Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

Chia sẻ chuyên mục Đề tài Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hay nhất năm 2023 cho các bạn học viên ngành đang làm Khóa luận tốt nghiệp tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài khóa luận tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm Khóa Luận thì với đề tài Khóa luận: Chủ trương hoàn thiện quy định pháp luật do Chính phủ đề xuất và một số kiến nghị cá nhân về hạn mức giao đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này. 

Vốn có truyền thống coi trọng nông nghiệp “nông vi bản” và niềm tự hào với thành tựu là đất nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, Việt Nam đã luôn nhận thức vai trò to lớn của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế quốc gia, sự ổn định xã hội cũng như nâng cao mức sống của người dân. Song, đang có một thực tế không thể phủ nhận rằng nhiều chính sách và quy định pháp luật hiện hành không làm đúng chức năng định hướng và thúc đẩy, mà thay vào đó, lại kìm hãm và hạn chế sự đi lên của nền nông nghiệp, tiêu biểu như quy định về hạn mức giao đất và chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà người viết đã phân tích ở các chương trước.

Do đó, hiện nay thực tiễn đang đòi hỏi bức thiết cần có những giải pháp đúng đắn và khả thi để sửa đổi các quy định này nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển lên một tầm cao mới. Nắm bắt được yêu cầu này, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, qua các phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn chính trị, một số quan chức, cựu quan chức cấp cao trong bộ máy hành pháp trung ương và địa phương của nước ta đã đề cập thẳng thắn và có chiều sâu về vấn đề hạn mức đất nông nghiệp cũng như khuyến khích hoặc kiến nghị đưa ra những hướng đi nhằm sửa đổi vấn đề này. Tuy nhiên, người viết nhận thấy những kiến nghị đã công bố chưa được đề xuất một cách có hệ thống và chi tiết, có sức thuyết phục cao.

Do đó, trong khả năng của mình, người viết tiến hành: (1) Đánh giá sơ bộ các giải pháp đã được công bố, đặc biệt là chủ trương chính thức của Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về mở rộng hạn mức; (2) Từ đó, đưa ra những kết luận khoa học của bản thân về giải pháp sửa đổi quy định hạn mức giao đất và chuyển quyền sử dụng đất trong Luật đất đai 2013.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:

===>>> Viết Thuê Khóa Luận Tốt Nghiệp Ngành Luật

3.1. Về chủ trương mở rộng hạn điền của Chính phủ

Quan điểm đòi hỏi sửa đổi quy định hạn mức đất nông nghiệp không phải chỉ mới được đưa ra, cũng không phải chỉ mới được đề xuất một vài lần, song để tạo nên cuộc thảo luận sôi nổi và trở thành đòi hỏi chính sách bức thiết trong thời gian gần đây là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 05 tháng 10 năm 2016 tại TP Hải Phòng trước thềm Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 sắp diễn ra, trước băn khoăn của một cử tri về những bất cập của quy định hạn mức đất nông nghiệp bó buộc nông dân trong sản xuất, ông Phúc đã tỏ thái độ ủng hộ nâng hạn mức, cho phép tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn, song cũng lưu ý phải có phương thức sửa đổi hợp lý để “tránh bị lợi dụng” [01]. Tuy nhiên, đây là một trong số những ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri của Thủ tướng và quan điểm này chưa nhận được nhiều sự chú ý của dư luận.

Chưa đầy một tháng sau, nó được tiếp lửa bởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Nguyễn Xuân Cường trong phiên đăng đàn giải trình trước Quốc hội vào ngày 02 tháng 11 năm 2017 về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, mà trong đó, ông kiến nghị bãi bỏ chính sách hạn điền [11] đồng nghĩa với việc loại bỏ các quy định về hạn mức giao đất và chuyển quyền sử dụng đất trong Luật đất đai 2013 hiện hành. Với tư cách là phát biểu chính thức của “tư lệnh” ngành nông nghiệp trước diễn đàn chính trị quan trọng nhất của đất nước, giải trình trên của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thu hút sự chú ý cao độ của dư luận xã hội. Sau đó, nhiều quan điểm thảo luận về hạn mức đất nông nghiệp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cựu quan chức liên tiếp được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông. Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Cuối cùng, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2017, vấn đề sửa đổi quy định hạn mức đất nông nghiệp đã được Chính phủ đưa vào chương trình thảo luận. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng, Chính phủ đã quyết nghị chủ trương sửa đổi quy định hạn mức đất nông nghiệp, giao cho một số cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách, quy định pháp luật đất đai về vấn đề này nhằm “tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn”. Có thể nói, với sự ủng hộ của Chính phủ, chủ trương cởi bỏ “tấm áo chật hẹp” hạn mức cho sản xuất nông nghiệp nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới.

Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ chủ trương trên cần được cụ thể hóa như thế nào để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho xã hội, nhất là cho nền nông nghiệp quốc gia. Đây vẫn là một ẩn số đang được các quan chức và chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tư pháp tìm cách giải đáp đảm bảo kịp thời hạn Chính phủ yêu cầu là quý III năm 2017. Tuy nhiên, nhìn chung, Chính phủ đã ấn định diện mạo cơ bản cho việc sửa đổi đó là “mở rộng hạn điền” và đề án mà ba bộ nói trên đệ trình hiển nhiên cũng phải dựa trên hướng đi chủ đạo đó.

Với chủ trương trên, người viết có một số đánh giá, nhận định như sau:

Thứ nhất, Chính phủ không đề xuất bãi bỏ hoàn toàn quy định hạn mức mà chỉ mở rộng hạn mức này lên một mức độ phù hợp và cởi mở hơn, nghĩa là vẫn tồn tại hạn mức. Sự dè dặt khá rõ ràng này khiến chúng ta dễ dàng dự đoán hạn mức mới được đề xuất, nếu vẫn theo chủ trương trên, sẽ không vượt lên quá nhiều so với hạn mức hiện nay, có thể là trong khoàng 5 – 10 lần. Điều này hẳn xuất phát từ ý định, mong muốn “toàn vẹn đôi đường” rằng vừa đảm bảo cho phép tích tụ ruộng đất tiến đến sản xuất lớn, vừa có thể kiểm soát tích tụ ruộng đất hiệu quả và chặt chẽ, không để hình thành “địa chủ mới” làm gia tăng sự bất bình đẳng sử dụng đất nông nghiệp giữa các chủ thể sử dụng đất. Để hài hòa được hai mục đích có phần trái khác nhau này không phải là vấn đề đơn giản và cần có một chính sách pháp luật tinh tế, khéo léo, trước hết trong việc ấn định mức mở rộng hạn mức giao đất, nhận chuyển quyền hợp lý. Nhưng cách làm khả dĩ nhất chỉ vẫn là phương pháp cơ học với một hạn mức cụ thể được biểu hiện bằng con số cụ thể. Mà điều này luôn tồn tại khả năng lớn không phù hợp và khó theo kịp sự biến đổi nhanh chóng của đời sống, những đòi hỏi bức thiết của xã hội đồng thời chỉ mang nặng tư duy chủ quan của nhà làm luật. Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Thứ hai, hơn nữa, với thực tế hiện nay, việc mở rộng hạn mức thực ra chỉ có ý nghĩa với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất, không phải với trường hợp giao đất. Bởi lẽ, sau hơn 60 năm thực hiện chính sách phân phối đất đai ở miền Bắc và hơn 40 năm áp dụng chính sách phân phối đất đai trên phạm vi cả nước, hiện nay gần như Nhà nước đã hết quỹ đất để giao mới cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp nếu không phải do thu hồi, giao lại. Mà như ở chương II đã phân tích, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất hiện hành không có chế tài xử lý hiệu quả hiện tượng người dân lách luật bằng cách nhờ người thân, bạn bè đứng tên hay tích tụ ruộng đất trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vượt hạn mức rất lớn đến hàng trăm lần như trường hợp ông Út Huy ở Long An. Nếu chỉ mở rộng hạn mức tức là vẫn tồn tại một mức độ tối đa tích tụ ruộng đất thì buộc phải có những chế tài pháp lý được quy định để áp dụng với những trường hợp vượt hạn mức dưới tư cách xử lý vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người viết cho rằng biện pháp xử lý vi phạm mang tính hành chính không phải là cách thức ứng xử bền vững, hợp lý và đúng đắn trước những hành vi xuất phát từ nhu cầu lợi ích chính đáng của chủ thể vi phạm.

Thứ ba, nếu nhằm mục đích tích tụ ruộng đất thì hiện nay, dù quy định hạn mức vẫn đang hiệu lực song hiện tượng tích tụ ruộng đất cũng vẫn tồn tại âm thầm đồng thời có những hình thức tích tụ ruộng đất mà thậm chí pháp luật không hề hạn chế như cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… Do đó, nếu chỉ mở rộng hạn mức lên một mức độ cởi mở hơn thì chủ trương này cũng chỉ thể hiện sự thừa nhận pháp lý của Nhà nước đồng thời chỉ là liệu pháp tâm lý cho với những trường hợp đã rồi. Còn nếu muốn việc tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn có những bước tiến mạnh mẽ và dài hơi hơn trong tương lai thay vì chỉ công nhận những gì đã có ở hiện tại, việc vẫn tồn tại một mức độ hạn điền không làm thay đổi về bản chất của sự tích tụ ruộng đất.

Tóm lại, người viết cho rằng chủ trương nói trên của Chính phủ có thể sẽ có tác dụng nhất định trong ngắn hạn, song trong trung và dài hạn sẽ không có nhiều ý nghĩa tạo lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nền nông nghiệp.

3.2. Về một số giải pháp, kiến nghị cá nhân Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Trên cơ sở phân tích nêu trên, kết hợp với việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đánh giá đặc điểm cụ thể của Việt Nam, người viết đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, do các quy định và chính sách pháp luật đều xuất phát từ tư duy lập pháp, người viết cho rằng cần phải có sự thay đổi căn bản trong tư duy pháp lý về vấn đề hạn mức giao đất và nhận chuyển quyền sử dụng đất nói riêng, tư duy pháp lý về pháp luật đất đai nói chung về lâu dài. Cụ thể, cần từ bỏ tư duy công hữu ruộng đất, đi cùng với nó là quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp 2013 và Luật đất đai 2013, bởi lẽ:

Như đã phân tích, đó là quan điểm của học thuyết kinh tế chính trị của chủ nghĩa cộng sản ở thế kỷ 19 mà sau hàng trăm năm đã bộc lộ rõ sự không hợp lý. Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 cũng đã từ bỏ đặc điểm “công hữu tư liệu sản xuất” như là một đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Ngoại trừ một số rất nhỏ quốc gia thuộc hệ thống các nước cộng sản cũ và các quốc gia tuyên bố đi theo con đường chủ nghĩa xã hội gần đây, phần lớn các nước trên thế giới đều không quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà thừa nhận sự sở hữu tư nhân đối với ruộng đất.

Nhà nước ta đang đề cao và hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển hài hòa cho cả xã hội. Đây là quan điểm được hai nhiệm kỳ Chính phủ gần đây thường xuyên nhắc nhở. Không còn quan niệm về một nền chuyên chính vô sản, Nhà nước là công cụ của giai cấp vô sản, nhân dân lao động trong đấu tranh giai cấp chống lại giai cấp tư sản, địa chủ bóc lột nữa. Do đó, quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mang đậm khuynh hướng thời kỳ chuyên chính vô sản trở nên không phù hợp.

Đồng thời, với việc khẳng định là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, việc tồn tại một khái niệm pháp lý mơ hồ và không khoa học như trên dẫn đến tình trạng lợi dụng quyền lực công để tước đoạt quyền sử dụng đất hợp pháp của nông dân, không phù hợp với tiêu chí nhà nước pháp quyền có hệ thống pháp luật hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, được tuân thủ và tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Sau khi công nhận người nông dân có quyền sở hữu với đất nông nghiệp, quyền sở hữu này sẽ thúc đẩy chủ thể đó tập trung đầu tư cho tài sản của mình, giải phóng mạnh mẽ khả năng sản xuất của người nông dân và ruộng đất thay vì phải luôn lo lắng và không chuyên tâm đầu tư sản xuất trước khả năng mảnh đất mồ hơi nước mắt có thể bị thu hồi.

Thứ hai, từ tư duy chung nếu trên sẽ dẫn tới phương hướng chung là bãi bỏ hoàn toàn quy định hạn mức đất nông nghiệp.

Bởi lẽ quyền sở hữu của chủ sở hữu là bất khả xâm phạm trừ trường hợp hạn chế quyền đặc biệt, mà không tồn tại trường hợp nào giới hạn số diện tích đất người nông dân được quyền sở hữu. Nhất là, người viết cho rằng, mục đích cốt lõi và tối hậu ở đây không phải là nhằm tích tụ ruộng đất để thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp nhanh mạnh mà là tạo ra sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân một cách BỀN VỮNG. Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Do đó, chỉ có bãi bỏ hoàn toàn quy định hạn mức nông nghiệp mới có thể tạo nên sự chắc chắn hoàn toàn về pháp lý cho tích tụ ruộng đất – điều mà các hình thức tích tụ thông qua thuê đất, góp vốn, hợp tác kinh doanh hay mở rộng hạn mức không làm được. Đồng thời, phương hướng này còn cần đảm bảo những yêu cầu sau:

Quy định hạn mức đất nông nghiệp cần được thay thế bằng hệ thống quy định khác đảm bảo được cả hai mục tiêu: nâng cao sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn và ngăn chặn hoặc hạn chế sự tích tụ ruộng đất quá mức vào một số chủ thể, hình thành “địa chủ mới”. Trong hai mục tiêu này, mục tiêu thứ hai đặt ra nhiều thách thức hơn cả, tuy nhiên người viết đã nghiên cứu và kết luận hoàn toàn có giải pháp để đạt được mục tiêu này mà không phải là giải pháp “quốc hữu hóa ruộng đất” truyền thống và không mâu thuẫn với phương pháp bãi bỏ hoàn toàn hạn mức.

Bãi bỏ quy định hạn mức có ảnh hưởng to lớn không chỉ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà còn tác động sâu sắc đến đời sống an sinh xã hội ở nông thôn, do đó để được thực hiện thành công, nó cũng đòi hỏi việc thực hiện đồng bộ, có hệ thống các giải pháp bên cạnh giải pháp pháp luật đất đai là giải pháp pháp luật thuế, pháp luật lao động và an sinh xã hội, pháp luật khoa học công nghệ để điều chỉnh kịp thời, đúng đắn, giảm bớt hậu quả xấu và phát triển hệ quả tốt sẽ xuất hiện.

Việc thực hiện phương hướng trên đòi hỏi sự thay đổi một nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và pháp luật đất đai nên cần được thực hiện theo một lộ trình bền vững, không thể thực hiện vội vã, nôn nóng. Do đó, phương hướng trên phải kết hợp gồm cả các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Thứ ba, từ tư duy và phương hướng chung ở trên, các giải pháp cụ thể bao gồm:

(1) Sửa đổi quy định Điều 129 và Điều 130 Luật Đất đai 2013 theo hướng: về trước mắt, nên mở rộng hạn mức giao đất, chuyển quyền sử dụng đất ở hạn mức hợp lý; về lâu dài, tiến tới xóa bỏ hạn mức, nhằm tạo thuận lợi cho chủ thể nhận chuyển quyền. Trong đó, trọng tâm là Điều 130 vì như đã phân tích, chỉ có hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất là mang nhiều ý nghĩa, phục vụ cho chủ thể chuyển quyền (hộ gia đình, cá nhân, phần lớn là nông dân trực tiếp sản xuất mà không còn nhu cầu sản xuất hoặc có nhu cầu khác để thực hiện chuyển quyền) và chủ thể nhận chuyển quyền (chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, số ít là nông dân muốn sản xuất nông nghiệp quy mô lớn).

Về trước mắt, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cần đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện tại: 46,6% lực lượng lao động của cả nước vẫn nằm trong khu vực nông nghiệp, lao động nông thôn chiếm 70% (số liệu 2014); sản xuất nông nghiệp ở quy mô hộ gia đình là chủ yếu, khó cải thiện trong thời gian ngắn. Do đó, nếu trước mắt chúng ta bãi bỏ luôn quy định hạn mức sẽ dẫn đến nguy cơ có những chủ thể nhanh chóng tích tụ ruộng đất từ các chủ thể khác, dẫn đến bất bình đẳng trong sản xuất nông nghiệp kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Trước mắt phải quy định hạn mức mà chỉ có thể bằng phương pháp cơ học song cần nới rộng hợp lý, đồng thời cần cân nhắc sự khác biệt lớn trong sản xuất nông nghiệp giữa các vùng miền khi miền Nam có mức độ công nghiệp hóa cao hơn so với các miền Bắc và miền Trung để có hạn mức khác nhau giữa các các vùng miền cả theo địa hình (miền núi, trung du, đồng bằng) lẫn phương hướng (Bắc, Trung, Nam).

Một kinh nghiệm lịch sử có thể tham khảo đó là cuộc Cải cách điền địa của chế độ Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1955 – 1970 ở miền Nam Việt Nam. Trong cuộc cải cách điền địa lần thứ nhất dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông đã quy định trong Dụ số 57 ngày 20/10/1956 hạn mức ruộng đất rất lớn là 100 hécta mà điền chủ trực tiếp canh tác được giữ lại, dẫn đến chỉ khoảng 10% nông dân miền Nam mua được ruộng từ số ruộng điền chủ bị truất hữu [12]. Tuy nhiên, trong cuộc cải cách điền địa lần thứ hai dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Luật Người cày có ruộng ngày 26/03/1970 giảm con số xuống còn 15 hécta ở Nam phần và 5 hécta ở Trung phần, nhờ đó chấm dứt chế độ tá canh ở miền Nam Việt Nam, đưa khoảng 75.000 hộ tương đương 5.000.000 người thoát khỏi thân phận tá điền để trở thành những điền chủ trực tiếp sản xuất [08]. Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Về lâu dài, khi những điều kiện kinh tế – xã hội kể trên có sự thay đổi theo xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế, cụ thể: giảm sâu giảm mạnh số lượng lao động trong nông nghiệp nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang trọng tâm ở các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ,đi cùng giảm nhu cầu cần đất để sản xuất nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp phổ biến ở quy mô lớn (trang trại, hợp tác xã), đi vào chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật thì tiến tới xóa bỏ hạn mức.

Về cả trước mắt lẫn lâu dài, riêng một giải pháp có thể áp dụng ngay là sửa đổi quy định về thuế nông nghiệp, theo đó nhà nước thừa nhận thay vì không thừa nhận quyền sử dụng với phần diện tích đất nông nghiệp được nhận chuyển quyền vượt hạn mức, song áp mức thuế nông nghiệp cao với phần diện tích này. Giải pháp này một mặt vừa tạo ra sự đảm bảo pháp lý, tránh rủi ro cho chủ thể nhận chuyển quyền, vừa hạn chế sự tích tụ ruộng đất quá mức khi làm giảm bớt lợi ích mà chủ thể trên nhận được, từ đó đòi hỏi những chủ thể muốn tích tụ vượt hạn mức phải đầu tư vốn, công sức sản xuất để thu lợi nhuận bù đắp chi phí đã bỏ ra, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn và ứng dụng khoa học công nghệ.  Đây là giải pháp mà nhiều nước đã và đang áp dụng và tỏ ra có hiệu quả rõ rệt.

(2) Sửa Luật Đất đai 2013 theo hướng công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hoàn toàn là quyền tài sản của nông dân, phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015, nhằm phục vụ cho nông dân muốn chuyển quyền sử dụng đất.

BLDS 2015 đã quy định tại Điều 115: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”, tiếp tục thừa nhận người dân có quyền chuyển giao quyền sử dụng đất thông qua các giao dịch dân sự trên cơ sở tự do ý chí, tự nguyện, tự cam kết thỏa thuận.

Tuy nhiên, với quy định của Luật đất đai 2013 về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà nhà nước là đại diện chủ sở hữu, đi cùng thẩm quyền giao đất, thu hồi đất của các cấp chính quyền thì quy định trên của BLDS 2015 đã bị làm mờ nhòa trong nhiều thực tiễn đời sống. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân dễ dàng bị tước đoạt quyền sử dụng đất nông nghiệp với mảnh đất đã bỏ ra nhiều công sức để đầu tư chỉ bởi một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp huyện hay cấp tỉnh với mức bồi thường bèo bọt, không tương xứng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại dễ dàng tích tụ ruộng đất bằng cách tác động tới quyết định của các quan chức địa phương qua giao dịch vụ lợi thay vì thương lượng trực tiếp với nông dân.

Về hình thức, việc doanh nghiệp có đất là do nhà nước giao nhằm thực hiện dự án đầu tư song về bản chất, đây thực chất là sự chuyển quyền sử dụng đất không thông qua giao dịch dân sự. Vì vậy, điều này gây nên sự bất bình đẳng xã hội, sự bức xúc trong nhân dân, tranh chấp khiếu kiện đất đai rầm rộ và kéo dài. Nếu không giải quyết dứt điểm vấn nạn trên, việc mở rộng hay bãi bỏ hạn mức cũng sẽ không có ý nghĩa thúc đẩy tích tụ ruộng đất hợp pháp, mặt khác mở đường cho việc hợp pháp hóa tích tụ ruộng đất trái pháp luật. Quan trọng nhất, nó sẽ gây nên hệ lụy xấu về an sinh xã hội, xâm hại nghiêm trọng lợi ích chính đáng của nông dân chuyển quyền sử dụng đất, đào sâu bất bình đẳng xã hội.

Do đó, về trước mắt, cần sửa Luật đất đai 2013 theo hướng: Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Đình chỉ thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp của các cấp chính quyền thông qua hình thức quyết định hành chính về thu hồi đất với các trường hợp thu hồi đất từ Điều 61 đến Điều 65 Luật đất đai 2013, trừ trường hợp chết không có người thừa kế; tự nguyện trả lại đất; đe dọa tính mạng con người; đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thu tiền sử dụng đất có nguồn gốc ngân sách nhà nước tại Điểm a, b, c, đ, e Khoản 1 Điều 65. Cụ thể, cần:

  • Bãi bỏ trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì sự mơ hồ, dễ dung túng cho lợi ích nhóm, tham nhũng ;
  • Với trường hợp cần thiết vì an ninh quốc gia, quốc phòng, lợi ích công cộng, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước chỉ được trưng mua, trưng dụng đất nông nghiệp và phải bồi thường theo giá thị trường do hội đồng định giá độc lập ấn định;
  • Với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, Nhà nước chỉ áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự với chủ thể vi phạm, không được thu hồi đất;
  • Trường hợp hết thời hạn sử dụng đất hay không được gia hạn, cần bãi bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để phù hợp với quy định Hiến pháp 2013 về việc người dân có quyền “sử dụng đất ổn định, lâu dài”, đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước không được quyền thu hồi;
  • Trường hợp tổ chức tư nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền hoặc thu tiền sử dụng đất không có nguồn sách ngân sách nhà nước, được Nhà nước cho thuê đất thì Nhà nước phải tiến hành thỏa thuận khi muốn lấy lại đất.

Mọi giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là giao dịch dân sự, tuân theo quy định pháp luật dân sự, Nhà nước hoàn toàn không được can thiệp vào giao dịch. Chủ thể nhận chuyển quyền muốn tích tụ ruộng đất phải thương lượng với chủ thể chuyển quyền. Điều này vừa hạn chế tham nhũng, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm; vừa đảm bảo quyền lợi của các bên trên cơ sở tự do ý chí. Nếu có tranh chấp xảy ra, sẽ giải quyết bằng các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự mà cuối cùng là tại Tòa án theo trình tự tố tụng luật định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao pháp quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật.

Về lâu dài, tiến tới công nhận quyền sở hữu đất nông nghiệp trên cơ sở xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, sửa đổi toàn diện Luật đất đai 2013.

(3) Thực hiện đồng bộ với quy định pháp luật lao động, an sinh xã hội để đảm bảo đời sống nông dân sau khi chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Pháp luật lao động, an sinh xã hội cần chuẩn bị cho hậu quả tất yếu là nhiều nông dân sau khi nhận chuyển quyền sẽ không còn tư liệu lao động, trở thành một dạng “tá điền mới” cho chủ thể nhận chuyển quyền, tích tụ ruộng đất nếu không được sự bảo trợ của pháp luật. Pháp luật lao động, an sinh xã hội cần coi những người nông dân này là người lao động, trở thành công nhân nông nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho họ, bao gồm

  • Nâng cao hiểu biết pháp luật cho nông dân để họ nhận thức được cách thức bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là đảm bảo nông dân có quyền thành lập công đoàn như người lao động.
  • Áp dụng chính sách an sinh xã hội (chế độ bảo hiểm, chế độ an toàn vệ sinh lao động…) với nông dân lao động cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất như người lao động
  • Áp dụng pháp luật lao động để giải quyết tranh chấp giữa nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp khi phát sinh mâu thuẫn.
  • Tăng cường công tác hậu kiểm của nhà nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo thực hiện pháp luật lao động, an sinh xã hội với nông dân lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở trình bày bức tranh tổng quan về cơ sở lý luận, cơ sơ thực tiễn và một số đề xuất giải pháp sửa đổi quy định hạn mức giao đất, chuyển quyền sử dụng đất của Luật đất đai 2013 hiện nay, trong đó tập trung phân tích chủ trương của Chính phủ về mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ ruộng đất, tiến tới sản xuất lớn, người viết cho rằng nhu cầu sửa đổi quy định hạn mức là cần thiết song nhận định chủ trương nêu trên chỉ là giải pháp tình thế, tạm thế, còn khá dè dặt và về lâu dài không thể giải quyết được những bất cập đang tồn tại. Về thực chất, nó vẫn duy trì cách thức giải quyết là hạn mức đất nông nghiệp và vẫn tồn tại ứng xử không thừa nhận, đảm bảo pháp lý của Nhà nước với các trường hợp vượt hạn mức.

Từ đó, người viết đưa ra hệ thống các giải pháp, kiến nghị cá nhân đối với vấn đề sửa đổi quy định hạn mức đất nông nghiệp trên cơ sở nghiên cứu như sau:

Về tư duy: thay đổi tư duy về đặc trưng công hữu tư liệu sản xuất của chủ nghĩa xã hội, từ đó bỏ nguyên tắc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp 2013 và Luật đất đai 2013.

Về phương hướng: giải pháp cần có lộ trình cả trước mắt và lâu dài, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp từ pháp luật đất đai, thuế, lao động, an sinh xã hội, khoa học công nghệ nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững: vừa đảm bảo tăng cường sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo nâng cao đời sống nông dân.

Về giải pháp cụ thể:

  • Về quy định hạn mức đất nông nghiệp: về trước mắt, mở rộng hạn mức hợp lý trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm lịch sử và quốc tế; về lâu dài, tiến tới bãi bỏ hạn mức.
  • Về chính sách thuế: áp mức thuế nông nghiệp cao với phần diện tích vượt hạn mức
  • Về pháp luật đất đai: về trước mắt, đình chỉ thẩm quyền thu hồi đất của các cấp chính quyền địa phương với một số trường hợp thu hồi đất không hợp lý, mọi giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tuân thủ quy định pháp luật dân sự, nhà nước hoàn toàn không can thiệp; về lâu dài, công nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân.
  • Về pháp luật lao động, an sinh xã hội: coi người nông dân sau khi chuyển quyển là người lao động, đảm bảo quyền lợi như người lao động trong quan hệ với doanh nghiệp, chủ sử dụng đất nhận chuyển quyền. Khóa luận: Kiến nghị chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ:

===>>> Khóa luận: Chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo pháp luật

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x