy định và việc thực thi quy định về BCTC nên so với các nước khác thì việc sử dụng thông tin BCTC để xem xét đến giá cổ phiếu đối với TTCK của Việt Nam vẫn còn thấp.
TÓM TẮT CHƯƠNG 4
Chương 4 tác giả đã đưa ra kết quả về thực trạng mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Dựa trên nghiên cứu của Nguyễn Việt Dũng (2009) sử dụng mô hình Ohlson kết hợp với nghiên cứu của Aboody và các cộng sự (2002) cho phép nới lỏng giả thiết thị trường hiệu quả, luận văn sử dụng các biến thông tin kế toán bao gồm lợi nhuận co bản trên cổ phiếu (EPS) và giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS), giá cổ phiếu dùng cho nghiên cứu sẽ được lấy thời điểm kết thúc niên độ và sau khi kết thúc niên độ 3, 6, 9, 12 tháng. Dữ liệu gồm 120 công ty với 561 quan sát trong vòng từ 2011-2015, trong đó nhóm ngành công nghiệp là 84 công ty với 389 quan sát và ngành bất động sản là 36 công ty với 172 quan sát.
Sau khi thực hiện phân tích hồi quy và kiểm định lựa chọn mô hình thì ước lượng ảnh hưởng cố định (FEM) được lựa chọn, là mô hình tốt nhất khi phân tích mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán đến giá cổ phiếu với dữ liệu thu thập của luận văn. Các biến độc lập EPS và BVPS đều có ý nghĩa thống kê ở các thời điểm và lĩnh vực luận văn nghiên cứu.
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1 Kết luận:
Mục đích của luận văn là nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và phân tích mức độ ảnh hưởng này đối với các nhóm công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp và bất động sản nhằm giúp cho nhà đầu tư thấy được tầm quan trọng của thông tin BCTC khi đưa ra các quyết định kinh tế.
Luận văn đã tổng hợp các nghiên cứu tiêu biểu trong và ngoài nước liên quan đến mối quan hệ giữa thông tin trên BCTC đến giá cổ phiếu. Và kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy thông tin kế toán trên BCTC có mối quan hệ với giá cổ phiếu và mức độ tác động có sự khác biệt giữa các nước, giữa các nhóm ngành nghề và thay đổi theo thời gian.
Bên cạnh đó, luận văn đã tổng hợp các cơ sở lý thuyết về giá cổ phiếu, thông tin kế toán trên giá cổ phiếu và mối quan hệ giữa chúng để làm cơ sở nghiên cứu. Trong đó, mô hình địnnh giá của Ohlson (1995) là nền tảng chủ yếu để tác giả nghiên cứu về ảnh hưởng của thông tin kế toán đến giá cổ phiếu. Ngoài ra, luận văn cũng đã tổng hợp các cơ sở lý thuyết về chất lượng thông tin kế toán và các yếu tố tác động đến nó để làm cơ sở đề ra các giải pháp có liên quan nhằm nâng cao mối quan hệ giữa thông tin kế toán và giá cổ phiếu.
Trên cơ sở mô hình Ohlson kết hợp với nghiên cứu của Aboody và các cộng sự (2002), luận văn sử dụng các công cụ thống kê, phân tích hồi quy nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu của 120 doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM thuộc lĩnh vực công nghiệp và bất động sản, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015.
Với kết quả nghiên cứu thực nghiệm, luận văn đã cho thấy được thông tin trên kế toán trên BCTC có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu thông qua hai chỉ tiêu EPS và BVPS. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa mô hình Ohlson với nghiên cứu Aboody và các cộng sự (2002) là phù hợp với dữ liệu thu thập được từ các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dich chứng khoán TP.HCM vì kết quả nghiên cứu cho thấy thông tin kế toán trên BCTC có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại thời điểm kết thúc niên độ và sau khi kết thúc niên độ 3, 6, 9, 12 tháng, mức độ tác động đạt giá trị cao nhất là 54,91%.
Điểm đặc biệt của luận văn là tác giả đã phân tích mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán đến giá cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp và bất động sản. Xét về từng lĩnh vực thì thông tin kế toán vẫn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và mức độ tác động của từng lĩnh vực là khác nhau, cụ thể lĩnh vực công nghiệp là 62,28% và bất động sản là 34,53%. Kết quả cũng cho thấy rằng, với những đặc thù thông tin kế toán khác nhau thì mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán đến giá cổ phiếu cũng khác nhau.
Tóm lại, theo kết quả nghiên cứu thì thông tin kế toán trên BCTC là cơ sở thông tin hữu ích, đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định kinh tế của nhà đầu tư, ngoài ra thông tin kế toán còn có tác động đến giá cổ phiếu sau khi kết thúc niên độ một khoảng thời gian là 3, 6, 9, 12 tháng nên nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn thông tin kế toán thích hợp để đưa ra các quyết định. Bên cạnh đó, với kết quả nghiên cứu thực nghiệm thì mức độ giải thích của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu vẫn chưa cao, đặc biệt là các công ty thuộc nhóm lĩnh vực bất động sản.
5.2 Kiến nghị:
Như đã nhận định ở trên, mức độ giải thích của thông tin kế toán trên BCTC hiện nay vẫn chưa cao cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn sử dụng thông tin kế toán để dưa ra quyết định đầu tư của mình. Chính vì thế, để nâng cao mối quan hệ giữa thông tin kế toán và giá cổ phiếu thì điều cần thiết là phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư về chất lượng của thông tin kế toán cả về nội dung và việc công bố thông tin. Với các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán đã trình bày tại chương 2, tác giả đề xuất các kiến nghị đối với từng đối tượng nhằm nâng cao chất lượng của thông tin kế toán cụ thể như sau:
5.2.1 Kiến nghị đối với công ty niêm yết: Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
Để nâng cao chất lượng BCTC, điều quan trọng chính là quản trị doanh nghiệp. Chỉ khi các nhà quản trị công ty mong muốn BCTC được trình bày trung thực, công khai minh bạch, hướng đến việc bảo vệ lợi ích cổ đông, nhà đầu tư thì chất lượng BCTC mới được cải thiện. Chính vì thế để nâng cao chất lượng BCTC, tạo niềm tin cho người sử dụng BCTC thì điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng quản trị công ty:
- Thứ nhất, đảm bảo số lượng thành viên HĐQT không tham gia điều hành theo đúng quy định nhằm tăng cường hoạt động giám sát của HĐQT đến chất lượng thông tin BCTC. Bên cạnh đó, phải có ít nhất một thành viên HĐQT không tham gia điều hành có chuyên môn về kế toán tài chính để có thể xem xét, đánh giá BCTC một cách khách quan, đảm bảo chất lượng của BCTC trước khi HĐQT thông qua.
- Thứ hai, nhà quản trị phải thuyết minh BCTC đầy đủ và chi tiết nhằm giúp cho người sử dụng BCTC có được mọi thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là những thông tin ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp như: những khoản nợ tiềm tàng, thông tin các vụ kiện ảnh hưởng đến công nợ của công ty, các khoản nợ của khách hàng có nguy cơ phá sản…
- Thứ ba, nâng cao vai trò của Ban kiểm soát trong việc giám sát hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và nhất là thẩm định BCTC. Hiện nay, theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành và Nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 06/06/2017 của Chính Phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng thì Trưởng Ban kiểm soát phải hoạt động chuyên trách tại công ty, chính vì thế Ban kiểm soát nhất là trưởng ban cần phải giám sát, kiểm tra kịp thời việc lập BCTC của Ban điều hành nhằm hạn chế vấn đề sai lệch của BCTC trước và sau kiểm toán. Bên cạnh đó, giám sát quá trình kiểm toán, đảm bảo tính độc lập của kiểm toán viên.
- Thứ tư, theo luật doanh nghiệp hiện hành, công ty cổ phần tại Việt Nam có 2 mô hình: có BKS và không có BKS (điều 134). Mô hình không có BKS, bắt buộc công ty cổ phần phải thành lập KTNB trực thuộc HĐQT. Đây là bộ phận giúp công ty phát hiện và cải tiến những điểm yếu trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Chính vì lợi ích nêu trên, nhằm đảm bảo giảm bớt nguy cơ gian lận và sai sót trong quá trình lập và công bố thông tin BCTC, cần yêu cầu các công ty niêm yết có quy mô lớn, cơ cấu tổ chức và mạng lưới kinh doanh phức tạp cần phải có chức năng của Ban kiểm soát và KTNB. Ban KTNB trực thuộc HĐQT nhưng mọi báo cáo đều phải báo cáo đến Ban kiểm soát. KTNB sẽ giúp công tác kiểm soát tại công ty được tin tưởng, có hệ thống, chuyên nghiệp, độc lập và khách quan hơn.
- Thứ năm, xây dựng điều lệ và quy chế quản trị công ty cần lồng ghép các nội dung về công tác công bố thông tin nhằm xác định trách nhiệm trong việc quản lý và công bố thông tin của doanh nghiệp. Cần quy định trách nhiệm cá nhân trong việc vi phạm các quy định về công bố thông tin, trong đó cá nhân là đối tượng chịu các khoản phạt về công bố thông tin.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị tại công ty niêm yết thì một số vấn đề khác cần được quan tâm như:
- Công tác đào tạo: Theo ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính chia sẻ trên Báo đầu tư chứng khoán: “Việc áp dụng Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) tại Việt Nam dự kiến bắt đầu từ giai đoạn 2017-2018 khi Luật Kế toán 2015 có hiệu lực. Thời gian đầu, IFRS sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp niêm yết trên TTCK …”, trên cơ sở đó, công ty cần có kế hoạch đào tạo cho kế toán viên nhằm nắm bắt kịp thời các quy định, giúp cho việc lập BCTC được chính xác hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia các buổi tập huấn liên quan đến các vấn đề công bố thông tin do UBCKNN, các Sở giao dich chứng khoán tổ chức nhằm nắm bắt kịp thời các quy định giúp cho việc công bố thông tin kịp thời, chính xác.
- Lựa chọn đơn vị kiểm toán: Xuất phát từ yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư là các BCTC đã kiểm toán của các công ty niêm yết phải có chất lượng tốt, cung cấp thông tin chính xác cho thị trường chứng khoán, chính vì thế công ty cần lựa chọn các công ty kiểm toán có đủ năng lực, uy tín, đảm bảo vì đây điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng các thông tin tài chính.
- Công bố thông tin kịp thời: Chú trọng đến thời hạn công bố thông tin và chất lượng thông tin về BCTC nhằm tạo nên tính công minh bạch thông tin của BCTC, giúp nhà đầu tư tiếp cận được thông tin kịp thời và chính xác.
5.2.2 Kiến nghị đối với cơ quan quản lý và ban hành chính sách: Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
Thứ nhất, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung thuộc chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định chế độ kế toán hiện hành.
Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế trong lập BCTC giúp nâng cao tính công khai, minh bạch trong BCTC của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay VAS và các quy định của chế độ kế toán Việt Nam hiện nay vẫn còn một số tồn tại và có những nội dung chưa thống nhất với chuẩn mực kế toán quốc tế. Một số nội dung cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung như sau:
- Lãi từ hoạt động kinh doanh không bao gồm các khoản doanh thu, chi phí của hoạt động tài chính.
- Cần hướng dẫn cụ thể về việc ước tính trích quỹ khen thưởng phúc lợi từ lợi nhuận sau thuế khi tính chỉ tiêu EPS cơ bản.
- Yêu cầu trình bày Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu thành một báo cáo riêng biệt theo thông lệ quốc tế.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm liên quan đến BCTC:
- Theo Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/09/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK và nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, các công ty đại chúng có hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin thì mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Đối với nghị đinh 105/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập thì việc giả mạo BCTC, khai man trên số liệu trên BCTC mức phạt từ 20 – 30 triệu đồng. Các mức phạt này không thấp, tuy nhiên theo quy đinh kế toán hiện hành thì các khoản tiền phạt này được ghi nhận vào chi phí khác, điều này ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông. Chính vì thế, mức phạt này cần phải đi kèm với các hình thức răn đe khác nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực trên TTCK, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hiệu quả của thị trường và chất lượng thông tin BCTC.
- Bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với các trường hợp chênh lệch số liệu BCTC trước và sau kiểm toán: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, khi có sự chênh lệch số liệu vượt quá 5% trước và sau kiểm toán, công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn phải giải trình ngay nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số liệu đồng thời với công bố BCTC. Ngoài vấn đề giải trình, cần xử phạt với hành vi tương đương với mức phạt công bố thông tin có nội dung không chính xác (mục 4d, điều 33, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP). Bên cạnh đó, trên cơ sở giải trình của DN, trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu gian lận BCTC, UBCKNN cần tổ chức đoàn kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất để làm rõ. Với một số trường hợp có dấu hiệu phạm tội, UBCKNN sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định.
Thứ ba, các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động của TTCK và đảm bảo thực thi kịp thời các quy định xử phạt vi phạm hành chính.
5.2.3 Kiến nghị đối với kiểm toán độc lập:
Một trong những nhân tố ảnh hưởng ảnh hưởng đến chất lượng của BCTC đó là kiểm toán độc lập. Chính vì thế, để nâng cao chất lượng thông tin BCTC cần phải nâng cao chất lượng của kiểm toán độc lập:
- Thứ nhất, các công ty kiểm toán cần đảm bảo nhân sự kiểm toán viên để tiến hành đầy đủ các thủ tục kiểm toán, soát xét BCTC tại các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, KTV cần phải soát xét kỹ các thủ tục ghi nhận doanh thu và giá vốn hàng bán để phát hiên kịp các sai sót, gian lận và đảm bảo tính chính xác, trung thực và hợp lý của BCTC
- Thứ hai, cần trang bị kiến thức cho kiểm toán viên trên nhiều lĩnh vực khác nhau để kiểm toán viên có thể hiểu từng lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của doanh nghiệp. Tránh hiện tượng kiểm toán viên không hiểu biết về những rủi ro kiểm toán do đặc thù ngành nghề của doanh nghiệp trong quá trình kiểm toán và đưa ra ý kiến kiểm toán theo kinh nghiệm hay nhận định chủ quan của mình.
- Thứ ba, công ty kiểm toán nên tổ chức đánh giá năng lực của từng kiểm toán viên trong công ty để bố trí kiểm toán các doanh nghiệp cho phù hợp. Ngoài ra, cần theo dõi và đánh giá tính độc lập cũng như đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
5.3 Hạn chế của đề tài và đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
5.3.1 Hạn chế của đề tài
Bài nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở lý thuyết khá vững chắc và đã được tiến hành nghiên cứu thực nghiệm tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên luận văn vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, mẫu nghiên cứu của luận văn còn giới hạn, chỉ mới nghiên cứu các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM thuộc các lĩnh vực công nghiệp và bất động sản nên tính khái quát trên cả TTCK Việt Nam chưa cao. Bên cạnh đó, tuy cỡ mẫu có thể đảm bảo tính đại diện, căn cứ trên cơ sở khoa học nhưng kết quả cũng cần được xem xét, đánh giá thận trọng.
Thứ hai, luận văn chỉ mới kiểm định thông tin kế toán với 2 chỉ tiêu là EPS và BVPS, trong khi đó thông tin trên BCTC còn rất nhiều thông tin khác cần xem xét phân tích.
Thứ ba, luận văn chỉ mới kiểm định mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán đén giá cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp và bất động sản, còn các lĩnh vực khác chưa được phân tích trong bài nghiên cứu như lĩnh vực hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin…
5.3.2 Hướng nghiên cứu trong tương lai Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
Với các hạn chế được trình bày ở trên, luận văn đưa ra một số hướng phát triển nghiên cứu tiếp theo như sau:
Thứ nhất, mở rộng quy mô mẫu nghiên cứu, giai đoạn nghiên cứu ảnh hưởng của thông tin trên BCTC đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai, mở rộng mô hình nghiên cứu dựa trên kết hợp giữa mô hình Ohlson (1995) với lý thuyết nghiên cứu của Aboody và cộng sự (2002) cho nhiều biến khác của thông tin kế toán trên BCTC.
Thứ ba, phân tích ảnh hưởng của thông tin trên BCTC đến giá cổ phiếu cho các công ty niêm yết thuộc lĩnh vực như: lĩnh vực hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin…
TÓM TẮT CHƯƠNG 5
Dựa trên kết quả nghiên cứu của chương 4 cho thấy rằng thông tin kế toán trên BCTC có mối quan hệ với giá cổ phiếu đối với các công ty niêm yết trên Sở giao dich chứng khoán TP.HCM. Chương 5, luận văn đã tổng kết quá trình nghiên cứu và kết quả nghiên cứu từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin và công bố thông tin BCTC trên TTCK đối với từng đối tượng cụ thể như doanh nghiệp niêm yết, cơ quan quản lý, và tổ chức kiểm toán độc lập.
Chương này cũng đề cập những hạn chế của bài nghiên cứu như cỡ mẫu còn hạn chế, ngoài chỉ tiêu EPS và BVPS luận văn chưa xem xét phân tích các chỉ tiêu khác trên BCTC, luận văn chỉ mới phân tích mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán đối với hai lĩnh vực công nghiệp và bất động sản chưa phân tích các lĩnh vực còn lại. Với những hạn chế đã nêu, luận văn đã đề xuất các hướng nghiên cứu trong tương lai về đề tài thông tin kế toán và giá cổ phiếu.
KẾT LUẬN
Ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu là đề tài được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới và trong nước trong những năm qua nhằm giúp cho các nhà đầu tư thấy được tầm quan trọng của thông tin kế toán trên BCTC trong việc quyết định đầu tư, định giá doanh nghiệp. Nghiên cứu này một lần nữa kiểm định lại mối quan hệ thực nghiệm giữa thông tin kế toán và giá cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay khi TTCK Việt Nam đang ngày càng phát triển, hệ thống khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện nhằm giúp cho nhà đầu tư có thêm cơ sở khi đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Bài nghiên cứu dựa trên việc kết hợp mô hình Ohlson (1995) với nghiên cứu của Aboody và cộng sự (2002) để xây dựng cơ sở lý thuyết phù hợp đo lường mức độ ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM khi TTCK Việt Nam không thỏa mãn giả thiết thị trường hiệu quả. Các biến nghiên cứu của thông tin trên BCTC là EPS và BVPS được lấy tại thời điểm kết thúc niên độ của các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015 và giá cổ phiếu sẽ được lấy thời điểm kết thúc niên độ đó và sau khi kết thúc niên độ 3, 6, 9, 12 tháng. Kết quả cho thấy thông tin trên BCTC có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu với hai chỉ tiêu EPS và BVPS tại các thời điểm của giá cổ phiếu trong bài nghiên cứu, mức độ giải thích cao nhất khoảng 54,91% biến động của giá cổ phiếu tại thời điểm sau kỳ kết thúc niên độ 9 tháng. Bên cạnh đó, khi xem xét mức độ ảnh hưởng của từng lĩnh vực công nghiệp và bất động sản thì thông tin trên BCTC vẫn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và mức độ tác động của từng lĩnh vực khác nhau do đặc thù về thông tin kế toán khác nhau. Với kết quả nghiên cứu thực nghiệm này, giúp cho nhà đầu tư có thêm cơ sở để đưa quyết định đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư, đồng thời tăng chất lượng nghiên cứu, phân tích đối với các doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực công nghiệp và bất động sản. Luận văn: Giải pháp nâng cao thông tin chứng khoán của kế toán
XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY
===>>> Luận văn: Thông tin kế toán ảnh hưởng đến giá cổ phiếu