Chia sẻ chuyên mục Đề tài Luận văn: Biện pháp hoàn thiện văn bản công chứng tại VN hay nhất năm 2022 cho các bạn học viên ngành đang làm Luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Luận văn thì với đề tài Luận văn: Giá trị pháp lý của văn bản công chứng trong pháp luật Việt Nam dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.
Việc ra đời luật công chứng 2006 và luật công chứng 2014 là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá nội dung hoàn thiện thể chế về công chứng ở nước ta trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cho đến nay có thể khẳng định rằng việc thực hiện các chiến lược nêu trên đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, từ việc đổi mới tư duy trong việc xây dựng thể chế pháp luật cho tới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Nhờ đó, nhiều điểm nghẽn trong xây dựng thể chế phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đã cơ bản được tháo gỡ; mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Luận văn: Giải pháp hoàn thiện văn bản công chứng tại VN
Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thực hiện chủ trương “hoàn thiện chế định công chứng. Xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để xã hội hóa công việc này” cũng đã có những hiệu quả tích cực, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Khi luật công chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành, đội ngũ công chứng viên hành nghề đã tăng từ 393 lên 1.327 người (tăng 3,4 lần); số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng từ 84 lên 704 tổ chức (tăng hơn 8 lần). Tính riêng tại thành phố Hà Nội số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng nhanh qua các năm, cụ thể là: năm 2007 có 9 tổ chức, năm 2008 có 26 tổ chức, năm 2009 có 51 tổ chức, năm 2010 có 50 tổ chức, năm 2011 có 68 tổ chức, năm 2012 có 96 tổ chức. Tính đến ngày 01/11/2012 toàn thành phố có 86 văn phòng công chứng, trong đó 80 văn phòng tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, 06 văn phòng tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Và đến năm 2013 số lượng các văn phòng công chứng đã tăng lên 90 văn phòng với gần 300 công chứng viên [33]. Thông qua việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh tế, hoạt động công chứng thể hiện bằng các văn bản công chứng đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp, được Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương mới đây ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong các quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về văn bản công chứng, giá trị pháp lý của văn bản này cũng còn nhiều bất cập như đã đề cập ở chương 2, trong đó đáng lưu ý là tính ràng buộc về mặt nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên tham gia giao dịch trong văn bản công chứng không cao; chất lượng của văn bản công chứng chưa đủ thuyết phục để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện, trong khi đó cơ chế bảo đảm để thực thi văn bản do công chứng viên chưa được quy định. Chính vì vậy, hiệu quả của hoạt động công chứng trong thời gian qua vẫn còn nhiều tranh chấp, khiếu kiện xảy ra, gây lãng phí cho người dân, tạo thêm gánh nặng cho Tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những chủ trương lớn, cùng với đó là việc xác định phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc hoàn thiện các chế định về bổ trợ tư pháp, trong đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về giá trị của văn bản công chứng được coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế dựa trên những định hướng sau đây:
- Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng theo bước đi và lộ trình phù hợp, phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
- Kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của Luật hiện hành, luật hoá các quy định có tính nguyên tắc trong các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các Văn phòng công chứng, quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng, tăng cường trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng để công chứng thực sự trở thành một công cụ “bảo vệ” người dân trong quan hệ dân sự, qua đó bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, đẩy mạnh việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp, tham gia, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về công chứng.
- Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế về công chứng, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động công chứng ở Việt Nam; tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập với nghề công chứng quốc tế, chuẩn bị điều kiện để công chứng Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế (ngày 10/10/2013, tại Hội nghị toàn thể Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Pê-ru, Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên chính thức của Liên minh công chứng quốc tế).
Từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng trong những năm tới, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả công tác công chứng sau đây:
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:
===>>> Luận Văn Thạc Sĩ Luật Học
3.1 Về hoàn thiện quy định về giá trị văn bản công chứng Luận văn: Giải pháp hoàn thiện văn bản công chứng tại VN
a) Hoàn thiện các quy định về giá trị chứng cứ của văn bản công chứng
Như đã phân tích tại mục 2.1.1 nêu trên, việc quy định “văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu” có thể dẫn đến cách hiểu chỉ trong trường hợp không bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu thì các tình tiết, sự kiện có trong văn bản công chứng mới được coi là không phải chứng minh. Trên thực tế, không ít trường hợp khi giải quyết một tranh chấp có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, Tòa án yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ quá trình thực hiện công chứng của công chứng viên, xem công chứng viên có thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định hay không, có vận dụng đúng quy định của pháp luật hay không… Như vậy, vô hình chung giá trị không phải chứng minh của văn bản công chứng đã bị vô hiệu hóa. Việc xem xét lại của Tòa án là không cần thiết, gây mất thời gian, công sức.
Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải sửa quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật Công chứng theo hướng bỏ cụm từ “trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. Việc yêu cầu Tòa án xem xét lại văn bản công chứng cần được quy định theo hướng chỉ được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc công chứng hợp đồng, giao dịch không thực hiện đúng quy định của pháp luật, các thỏa thuận trong hợp đồng, giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc một bên trong hợp đồng bị nhầm lẫn, lừa dối hoặc đe dọa. Quy định như vậy cũng là phù hợp, theo đó trường hợp muốn tuyên bố một văn bản công chứng vô hiệu thì người có yêu cầu cần thực hiện theo một trình tự, thủ tục riêng theo quy định tại các Điều 398, 399 và 400 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cùng với việc xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, cần phân biệt rõ giá trị pháp lý của từng loại văn bản này tương ứng với bản chất và chế độ trách nhiệm. Theo đó, đối với văn bản công chứng, những tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì không phải chứng minh; đối với văn bản chứng thực thì chỉ những tình tiết, sự kiện được cơ quan có thẩm quyền chứng thực mới có giá trị này. Như vậy, quy định về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh tại điểm c, khoản 1 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, cũng cần rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định của Bộ luật Dân sự để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Công chứng và Bộ luật Tố tụng dân sự về giá trị chứng cứ của văn bản công chứng trong mối quan hệ với văn bản tư chứng khác.
b) Hoàn thiện quy định về giá trị thi hành của văn bản công chứng
Để khắc phục tính hình thức trong quy định về giá trị thi hành của văn bản công chứng, đã đến lúc cần mạnh dạn quy định một cách cụ thể hơn về giá trị thi hành của văn bản công chứng, theo đó cần xác định trách nhiệm của các bên trong việc thi hành các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng như thế nào; trong trường hợp một bên không tự nguyện thi hành thì bên còn lại được làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình, cũng như phương thức xử sự của nhà nước ra sao… để trên cơ sở đó hình thành cơ chế đảm bảo cho việc thi hành văn bản công chứng một cách hiệu lực, hiệu quả. Luận văn: Giải pháp hoàn thiện văn bản công chứng tại VN
Theo đó, trước hết cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Công chứng theo hướng khẳng định giá trị “thi hành đối với các bên liên quan” của văn bản công chứng, đồng thời bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng cơ chế bảo đảm giá trị bắt buộc thực hiện của văn bản công chứng. Tuy nhiên, việc xác định phạm vi văn bản công chứng hay nói cách khác là loại hợp đồng, giao dịch được áp dụng cơ chế bảo đảm này cần cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án sau đây:
Phương án 1: Đối với tất cả các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành hoặc cưỡng chế thi hành theo đúng các cam kết trong hợp đồng đã được công chứng. Phương án này có ưu điểm là sẽ bảo đảm giá trị bắt buộc thực hiện của văn bản công chứng một cách gần như tuyệt đối và hiện nay, pháp luật của các nước như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Tây Ban Nha đều quy định theo phương án này. Tuy nhiên, để có quy định như vậy, đòi hỏi mức độ chuyên nghiệp của nghề công chứng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ công chứng viên cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của xã hội ở mức cao và một cơ chế bảo đảm thực hiện thực sự đồng bộ, hiệu quả.
Phương án 2: Việc cho phép một bên trong hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành hoặc cưỡng chế thi hành đối với bên còn lại, tuy nhiên không đặt ra đối với tất cả các hợp đồng, giao dịch mà chỉ giới hạn trong phạm vi một số loại hợp đồng, giao dịch nhất định. Theo đó, pháp luật thường quy định đối với các hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như thế chấp, cầm cố, bảo lãnh đã được công chứng, nếu một bên không tự nguyện thi hành nghĩa vụ đã cam kết của mình trong hợp đồng, giao dịch thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành hoặc cưỡng chế thi hành. Phương án này được cho là thận trọng và phù hợp với một số nước đang trong quá trình chuyển đổi, trong đó có Trung Quốc. Nước ta, trong bối cảnh trình độ đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, việc chấp hành đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên còn nhiều bất cập, một số ý kiến cho rằng nếu quy định cứng việc áp dụng biện pháp thi hành ngay đối với tất cả các văn bản công chứng thì e rằng chưa khả thi, đó là chưa tính đến việc các bên có thể lợi dụng việc này để hợp thức hóa các hành vi vi phạm như thỏa thuận phân chia tài sản giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản…
Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn việc áp dụng cơ chế bảo đảm thi hành đối với văn bản công chứng là các hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì chưa phát huy hết được giá trị của văn bản công chứng như đã phân tích tại mục 1.3.2. Mặt khác, việc quy định về cơ chế thực hiện hợp đồng bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình đã được pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu luận văn này, tôi nhận thấy việc áp dụng cơ chế bảo đảm giá trị bắt buộc thực hiện của văn bản công chứng mà không phụ thuộc vào loại hợp đồng theo phương án 1 có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển của chế định công chứng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, thì cùng với việc khẳng định văn bản công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện, cần xác định cơ chế chặt chẽ, khả thi để bảo đảm giá trị thi hành của văn bản công chứng.
3.2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm giá trị thi hành của văn bản công chứng Luận văn: Giải pháp hoàn thiện văn bản công chứng tại VN
Cùng với việc quy định mang tính chất nguyên tắc về việc áp dụng biện pháp bảo đảm giá trị thi hành của văn bản công chứng như đã trình bày mục 3.1 nêu trên, việc hình thành cơ chế để bảo đảm cho việc thi hành các văn bản công chứng là rất cần thiết. Việc không quy định cơ chế bảo đảm thi hành văn bản công chứng hoặc có quy định nhưng không khả thi, thiếu hiệu lực, hiệu quả thì vô hình chung cũng sẽ làm vô hiệu hóa giá trị của loại văn bản này (như đối với trường hợp xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã được công chứng). Thực tiễn cho thấy việc bảo đảm thực hiện đối với văn bản công chứng cũng tương tự như đối với một bản án đã có hiệu lực pháp luật cần phải thông qua một cơ chế với trình tự, thủ tục công khai, minh bạch, với lực lượng chuyên nghiệp và có khả năng cưỡng chế. Theo kinh nghiệm của các nước theo hệ thống công chứng Latinh thì việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế này cần phải được đặt trong một hệ thống các quy định của pháp luật về công chứng, pháp luật về tố tụng và cả pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, cũng có thể cân nhắc lựa chọn một trong hai phương án sau đây:
Phương án 1: Đối với hợp đồng đã được công chứng, trong trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia chỉ cần chuyển văn bản công chứng cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành hoặc cưỡng chế thi hành.
Phương án 2: Đối với một hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, trong trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, khác với việc giải quyết của Tòa án theo trình tự thủ tục thông thường, việc giải quyết của Tòa án trong trường hợp này cần được thực hiện theo một thủ tục đơn giản và quyết định của Tòa án trong trường hợp này có giá trị chung thẩm và phải được thi hành ngay. Trên cơ sở quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án.
Cả hai phương án nêu trên nếu được thực hiện đều sẽ góp phần giảm tải cho cơ quan xét xử, nâng cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng, hạn chế tình trạng dây dưa, kéo dài hoặc không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết. Trong cả hai phương án nêu trên, yêu cầu về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện là việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật thi hành án dân sự và đối với phương án thứ nhất còn cần bổ sung quy định về giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục đơn giản trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, nếu đặt trong mối quan hệ với việc lựa chọn phương án 2 về phạm vi văn bản công chứng mà các bên được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành hoặc cưỡng chế thi hành thì việc quy định cơ chế đưa văn bản công chứng ra Tòa án giải quyết theo trình tự đơn giản trước khi thi hành là khả thi hơn. Bởi vì, bằng bản án của Tòa án, giá trị thi hành của văn bản công chứng sẽ được tăng cường và có sức mạnh buộc các bên có liên quan, các cơ quan nhà nước khác phải tôn trọng và bảo đảm việc thi hành. Đồng thời, khi đã có phán quyết của Tòa án, thì đương nhiên các cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành và trong trường hợp một bên cố tình không thi hành án, thì có thể bị áp dụng thủ tục cưỡng chế thi hành.
Riêng đối các hợp đồng, giao dịch bảo đảm đã được công chứng, với cơ chế bảo đảm thi hành văn bản công chứng như đã nêu trên, bên nhận bảo đảm còn có thêm sự lựa chọn trong việc bảo đảm quyền xử lý tài sản của mình theo cơ chế thi hành văn bản công chứng hoặc theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, với việc áp dụng cơ chế thi hành của văn bản công chứng sẽ hiệu quả hơn và cơ bản sẽ khắc phục được những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện nay.
3.3. Về các vấn đề có liên quan, tác động đến giá trị pháp lý của văn bản công chứng Luận văn: Giải pháp hoàn thiện văn bản công chứng tại VN
Về quy định công chứng viên
Tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng công chứng viên đảm bảo các tổ chức hành nghề công chứng có đội ngũ công chứng viên lành nghề, am hiểu pháp luật để thực hiện tốt ý nghĩa, vai trò của mình. Nâng cao chất lượng đào tạo công chứng viên theo hướng tăng cường kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề; lựa chọn đầu vào cho phù hợp. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Công chứng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, đặc biệt là độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các công chứng viên, nhất là công chứng viên mới được bổ nhiệm. Cấp thẻ Công chứng viên để tạo điều kiện thuận lợi cho công chứng viên khi hành nghề.
Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, phát huy vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để có giải pháp giải quyết phù hợp.
Tăng cường giám sát của các cơ quan, tổ chức để có những động viên kịp thời đối với các tổ chức hành nghề công chứng có thành tích tốt trong hoạt động, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với những sai phạm trong hoạt động công chứng.
Nghiên cứu, hỗ trợ, khuyến khích việc xây dựng, thành lập cơ sở dữ liệu chung giữa các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi cấp tỉnh, tiến tới nối mạng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn của hoạt động công chứng. Đẩy mạnh chủ trương tin học hóa công chứng, kết nối mạng trao đổi thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau, với cơ quan quản lý nhà nước.
Khảo sát, nghiên cứu, đề xuất thành lập Hiệp hội công chứng viên toàn quốc nhằm tăng cường quản lý xã hội, để có một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công chứng viên và thống nhất các hoạt động cho các tổ chức hành nghề công chứng từng bước nâng cao nghiệp vụ để công chứng các hợp đồng, giao dịch đúng pháp luật. Thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên nhằm nâng cao vai trò tổ chức tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp, đồng thời chuẩn bị cho việc hội nhập công chứng khu vực và thế giới.
Đề nghị thành lập Quỹ bảo hiểm nghề nghiệp công chứng để bồi thường nếu công chứng viên công chứng gây thiệt hại cho các bên ký kết hợp đồng.
KẾT LUẬN
Thế giới luôn luôn vận động và phát triển không ngừng, xu hướng toàn cầu hóa đang là cơ hội và cũng là thách thức cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Sự thay đổi như vũ bão của nền kinh tế thế giới đã làm thay đổi nhận thức của Đảng và nhà nước ta, kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới kinh tế nước ta đã có những bước phát triển cả kinh tế trong nước lẫn kinh tế đối ngoại. Với sự phát triển của kinh tế, hoạt động công chứng cũng từng bước phát triển và tạo điều kiện mạnh mẽ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Sự phát triển của luật công chứng là một bước ngoặt trong hoạt động công chứng, đưa hoạt động công chứng ở Việt Nam phát triển theo mô hình ngày càng lớn mạnh, phù hợp với mô hình công chứng của các nước tiên tiến trên thế giới, trở thành một trong những dịch vụ công thiết thực, hiệu quả và ngày càng trở nên thông dụng trong các giao lưu thương mại, dân sự và trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các định hướng và giải pháp sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hiện hết sức cần thiết. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cả về lý luận và quy định của pháp luật thực định về vấn đề giá trị pháp lý của văn bản công chứng, nhằm khẳng định giá trị, bảo đảm văn bản công chứng có hiệu lực thi hành, hạn chế tiến tới loại bỏ các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch, hợp đồng công chứng. Ngoài ra, để giá trị của các văn bản công chứng được bảo đảm, phải đổi mới, hoàn thiện đồng bộ các thiết chế từ tổ chức đến hoạt động công chứng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng để phát huy vai trò tự quản của các tổ chức này. Có như vậy, vai trò của văn bản công chứng trong hoạt động bổ trợ tư pháp này mới được khẳng định và phát huy góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.
Những thành tựu, kết quả do hoạt động công chứng đem lại bảo đảm tăng cường an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng các mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp và chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế./. Luận văn: Giải pháp hoàn thiện văn bản công chứng tại VN
XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY
===>>> Luận văn: Pháp lý văn bản công chứng tại pháp luật Việt Nam